Hà Nội

Sửa đổi Luật Quảng cáo khiến nghệ sĩ hết đường quảng cáo sai sự thật trên MXH

08-03-2024 12:06 | Thời sự
google news

SKĐS - Hiện Bộ VHTTDL đang lấy ý kiến để xây dựng dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo. Trong đó có những quy định chặt chẽ liên quan đến việc nghệ sĩ nổi tiếng quảng cáo sản phẩm, dịch vụ… không đúng sự thật.

Bộ VHTTDL cho hay, sau hơn 10 năm triển khai thi hành Luật Quảng cáo 2012 được Quốc hội khóa XIII thông qua, hoạt động quảng cáo đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, các quy định của pháp luật về quảng cáo đã tạo cơ sở pháp lý cho sự phát triển của ngành quảng cáo theo hướng công khai, minh bạch, nhất là trong bối cảnh hội nhập kinh tế, giao thoa văn hóa và thị trường thương mại tự do.

Tuy nhiên, trước những yêu cầu và đòi hỏi cấp bách từ thực tiễn, hệ thống pháp luật về quảng cáo đã bộc lộ một số hạn chế, bất cập. Trong đó, quảng cáo đang phát triển mạnh mẽ và càng ngày một khẳng định được vị trí trong hoạt động doanh nghiệp của cơ chế thị trường. Do vậy, nhiều đối tượng đã lợi dụng sự phổ biến và thông dụng của các phương tiện quảng cáo, đặc biệt là mạng xã hội (MXH), người chuyển tải sản phẩm quảng cáo có ảnh hưởng để truyền tải các nội dung quảng cáo sai sự thật, gây ảnh hưởng đến người tiêu dùng.

Thời gian gần đây, xuất hiện nhiều người dùng MXH (đặc biệt là các nghệ sĩ nổi tiếng) giới thiệu, mời chào, quảng cáo cho các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ không bảo đảm chất lượng, gây bức xúc cho đông đảo người tiêu dùng.

Sửa đổi Luật Quảng cáo khiến nghệ sĩ hết đường quảng cáo sai sự thật trên MXH- Ảnh 1.

Thời gian qua, nhiều nghệ sĩ nổi tiếng tham gia quảng cáo sản phẩm, dịch vụ trên MXH.

Bên cạnh đó, luật hiện hành không quy định quyền và nghĩa vụ của người chuyển tải sản phẩm quảng cáo mà chủ yếu tập trung vào trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hoá, dịch vụ; chưa có phân định về hoạt động quảng cáo và các yêu cầu bắt buộc về việc cung cấp thông tin sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ.

Đặc biệt, đối với các loại sản phẩm hàng hóa, dịch vụ đặc biệt ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe con người và môi trường cần phải quy định nội dung bắt buộc phải thể hiện trên sản phẩm quảng cáo nhưng chưa có quy định cụ thể tại Luật Quảng cáo mà nằm trong Nghị định hướng dẫn và nhiều văn bản pháp luật chuyên ngành gây mâu thuẫn, chồng chéo....

Một số quy định về quản lý hoạt động quảng cáo trên báo chí, hoạt động quảng cáo môi trường mạng, dịch vụ quảng cáo xuyên biên giới cần điều chỉnh để đáp ứng sự phát triển và xu thế hội nhập… Ngoài ra, Bộ VHTTDL cũng chỉ rõ một số bất cập liên quan tới quảng cáo trên môi trường MXH, nền tảng xuyên biên giới; Dịch vụ quảng cáo ngoài trời…

Ở lần sửa đổi, bổ sung này, Bộ VHTTDL đang lấy ý kiến trên nguyên tắc giữ nguyên một số quy định đang phát huy hiệu quả trong thực tiễn về chính sách của nhà nước đối với hoạt động quảng cáo; sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ cấm quảng cáo; hành vi cấm trong hoạt động quảng cáo; phương tiện quảng cáo; hoạt động quảng cáo trên các phương tiện: điện tử, thiết bị đầu cuối và các thiết bị viễn thông khác, sản phẩm in, bản ghi âm, ghi hình, phương tiện giao thông, loa phóng thanh và các hình thức tương tự, trong chương trình văn hóa, thể thao; biển hiệu của tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh; quảng cáo có yếu tố nước ngoài.

Cụ thể, dự luật sẽ sửa đổi, bổ sung một số quy định về: nội dung và hình thức quảng cáo trong đó bổ sung thêm quy định về Hội đồng thẩm định, việc phê duyệt quy tắc ứng xử trong hoạt động quảng cáo theo ngành, lĩnh vực; yêu cầu về nội dung quảng cáo, điều kiện quảng cáo; Quy định về quản lý hoạt động quảng cáo trên báo chí, môi trường mạng và dịch vụ quảng cáo xuyên biên giới; Quy định đối với hoạt động quảng cáo ngoài trời trong đó có hoạt động quảng cáo trên các phương tiện bảng, băng-rôn, màn hình chuyên quảng cáo, đoàn người thực hiện quảng cáo và nội dung, trách nhiệm xây dựng và thực hiện quy hoạch quảng cáo ngoài trời tại địa phương.

Dự thảo Luật gồm 2 Điều, trong đó Điều 1 sửa đổi, bổ sung một số Điều của Luật Quảng cáo (sửa đổi, bổ sung 19 điều, khoản; bổ sung 2 Điều mới), bổ sung, thay thế một số cụm từ, bãi bỏ một số điểm, khoản của Luật Quảng cáo và Điều 2 về Điều khoản thi hành.

Xử lý các "bác sĩ tự xưng", quảng cáo "bẩn" trên Facebook, Tiktok thế nào?Xử lý các 'bác sĩ tự xưng', quảng cáo 'bẩn' trên Facebook, Tiktok thế nào?

SKĐS - Hành vi quảng cáo trên mạng xã hội để chữa bệnh nhưng không có giấy phép hoạt động khám, chữa bệnh và không có chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh là hành vi trái pháp luật cần bị xử lý nghiêm.


Lê Bảo
Ý kiến của bạn