Sáng ngày 22/12, tại TP.HCM, Ủy ban Xã hội của Quốc hội khóa XV đã mở phiên họp toàn thể lần thứ 8 về việc cho ý kiến đối với Dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi), báo cáo về việc tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh theo ý kiến tại phiên họp thứ 18 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội để hoàn thiện hồ sơ trình Quốc hội.
Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho biết: "Việc sửa đổi dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh là rất khó và cần cẩn thận do ảnh hưởng tới nhiều người dân. Vậy nên việc hoàn thiện luật này cần tiếp thu tối đa ý kiến của các đại biểu Quốc hội và Chính phủ".
Về vấn đề Hội đồng Y khoa Quốc gia, Bộ trưởng Bộ Y tế báo cáo, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng việc quy định về vị trí pháp lý, phạm vi hoạt động và trách nhiệm chưa rõ ràng trong khi đây là tổ chức quan trọng, chịu trách nhiệm quản lý toàn bộ người hành nghề.
Bộ Y tế đã phối hợp chặt chẽ với Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) để tổng hợp những kinh nghiệm quốc tế. Theo đó, hiện nay đang có 3 mô hình chính. