Hà Nội

Sữa học đường: Cần kiểm soát tiêu chuẩn

01-11-2017 15:16 | Dinh dưỡng
google news

SKĐS - Chương trình Sữa học đường quốc gia đang được nhiều tỉnh thành triển khai. Tuy nhiên, món quà đầy tính nhân văn này cho trẻ chưa thực sự trọn vẹn khi chưa có các biện pháp hiệu quả để kiểm soát chất lượng.

Mỗi tỉnh một phách

Sau hơn 5 năm ấp ủ, Chương trình Sữa học đường quốc gia chính thức được Chính phủ khởi động bằng việc ban hành Quyết định số 1340/QĐ-TTg (phê duyệt Chương trình SHĐ cải thiện tình trạng dinh dưỡng góp phần nâng cao tầm vóc trẻ em mẫu giáo và tiểu học đến năm 2020) vào tháng 7/ 2016.

Đây được coi là món quà quý giá dành cho thế hệ tương của đất nước, nhất là trong điều kiện nhiều nhiệm vụ kinh tế - xã hội quan trọng khác cùng cần nguồn lực.

Sau quyết định này, nhiều địa phương đã đồng loạt triển khai chương trình SHĐ trên quy mô lớn. Nghệ An, Bắc Ninh, Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai… là những tỉnh đã triển khai, nay tiếp tục nhân rộng. Hiện tại, Hà Nội, TP Hồ Chí Minh cũng đã có những động thái triển khai diện rộng. Thậm chí, những địa phương khó khăn hơn như Hoà Bình, Tuyên Quang, Đắk Lắk… cũng đã có quyết định triển khai.

Tuy nhiên, tín hiệu vui cho các chủ nhân tương lai chưa trọn vẹn khi vấn đề quan trọng nhất - chất lượng sữa chưa được thực hiện thống nhất. Theo quyết định của Chính phủ, sữa được sử dụng cho Chương trình Sữa học đường là sữa tươi. Đây được coi là mũi tên trúng nhiều đích khi sữa tươi đảm bảo tốt hơn cho nhu cầu dinh dưỡng của trẻ hơn sữa bột pha lại; đây cũng là cách khuyến khích, thúc đẩy được ngành nông nghiệp, sản xuất nông sản, cụ thể là sản phẩm sữa tươi trong nước.

Chương trình sữa học đường món quà đầy tính nhân văn dành cho con trẻ.

Thực tế, trong quá trình thực hiện đã xuất hiện tình trạng hiểu và áp dụng nội dung này khác nhau ở các địa phương. Nhiều tỉnh thành quyết định sử dụng sữa tươi cho chương trình nhưng không ít địa phương áp dụng có sự sai khác.

Trong đó nhầm lẫn đáng kể là nhầm giữa “sữa tươi tiệt trùng” và “sữa tiệt trùng” nên có tỉnh yêu cầu sản phẩm cung cấp cho chương trình là “sữa tiệt trùng”. Trong khi, loại sữa dưới tên gọi “sữa tiệt trùng” (mà báo chí phản ánh và Bộ Y tế đã thừa nhận gây hiểu nhầm với sữa tươi này) là sản phẩm làm từ sữa bột pha, không phải sữa tươi.

Cần sớm ban hành tiêu chuẩn nhận diện sản phẩm sữa học đường

Ngay cả khi quyết định sử dụng sữa tươi cho Chương trình Sữa học đường, giới chuyên môn về dinh dưỡng cũng như các cán bộ trực tiếp tham gia thực hiện vẫn băn khoăn khi chưa có quy chuẩn, công thức về các khoáng chất, vitamin bổ sung vào sữa.

Hiện tại, một công thức các chất bổ sung cho sữa học đường duy nhất được Bộ Y tế chứng nhận có hiệu quả thuộc về Tập đoàn TH sau khi doanh nghiệp này tiến hành thử nghiệm lâm sàng một cách có hệ thống với sự tư vấn của các chuyên gia dinh dưỡng trong và ngoài nước trên 3.600 học sinh.

Về công thức chung, hiện tại, Bộ Y tế chỉ mới đưa ra quy định tạm thời về sữa học đường là sữa tươi (Quyết định số 5450/BYT về việc Quy định tạm thời đối với sản phẩm sữa tươi phục vụ Chương trình SHĐ). Quyết định cũng này chưa có quy định cụ thể về các vitamin, khoáng chất bổ sung vào sữa mà giao cho Viện Dinh dưỡng và Cục An toàn thực phẩm nghiên cứu.

“Món quà” sữa học đường sẽ trở nên trọn vẹn hơn khi chất lượng sữa đến các điểm trường được kiểm soát chặt chẽ. Hiện tại, một công thức các chất bổ sung cho sữa học đường duy nhất được Bộ Y tế chứng nhận có hiệu quả thuộc về Tập đoàn TH.

Hiện chưa rõ, quy định cụ thể này được xây dựng đến đâu. Điều này sẽ rất khó cho các địa phương trong việc quyết định lựa chọn sữa khi năm học đến. Chưa kể,nhiều địa phương có kế hoạch lựa chọn nhà cung cấp sữa học đường liên tục cho cả một giai đoạn từ năm 2017 đến 2020.

Do vậy, nếu không làm chặt về quy chuẩn, tiêu chuẩn sữa tươi học đường theo quy định, mục tiêu Sữa học đường nâng cao tầm vóc Việt sẽ khó có thể đạt được.

Trong một hội thảo về chương trình sữa học đường diễn ra hồi tháng 7.2017, Ông Ngũ Duy Anh - Vụ trưởng Giáo dục Thể chất (Bộ GD-ĐT) cho biết, Vụ sẽ xây dựng tài liệu cẩm nang hướng dẫn triển khai Sữa học đường trong trường học, trong đó các nội dung về tiêu chuẩn sữa tươi học đường - nhận diện sản phẩm sữa học đường, uống sữa học đường đúng cách sẽ được hướng dẫn kỹ để các trường triển khai theo đúng tinh thần Quyết định 1340/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Hi vọng những vướng mắc trong chương trình sữa học đường sớm được tháo gỡ để chương trình được triển khai rộng khắp có như vậy mục tiêu nâng cao Vì tầm vóc Việt mới mong đạt được.

An Phương


Ý kiến của bạn