Sữa học đường: Trẻ em và xây dựng chương trình uống sữa cải thiện tầm vóc

10-10-2016 15:23 | Thời sự
google news

SKĐS - Theo chuyên gia dinh dưỡng, chế độ ăn của trẻ cần rất nhiều vi chất để đảm bảo sự phát triển toàn diện cả về thể chất và trí tuệ, tạo nền tảng tốt cho tương lai của trẻ về sau.

Theo chuyên gia dinh dưỡng, chế độ ăn của trẻ cần rất nhiều vi chất để đảm bảo sự phát triển toàn diện cả về thể chất và trí tuệ, tạo nền tảng tốt cho tương lai của trẻ về sau. Tuy nhiên, do điều kiện kinh tế và nhận thức chưa cao, trẻ em Việt Nam đang đối mặt với tình trạng suy dinh dưỡng, thấp còi, tỷ lệ tới 25% ở trẻ dưới 5 tuổi. Uống sữa được các chính phủ và chuyên gia dinh dưỡng khuyến cáo như là một biện pháp hữu hiệu để bổ sung kịp thời các chất dinh dưỡng thiếu hụt, giúp cải thiện thể trạng, hệ miễn dịch, tiêu hóa cho trẻ.

Đã có nhiều chiến lược dinh dưỡng mang tầm quốc gia ra đời, trong đó Sữa học đường là chương trình được đánh giá cao bởi quy mô và hiệu quả rõ rệt trong việc cải thiện suy dinh dưỡng cho các em học sinh mầm non, tiểu học, đem lại sự phát triển lành mạnh cho trẻ em về thể chất lẫn trí tuệ.

Ngoài ra, chương trình liên tục nhận được sự phối hợp nhịp nhàng của nhà nước, cơ quan tỉnh thành và doanh nghiệp. Nhờ đó hàng vạn trẻ em đã được uống sữa đều đặn, tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng theo đó cũng giảm đều qua các năm.

Nhờ chương trình mà trẻ em đến trường khỏe mạnh và vui tươi hơn.

Sữa học đường, mô hình có lịch sử hơn 100 năm được Tổ chức Nông lương Thế giới (FAO) thuộc Liên hợp quốc kêu gọi và ủng hộ áp dụng ở các nước trên thế giới. Tại châu Á, đây là chương trình được coi là hình mẫu thần kỳ trong việc cải thiện tầm vóc, trong đó có Nhật Bản. Sữa học đường đã giúp tăng chiều cao trung bình của nam thanh niên Nhật từ mức 1m50, thấp gần nhất châu Á, lên mức 1m72 ngày nay.

Sữa học đường đã bắt đầu được áp dụng tại Việt Nam từ năm 2007 với sự phối hợp triển khai của các cơ quan nhà nước cấp tỉnh, cùng các doanh nghiệp có trách nhiệm xã hội, trong đó có Vinamilk và Tetra Pak.

Bà Rịa Vũng Tàu, tỉnh đầu tiên thực hiện chương trình sữa học đường từ năm 2007, tỷ lệ suy dinh dưỡng (SDD) thể nhẹ cân ở trẻ em dưới 6 tuổi đã giảm mạnh từ 10% năm 2006 xuống còn 1,6% vào năm 2015 và SDD thể thấp còi giảm từ 4,7% năm 2012 xuống 2,7% năm 2015.

Tại Bắc Ninh, nơi triển khai chương trình đầu tiên ở phía Bắc, tỷ lệ SDD nhẹ cân giảm từ 6,6% (2013) xuống còn 2,3% (2015); và SDD thấp còi giảm từ 8% (2013) xuống còn 3,8%.

Đồng Nai hiện là tỉnh thực hiện Sữa học đường có quy mô lớn nhất: cho cả khối mầm non và một phần bậc tiểu học uống sữa. Tuy tại tỉnh Đồng Nai còn gặp nhiều khó khăn do địa bàn rộng và phức tạp nhưng chương trình cũng đã mang lại những kết quả ấn tượng. Tỷ lệ SDD nhẹ cân năm 2013 ở mức 9% thì đã giảm còn 6,2% năm 2015 và SDD thấp còi giảm từ 10% còn 7,5%.

