Hà Nội

Sữa mẹ vắc-xin quý nhất cho con

12-04-2014 15:46 | Đời sống
google news

SKĐS - Nuôi con bằng sữa mẹ có thể giúp phòng tránh tử vong cho một đứa trẻ hoặc hơn thế và lại có chi phí rẻ, an toàn, dùng qua đường uống trực tiếp và không cần bảo quản lạnh

Nếu có một loại vắc-xin mới mà có thể giúp phòng tránh tử vong cho một đứa trẻ hoặc hơn thế và lại có chi phí rẻ, an toàn, dùng qua đường uống trực tiếp và không cần bảo quản lạnh, nó sẽ trở thành một đòi hỏi cấp thiết cho sức khỏe cộng đồng. Nuôi con bằng sữa mẹ có thể làm được tất cả những điều này và còn nhiều hơn thế.

Những sai lầm… chết người!

Theo số liệu báo cáo của BS. Lữ Thị Trúc Mai - Bệnh viện Phụ sản Hùng Vương, TP.HCM, không có thói quen tốt trong việc nuôi con bằng sữa mẹ là một nguyên nhân chính làm tăng tỷ lệ suy dinh dưỡng ở trẻ em Việt Nam. Phần lớn bà mẹ (97%) cho con bú trong nhưng chỉ có 55% trong số họ cho trẻ bú ngay trong vòng 1 giờ đầu sau sinh. Trong số 43% bà mẹ nhận thấy sữa mẹ là nguồn thức ăn chính cho trẻ dưới 6 tháng tuổi, chỉ có 10% nuôi con bằng sữa mẹ hoàn toàn theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), tức là không cho trẻ ăn hoặc uống thêm bất cứ thứ gì khác ngoài sữa mẹ. Chỉ 36,5% bà mẹ có ý định cho con bú kéo dài đến 24 tháng tuổi.

 

Cho trẻ bú sớm trong vòng một giờ đầu sau sinh giúp trẻ được bú sữa non

Cho trẻ bú sớm trong vòng một giờ đầu sau sinh giúp trẻ được bú sữa non. Sữa non được xem là chất miễn dịch đầu tiên của trẻ vì có nhiều kháng thể, có hàm lượng vitamin A cao và các yếu tố bảo vệ khác. Sữa non là sữa sạch, nguyên chất và có khả năng kháng khuẩn. Cho trẻ bú mẹ sớm và thường xuyên, đặc biệt cùng với phương pháp tiếp xúc da kề da sớm giữa mẹ và trẻ giúp ổn định nhiệt độ, tần suất hô hấp và nồng độ đường trong máu của trẻ.

Tại các đô thị của Việt Nam, chỉ có 1 trong 3 bà mẹ cho con bú ngay trong vòng một giờ đầu sau sinh. Tại các vùng nông thôn, tỷ lệ này tăng lên là 2 trong 3 phụ nữ. Nguyên nhân chính của việc chậm trễ cho con bú sớm là do quan niệm sai lầm rằng: bà mẹ không có đủ sữa, do sinh mổ, việc tách riêng bà mẹ và trẻ sau khi sinh, cơ sở y tế bị quá tải và sự sẵn có của sữa bột.

Ngoài ra, ở một số vùng của Việt Nam, người dân lại có thói quen chung là cho trẻ uống: mật ong, nước cam thảo, nước đường, nước chanh, thậm chí là nước mắm trước khi bú cữ đầu. Thêm vào đó, nhiều bà mẹ lại nhận thức rằng mình không có đủ sữa (cả về số lượng và chất lượng) để có thể nuôi dưỡng và cho con bú đến 6 tháng tuổi và thường bắt đầu cho trẻ ăn thức ăn bổ sung bằng các loại sữa bột và các thức ăn khác khi trẻ mới 4 tháng tuổi. Đối với các bà mẹ đi làm (chiếm 20 - 30% các bà mẹ nói chung), yêu cầu phải quay lại làm việc sau 4 tháng nghỉ sinh đặt ra một thách thức cho việc nuôi con bằng sữa mẹ hoàn toàn. Sau cùng, thiếu sự ủng hộ và hỗ trợ của gia đình và nhân viên y tế là một trong những nguyên nhân hạn chế các mẹ nuôi trẻ hoàn toàn bằng sữa mẹ.

Nhân viên y tế đóng vai trò rất quan trọng

Tuần lễ thế giới Nuôi con bằng sữa mẹ được kỷ niệm ở hơn 120 quốc gia, nhằm khuyến khích nuôi con bằng sữa mẹ như một cách thức quan trọng giúp cải thiện sức khỏe và sự phát triển của trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Và nhân viên y tế có thể giúp bà mẹ có những quyết định nuôi dưỡng trẻ tốt hơn. Tại Việt Nam, hầu hết phụ nữ mang thai được chăm sóc trước sinh. Các bà mẹ thường đi khám thai nhiều lần trong suốt thời gian mang thai và đa số sinh con tại bệnh viện, nhà hộ sinh hoặc cơ sở y tế ở địa phương. Trong thời gian này, nhân viên y tế sẽ có cơ hội để tư vấn, hỗ trợ và cung cấp thông tin giáo dục cho phụ nữ, giúp họ biết cách nuôi dưỡng trẻ tốt nhất.

Tại Việt Nam, có một rào cản chung đối với việc nuôi con bằng sữa mẹ hoàn toàn, đó chính là nhận thức sai của cha mẹ và nhân viên y tế rằng bà mẹ có thể không có sữa ngay sau khi sinh để có thể cho trẻ bú sớm. Do đó, tại khu vực thành thị của Việt Nam, gần 50% phụ nữ mang thai mang theo các loại sữa thay thế sữa mẹ hoặc sữa bột đến bệnh viện trước khi sinh con.

NGUYỄN HUYỀN


Ý kiến của bạn