Tại phiên họp, các đại biểu đã nêu ý kiến, đóng góp để hoàn thiện dự thảo dự án Luật Đất đai (sửa đổi) trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 4 (tháng 10/2022) tới. Tại phiên thảo luận, nhiều ý kiến quan tâm tới vấn đề đảm bảo quyền lợi cho người dân khi đất bị thu hồi.
Phát biểu tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho rằng, đây là đạo luật quan trọng, phức tạp, có tác động đến mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội.
Về đề thu hồi đất, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật cho rằng, khi thu hồi đất thì bồi thường cho người có quyền sử dụng bị thu hồi phải đảm bảo đời sống tốt hơn, trong Nghị quyết 18-NQ/TW đã nêu rất rõ nhưng trong dự thảo luật chỉ nhắc lại chứ không cụ thể hơn… Nếu các chế định trong luật này mà làm không kỹ, không thận trọng, không cân nhắc kỹ lưỡng sẽ tác động trực tiếp đến các mối quan hệ pháp lý khác.
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Nguyễn Phú Cường nêu quan điểm, điều kiện đấu giá quyền sử dụng đất trong trường hợp đất chưa bồi thường, hỗ trợ, tái định cư chưa được quy định chặt chẽ, còn thiếu tính khả thi.
Tại Điểm đ Khoản 1 quy định, một trong các điều kiện đặt ra là: Có tối thiểu 80% người bị thu hồi đất đồng ý với phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư. Ông Nguyễn Phú Cường cho rằng, chưa có bồi thường, hỗ trợ tái định cư thì chưa có quyết định thu hồi đất, chưa đo đạc để xác định rõ diện tích, giá đền bù, nên việc đặt ra con số 80% là không thực tế, đề nghị nghiên cứu sửa đổi để đảm bảo quy định của Luật được khả thi, dễ dàng áp dụng trong thực tế.
Tổng Thư ký – Chủ nhiệm VPQH Bùi Văn Cường nêu rõ yêu cầu quán triệt Nghị quyết 18-NQ/TW nhất là tiếp tục thực hiện cơ chế tự thỏa thuận giữa người dân và doanh nghiệp trong chuyển nhượng quyền sử dụng đất để thực hiện các dự án đô thị nhà ở thương mại để bảo đảm quyền lợi hợp pháp của người người dân.
Theo Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm VPQH, thực hiện điều này sẽ tạo ra ổn định xã hội bởi khi đạt được thỏa thuận giữa người dân và doanh nghiệp, nhận được sự đồng thuận của người dân cũng sẽ góp phần giảm khiếu kiện đông người, vượt cấp.
Cùng nêu ý kiến về việc này, Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh ủng hộ quan điểm cần cân nhắc, đánh giá kỹ lưỡng để đảm bảo quyền lợi của người sử dụng đất khi thực hiện thu hồi đất để xây dựng dự án đô thị, nhà ở thương mại. Nên cho phép chủ đầu tư được thỏa thuận với người sử dụng đất trong việc nhận chuyển nhượng, chuyển mục đích sử dụng đất để thực hiện dự án; hạn chế thực hiện việc thu hồi đất để tránh khiếu kiện về đất đai.
Phát biểu giải trình các ý kiến đại biểu nêu liên quan đến việc thu hồi đất, Bộ trưởng Bộ Tài Nguyên và Môi trưởng Trần Hồng Hà cho biết, dự án Luật đã quy định trường hợp thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh, thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng.
"Tuy nhiên rất khó để đưa điều kiện, tiêu chí toàn diện về vấn đề này. Tiếp thu các ý kiến tại Phiên họp, Cơ quan soạn thảo sẽ tiếp tục tiếp thu để nghiên cứu, làm rõ nội hàm việc thu hồi đất đảm bảo lợi ích quốc gia, dân tộc. Đồng thời, cũng nghiên cứu mở rộng quỹ đất theo hướng tuyến đường để mở rộng các đường giao thông, lấy nguồn lực đất đai để tiếp tục phát triển hạ tầng giao thông, phục vụ mục đích phát triển kinh tế- xã hội", Bộ trưởng Trần Hồng Hà nói.
Kết luận phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải nhấn mạnh, đây là dự án Luật có vai trò hết sức quan trọng, nội dung phức tạp, phạm vi rộng liên quan đến nhiều ngành, lĩnh vực nên đề nghị Chính phủ nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của Chủ tịch Quốc hội, UBTVQH để hoàn thiện dự thảo.
Về vấn đề bồi thường khi thu hồi đất, Phó Chủ tịch Quốc hội lưu ý, tiếp tục rà soát các quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, phát triển quỹ đất, tài chính về đất đai, giá đất để thể chế hóa đầy đủ Nghị quyết 18-NQ/TW, lưu ý bồi thường, hỗ trợ bảo đảm khả thi, bao quát đối tượng; có tiêu chí, điều kiện cụ thể cho các trường hợp thu hồi đất để tạo quỹ đất đấu giá quyền sử dụng đất.
Xem thêm video đang được quan tâm:
Tiết lộ bất ngờ của nữ hướng dẫn viên bị xâm hại: “Họ muốn trả tiền để tôi im lặng”.