Những kết quả đầy hy vọng đó chính là động lực để Vinamilk sẽ tiếp tục đồng hành cùng Sữa học đường. Năm 2016, Vinamilk sẽ tiếp tục triển khai mới tại 3 tỉnh: Khánh Hòa, Đà Nẵng, Quảng Ngãi, ngoài ra công ty sẽ hỗ trợ 14 tỷ đồng cùng chương trình mang nguồn sữa đến với học sinh tại 14 tỉnh khó khăn nhất Việt Nam. Tổng số tiền 20 tỷ đồng Vinamilk đóng góp cho chương trình Sữa học đường tại 20 tỉnh trong năm 2016 sẽ tương đương với khoảng gần 4 triệu hộp sữa cho các em học sinh mầm non, tiểu học.

Ông Nguyễn Hồng Sinh, Giám đốc Kinh doanh toàn quốc của Vinamilk chia sẻ: “Sữa học đường là một trong những hoạt động quan trọng nhất của công ty. Sản phẩm của Vinamilk được nghiên cứu bổ sung các vi chất cần thiết cho lứa tuổi học đường để đảm bảo cung cấp đầy đủ dưỡng chất cần thiết trong quá trình học tập tại trường.”

Để sữa đến tay tất cả các em học sinh khắp các tỉnh thành an toàn và chất lượng, ông Robert Graves, Tổng Giám đốc Công ty Tetra Pak Việt Nam cho biết: “Công nghệ chế biến và đóng gói tiệt trùng của Tetra Pak đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy Chương trình Sữa học đường trên toàn cầu, bởi công nghệ này giúp mang các hộp sữa an toàn, chất lượng tới cho học sinh ở bất cứ nơi đâu”.

Sữa học đường không chỉ giúp cải thiện tình trạng suy dinh dưỡng cho trẻ, nâng cao thể lực thế hệ tương lai, mà còn góp phần nâng cao nhận thức cộng đồng về uống sữa đối với sự phát triển của trẻ. Mục tiêu được Chính phủ đặt ra là đến năm 2020, 90% bố, mẹ, người chăm sóc trẻ ở thành thị và 60% bố, mẹ, người chăm sóc trẻ ở nông thôn được truyền thông, giáo dục và tư vấn về dinh dưỡng.

Một phụ huynh tại Bắc Ninh chia sẻ: “Có những gia đình kinh tế còn hạn hẹp, thì các cháu đến tối mới được uống sữa. Với chương trình này, các cháu rất vui khi đến giờ uống sữa, sau khi uống sữa các cháu lại thi đua ăn. Đây là một điều thay đổi mà chúng tôi rất phấn khởi”.

Ghi nhận tính hiệu quả của chương trình, vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã chính thức ban hành Quyết định số 1340/QĐ-TTg về việc: Phê duyệt Chương trình Sữa học đường cải thiện tình trạng dinh dưỡng góp phần nâng cao tầm vóc trẻ em mẫu giáo và tiểu học đến năm 2020. Theo đó, 70% số học sinh mẫu giáo và tiểu học ở vùng thành thị, nông thôn được uống sữa theo Chương trình Sữa học đường; chiều cao của trẻ tuổi nhập học (6 tuổi) tăng từ 1,5 - 2cm ở cả trẻ trai và gái so với năm 2010...

Như vậy, Sữa học đường đã chính thức trở thành một chương trình chiến lược quốc gia được áp dụng rộng rãi trên toàn quốc. Đây là một tin vui cho tất cả trẻ em Việt Nam, nhờ chương trình mà các em sẽ có thể được bổ sung dinh dưỡng thường xuyên và đầy đủ để khỏe mạnh, cao lớn và thông minh hơn.


NGUYỄN HẰNG
Ý kiến của bạn