Cập nhật liên tục kiến thức y khoa
Vụ trưởng Vụ Pháp chế cho biết, việc sửa đổi này nhằm nâng cao kỹ năng thực hành y khoa cho người hành nghề gắn với đổi mới đào tạo, trong đó có đào tạo bác sĩ chuyên khoa sâu. Điều này nhằm tiếp cận với quốc tế theo hướng chuyên khoa hoá, chuyên sâu hoá. Do đó, Luật KCB sửa đổi sẽ đề xuất thi quốc gia đối với người tốt nghiệp các trường học, họ phải trải qua kỳ thi quốc gia (trong đó có thi lý thuyết và thực hành), nếu đủ điều kiện mới cấp chứng chỉ hành nghề.
Việc cấp chứng chỉ hành nghề KCB là biện pháp bắt buộc để kiểm soát chất lượng hành nghề phù hợp với kiến thức và kỹ năng nghề nghiệp đã được đào tạo. Trong thời gian qua, việc cấp chứng chỉ hành nghề được thực hiện dựa trên các cơ sở quy định pháp luật sau: Luật khám bệnh, chữa bệnh số 40/2009/QH12 ngày 23/11/2009; Nghị định số 87/2011/NĐ-CP ngày 27/9/2011 của Chính phủ Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật khám bệnh, chữa bệnh; Thông tư số 41/2011/TT-BYT ngày 14/11/2011 của Bộ Y tế Hướng dẫn cấp chứng chỉ hành nghề đối với người hành nghề và cấp giấy phép hoạt động đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.
Theo đó, người có nhu cầu cấp chứng chỉ hành nghề chỉ cần nộp bộ hồ sơ theo quy định cho cơ quan quản lý nhà nước (Bộ Y tế, Sở Y tế) để được xem xét và cấp.
Ông Nguyễn Huy Quang - Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế.
Như vậy, điều kiện cấp chứng chỉ hành nghề hiện nay theo quy định của Luật khám bệnh, chữa bệnh chủ yếu xem xét về thủ tục hành chính, dựa trên hồ sơ, giấy tờ về văn bằng, chứng chỉ do cơ sở đào tạo cấp, giấy xác nhận thời gian thực hành của cơ sở KCB mà không dựa trên việc đánh giá năng lực chuyên môn thông qua kỳ thi quốc gia như nhiều nước trên thế giới đã thực hiện. Vì vậy chưa đánh giá được người hành nghề có đủ năng lực chuyên môn thực sự để đạt được chuẩn kiến thức, kỹ năng tối thiểu thực hiện hoạt động KCB hay không.
Trên thế giới, nhiều nước đã thành lập Hội đồng Y khoa quốc gia và tổ chức thi sát hạch chuyên môn làm cơ sở cấp chứng chỉ hành nghề, đây là một xu thế tất yếu trong việc quản lý hành nghề KCB.
Theo ông Quang, Việt Nam là một trong số rất ít quốc gia cấp chứng chỉ hành nghề suốt đời. Theo thống kê, chỉ có 3-4 nước cấp chứng chỉ như thế này, còn tất cả các nước khác cấp chứng chỉ hành nghề có thời hạn. Yêu cầu có thời hạn trong chứng chỉ đòi hỏi người hành nghề phải cập nhật kiến thức y khoa liên tục, đồng thời giữ được y đức, tránh để xảy ra sai sót về mặt chuyên môn.
Nhiều sửa đổi khắc phục những bất cập, tăng quyền cho người bệnh
Theo ông Quang, sau 9 năm, Luật KCB đã nảy sinh một số vấn đề bất cập khác nữa - ngoài việc cấp chứng chỉ hành nghề, như về hình thức tổ chức cơ sở KCB. Luật KCB đã quy định cụ thể một số hình thức tổ chức cơ sở KCB. Tuy nhiên, quy định này chưa bao quát hết các hình thức tổ chức của cơ sở KCB tồn tại trong thực tế hoặc mới phát sinh.
Sẽ có nhiều sửa đổi trong Luật KCB, tăng khả năng tiếp cận dịch vụ y tế có chất lượng cho người dân. Ảnh minh hoạ.
Thứ hai, quy định người nước ngoài vào KCB nhân đạo theo đợt, chuyển giao kỹ thuật, mổ biểu diễn phải có giấy phép hành nghề không phù hợp với thực tiễn. Do không bảo đảm được tính kịp thời của hoạt động KCB nhân đạo và chuyển giao kỹ thuật.
Thứ ba, về hệ thống tổ chức cơ sở KCB của Nhà nước có 4 tuyến gắn với tuyến hành chính. Tuy nhiên, Luật BHYT lại quy định dựa vào phân hạng BV để xác định cơ sở KCB BHYT ban đầu và thanh toán chi phí KCB BHYT… Vì vậy, trong quá trình hướng dẫn, tổ chức thực hiện phát sinh những mâu thuẫn và bất cập.
Thứ tư, một số nội dung liên quan đến ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động KCB như bệnh án điện tử, KCB từ xa, đăng ký hành nghề… chưa được quy định cụ thể trong Luật nên chưa có cơ chế pháp lý để tổ chức triển khai thực hiện.
Thứ năm, vấn đề an ninh BV mới được tiếp cận dưới góc độ quy định các quyền và nghĩa vụ của người bệnh, quyền và nghĩa vụ của người hành nghề, quyền và trách nhiệm của cơ sở KCB. Tuy nhiên, chưa có quy định cụ thể về các biện pháp bảo đảm an ninh BV như các biện pháp bảo đảm an ninh chung, sự tham gia của lực lượng Công an trong bảo đảm an ninh BV hay vấn đề kinh phí cho hoạt động này…
Ngoài ra, một điểm đáng chú ý cũng được ông Quang đề cập đến đó là cách tiếp cận sửa đổi mang tính nhân văn, quan tâm đến cả những vấn đề mang yếu tố về mặt tâm linh.
"Những người bệnh nặng chuẩn bị sang thế giới bên kia cũng có thể cho phép họ rửa tội, hoặc cầu nguyện giúp họ "nhắm mắt xuôi tay" về với thế giới bên kia cho thanh thản. Đây là cách tiếp cận sửa đổi mang tính nhân văn cho người bệnh"- chuyên gia pháp chế cho hay.
=> Xem thêm: Bộ trưởng Bộ Y tế: Sửa đổi Luật Khám chữa bệnh để tránh "ghè đá vào chân" thầy thuốc
Theo Bộ Y tế, Luật Khám bệnh, chữa bệnh được Quốc hội thông qua vào ngày 23/11/2009 và có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2011. Đây là đạo luật đầu tiên thể chế hóa quan điểm, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước về khám bệnh, chữa bệnh cho nhân dân; tạo hành lang pháp lý cho hoạt động khám bệnh, chữa bệnh, đáp ứng yêu cầu điều chỉnh các mối quan hệ xã hội phát sinh trong lĩnh vực khám bệnh, chữa bệnh.
Việc ban hành Luật cũng nhằm đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế trong hoàn cảnh Việt Nam đã chính thức trở thành thành viên của Tổ chức Thương mại thế giới và cũng đã tham gia một số hiệp định quốc tế trong lĩnh vực hành nghề y khoa.
Tuy nhiên, đến nay sau 9 năm thi hành Luật, bên cạnh những kết quả đạt được, trong quá trình thực hiện Luật cũng đã có một số hạn chế, bất cập như: một số quy định chưa bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ, khả thi và phù hợp với điều kiện thực tiễn của Việt Nam cũng như một số nội dung chưa bảo đảm tính hội nhập quốc tế. Do đó việc sửa đổi Luật này là cần thiết.