Sửa gốc hay sửa ngọn?

08-06-2014 20:31 | Tin nóng y tế

SKĐS - Năm nào cũng có hai kỳ thi tốt nghiệp THPT và thi vào ĐH-CĐ được dư luận quan tâm. Thế nhưng chuyện tiêu cực trong thi cử lại trở thành phổ biến trong kỳ thi thứ nhất của học trò lớp 12!

Năm nào cũng có hai kỳ thi tốt nghiệp THPT và thi vào ĐH-CĐ được dư luận quan tâm. Thế nhưng chuyện tiêu cực trong thi cử lại trở thành phổ biến trong kỳ thi thứ nhất của học trò lớp 12!

Tiêu cực phổ biến tới mức mấy năm gần đây, không kỳ thi nào là không có những clip ghi lại cảnh lộn xộn, quay cóp  trong các phòng thi tốt nghiệp THPT được tung lên mạng xã hội. Dư luận xã hội bất bình, lo lắng vào tính công bằng, trung thực ở một kỳ thi đánh giá kết quả 12 năm đèn sách của lớp trẻ trước ngưỡng cửa cuộc đời. Trước hiện tượng “tung clip” này, lúc đầu ngành giáo dục toan kỷ luật người quay phim vì phạm quy khi mang máy quay vào phòng thi! Dư luận phản ứng và Bộ GD-ĐT cuối cùng cũng đã quyết định cho thí sinh mang máy ghi âm, ghi hình vào phòng thi ghi lại những hình ảnh tiêu cực để... chống tiêu cực!

Chuyện “quay phim phòng thi” cũng là thái độ chính đáng trước tiêu cực trong thi cử. Công bằng mà nói, Bộ cũng đã thành lập nhiều đoàn thanh tra, kể cả thanh tra không báo trước, đến các địa phương nhằm hạn chế tiêu cực...

Thế nhưng liệu có bao nhiêu đoàn thanh tra để bảo đảm cho 2.352 hội đồng thi với hơn 900.000 thí sinh dự thi trên cả nước không có tiêu cực? Chính vì thế mà tiêu cực trong thi cử vẫn tồn tại, tiếp tục gây nhức nhối trong xã hội.

Ở đây có vấn đề liên quan đến thi đua. Trước hết, khi tỷ lệ tốt nghiệp THPT vẫn là kết quả đánh giá thi đua của các địa phương, trường học, giáo viên, học sinh thì tiêu cực trong thi cử không thể bị loại bỏ. Đã là “thi đua” tức là có yếu tố hơn thua, “màu cờ sắc áo” trong đó thì người mong có thành tích phải bằng mọi cách để có thành tích! Nếu Bộ GD-ĐT không công bố kết quả tỷ lệ tốt nghiệp THPT ở các địa phương, các địa phương không so sánh tỷ lệ tốt nghiệp THPT giữa các trường chắc chắn tiêu cực sẽ bị triệt tiêu! Thi đua cũng cần nhưng sẽ vô lý khi trong một tỉnh, trường ở TP thuộc tỉnh và trường ở vùng sâu vùng xa khác hẳn nhau về điều kiện, mức sống thì thi và đua làm sao!

Nguyên nhân thứ hai là yếu tố điểm số, ra đề thi trong trường phổ thông. Đã là “phổ thông” thì kiến thức cũng cần phổ thông như các nước tiên tiến vẫn làm. Giáo dục phổ thông ở ta có chương trình quá hàn lâm trong khi việc dạy người như tính trung thực, lòng yêu nước, nỗi thương cảm với gia đình và những người xung quanh chưa được chú trọng. Khi đề thi ra với đáp án cho điểm đầy yêu cầu “hàn lâm” thì việc dạy nhồi nhét, thuộc lòng máy móc, giải bài mẫu, văn mẫu xảy ra là một tất yếu bởi dạy học là để đi thi.

Rất mừng là trong kỳ thi tốt nghiệp năm nay le lói những dấu hiệu tích cực là đề thi bớt đi việc học thuộc lòng, máy móc kiến thức khô cứng trong giáo khoa mà đã chú trọng hơn đến thực tế, kỹ năng của người học qua môn Văn và Sử.

Mong rằng từ sự đổi mới bước đầu  trên sẽ là thực tế và kinh nghiệm cho ngành giáo dục phổ thông tiếp tục có những thay đổi khác, xóa bỏ  quan niệm lạc hậu cũ để hạn chế dần những tiêu cực trong thi cử, xây dựng một nền giáo dục thật sự làm động lực cho sự phát triển của nước nhà.

Lưu Thủy


Ý kiến của bạn