Quản lý nước nóng, nước khoáng theo pháp luật về khoáng sản
Tại Hội nghị ĐBQH hoạt động chuyên trách chiều 28/8, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường (KHCNMT) Lê Quang Huy đã trình bày báo cáo tóm tắt một số vấn đề lớn còn ý kiến khác nhau về dự án Luật Tài nguyên nước (sửa đổi).
Về phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật, Thường trực Ủy ban KHCNMT cho rằng, Luật Tài nguyên nước sửa đổi theo 4 nhóm chính sách lớn, đảm bảo quản lý toàn diện về nước từ bảo vệ, phát triển, điều hòa, phân phối, đến khai thác, sử dụng và phòng chống tác hại do nước gây ra.
Nước khoáng, nước nóng thiên nhiên có tính chất lý, hóa đặc biệt, có giá trị kinh tế cao hơn nước thông thường nên cần có yêu cầu quản lý nghiêm ngặt, chặt chẽ như một loại tài nguyên, khoáng sản có giá trị kinh tế cao; hiện loại nước này đang được quản lý ổn định theo pháp luật về khoáng sản. Do đó, không bổ sung 2 loại nước này trong phạm vi điều chỉnh của Luật để tránh xáo trộn.
Về bảo vệ tài nguyên nước và phục hồi nguồn nước, có ý kiến đề nghị bên cạnh quản lý tiền kiểm qua công cụ cấp phép, cần tăng cường hậu kiểm bằng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật để phù hợp với đối tượng quản lý "động và mềm"; bổ sung một điều quy định mang tính nguyên tắc về bảo vệ nguồn nước mặt. Tiếp thu ý kiến ĐBQH, dự thảo Luật đã bổ sung quy định nội dung quản lý theo tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật. Đồng thời, bổ sung riêng một Điều 22 quy định về bảo vệ nguồn nước mặt.
Về điều hòa, phân phối tài nguyên nước, dự thảo Luật đã bổ sung quy định về căn cứ, nguyên tắc, giải pháp điều hòa, phân phối tài nguyên nước thông qua biện pháp công trình, giải pháp phi công trình; bổ sung quy định dự báo khí tượng, thủy văn, xu thế diễn biến theo các thời kỳ trong năm nhằm chủ động kịch bản điều hòa, phân phối, bảo đảm hài hòa lợi ích của các bên khai thác, sử dụng nước; bổ sung trách nhiệm các bộ, UBND tỉnh trên lưu vực sông trong điều hòa, phân phối tài nguyên nước.
Về khai thác, sử dụng tài nguyên nước, Thường trực Ủy ban KHCNMT thấy rằng, để tránh chồng chéo trong quản lý nước sinh hoạt, Luật Tài nguyên nước chỉ quy định một số nguyên tắc về yêu cầu quản lý và đảm bảo chất lượng, số lượng nguồn nước cấp cho sinh hoạt tại Điều 27 và Điều 44 dự thảo Luật.
Chú ý công tác bảo vệ an toàn hồ đập
ĐBQH Trần Đình Gia – Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Tĩnh đóng góp ý kiến liên quan về quy trình vận hành hồ chứa và đề nghị cân nhắc quy định giao UBND tỉnh tổ chức xây dựng quy chế phối hợp vận hành giữa các đập, hồ chứa bậc thang trên sông suối. Bởi thực tế điều kiện, nhân lực, nguồn lực quản lý về tài nguyên nước tại địa phương hiện nay còn thiếu và yếu chưa đảm bảo để thực hiện nội dung này.
Về đăng ký cấp phép khai thác tài nguyên nước tại Điều 53, đại biểu đề nghị không quy định cấp phép khai thác sử dụng tài nguyên nước đối với các hồ chứa thủy lợi trong trường hợp cung cấp sản phẩm dịch vụ công ích thủy lợi. Trong đó bao gồm tưới cho cây trồng và cấp nước cho sản xuất muối, nuôi trồng thủy sản, chăn nuôi, nhằm hạn chế lãng phí ngân sách nhà nước trong việc thực hiện cấp phép khai thác sử dụng tài nguyên nước.
ĐBQH Nguyễn Anh Trí – Đoàn ĐBQH TP. Hà Nội cho rằng, cần bảo vệ nguồn nước ngầm để bảo vệ an ninh nguồn nước. Ngoài ra, việc bảo vệ, chống cạn kiệt nguồn nước mặt cũng cần được quan tâm hơn, đồng thời cũng cần chú ý đến công tác bảo vệ an toàn hồ đập, tăng khả năng chịu tải của hồ đập nhằm đảm bảo an toàn cho nhân dân ở vùng lũ…
Đại biểu Nguyễn Anh Trí cho rằng, ở Điều 22 nên chia làm 2 phần. Một là, quản lý hành lang bảo vệ nguồn nước, chống ô nhiễm nguồn nước. Hai là, phòng, chống suy thoái, cạn kiệt chủ động, tích cực lưu giữ nguồn nước mặt như xây hồ đập, tích trữ nước mưa…
Ngoài ra, đại biểu cũng đề nghị Ban soạn thảo dự án Luật cần sửa đổi khoản 2 của dự thảo Luật theo hướng đảm bảo lưu thông dòng chảy, làm rõ việc tăng khả năng chịu tải của nguồn nước. Mặt khác, cần nhấn mạnh giá trị và việc bảo đảm hồ đập trong việc trữ nước, làm thủy điện, phòng chống lũ lụt, xả lũ; xây dựng nhiều vị trí tháo nước, xả lũ phân tán ở nhiều phía, nhiều vùng, nhiều tỉnh…