Đây là thông tin được đưa ra tại buổi họp báo thông tin dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) do Bộ LĐTB&XH tổ chức chiều 16/3 tại Hà Nội.
Bảo đảm an sinh xã hội của người dân
Thông tin về dự thảo Luật BHXH (sửa đổi), ông Nguyễn Duy Cường - Phó Vụ trưởng Vụ BHXH (Bộ LĐ-TB&XH) cho biết, sửa đổi Luật BHXH nhằm bảo đảm an sinh xã hội (ASXH) của người dân dựa trên quyền con người theo quy định của Hiến pháp và thể chế hóa các nội dung trong Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 23/5/2018 Hội nghị lần thứ bảy của Ban Chấp hành Trung ương Khóa XII về cải cách chính sách BHXH theo hướng đa dạng, linh hoạt, đa tầng hiện đại, hội nhập quốc tế, tiến tới bao phủ BHXH toàn bộ lực lượng lao động.
Sửa đổi căn bản các vướng mắc, bất cập từ thực tiễn thi hành Luật BHXH năm 2014 và Nghị quyết số 93/2015/QH13; bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, tính đồng bộ, thống nhất, có tính khả thi, phù hợp tiêu chuẩn quốc tế và bảo đảm yếu tố bình đẳng giới.
Mở rộng, gia tăng quyền, lợi ích, tạo sự hấp dẫn để thu hút người lao động tham gia BHXH; đồng thời, bảo đảm tốt nhất quyền lợi cho người lao động đang làm việc và người hưởng lương hưu. Hoàn thiện quy định quản lý nhà nước và hệ thống tổ chức thực hiện chuyên nghiệp, hiện đại, hiệu quả, công khai, minh bạch.
Dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) được xây dựng dựa trên 5 quan điểm chính gồm:
Thứ nhất, BHXH là trụ cột chính của ASXH toàn dân dựa trên quyền con người theo quy định của Hiến pháp (Điều 34); bảo đảm quyền ASXH theo quy định của Hiến pháp năm 2013; thể chế hóa quan điểm của Đảng trong Nghị quyết số 28-NQ/TW;
Thứ hai, kế thừa, phát triển những quy định hiện hành phù hợp đã được kiểm nghiệm trong thực tiễn, sửa đổi các quy định chưa phù hợp, bảo đảm tính khả thi, dài hạn, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật; bổ sung những quy định mới phù hợp với xu hướng phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và yêu cầu hội nhập quốc tế;
Thứ ba, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các bên tham gia BHXH; tạo điều kiện thuận lợi để mọi người lao động được tham gia và thụ hưởng các chế độ BHXH;
Thứ tư, xây dựng các chế độ BHXH đa tầng theo nguyên tắc đóng - hưởng; công bằng, bình đẳng; chia sẻ và bền vững;
Thứ năm, tham khảo và tiếp thu có chọn lọc kinh nghiệm của các quốc gia trên thế giới, đặc biệt là các quốc gia có đặc điểm tương đồng với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam. Tuân thủ các tiêu chuẩn, điều kiện và cam kết quốc tế mà Việt Nam tham gia.
Công dân Việt Nam từ đủ 80 tuổi trở lên không có lương hưu, trợ cấp BHXH hằng tháng khác sẽ được hưởng trợ cấp hưu trí xã hội
Theo đó, Dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) có một số nội dung thay đổi chính như: Bổ sung tầng trợ cấp hưu trí xã hội, bổ sung đối tượng tham gia và hưởng chế độ BHXH; bổ sung chế độ thai sản vào chính sách BHXH tự nguyện; giảm điều kiện số năm đóng BHXH tối thiểu để được hưởng lương hưu từ 20 năm xuống 15 năm; quy định về hưởng BHXH một lần.
Đặc biệt, Dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) cũng bổ sung quy định về tính tỷ lệ hưởng lương hưu đối với những người có dưới 20 năm đóng phù hợp với sửa đổi điều kiện hưởng lương hưu và việc ký kết, tham gia các điều ước quốc tế; bổ sung quy định quản lý thu, đóng BHXH và bổ sung các biện pháp xử lý trốn đóng BHXH.
Quy định tiền lương làm căn cứ đóng BHXH bắt buộc; trợ cấp một lần khi nghỉ hưu; sổ BHXH điện tử cũng là những nội dung được sửa đổi, bổ sung trong dự thảo Luật…
Dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) cũng quy định đối tượng công dân Việt Nam từ đủ 80 tuổi trở lên mà không có lương hưu, trợ cấp BHXH hằng tháng khác thì sẽ được hưởng trợ cấp hưu trí xã hội do ngân sách Nhà nước đảm bảo. Quy định này kỳ vọng sẽ giúp tăng độ bao phủ của BHXH để hướng đến mục tiêu BHXH toàn dân.
Việc quy định giao Chính phủ quyết định điều chỉnh giảm dần độ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội cũng giúp linh hoạt, phù hợp hơn với tình hình, xu hướng phát triển của đất nước, khi mà đời sống kinh tế-xã hội chung của đất nước được nâng lên, người dân có được sự thụ hưởng tốt hơn các chính sách an sinh xã hội từ Nhà nước.
Đáng chú ý, dự thảo quy định người lao động khi đến tuổi nghỉ hưu mà chưa đủ điều kiện về thời gian đóng BHXH để hưởng lương hưu thì có thể lựa chọn hưởng trợ cấp hằng tháng (thấp nhất bằng với mức trợ cấp hưu trí xã hội) từ Quỹ BHXH cho thời gian trước khi đủ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội. Số tiền được hưởng tùy thuộc vào thời gian đóng, tiền lương, thu nhập tháng đóng BHXH của họ; đồng thời trong thời gian hưởng trợ cấp hằng tháng thì được hưởng BHYT do ngân sách Nhà nước đảm bảo.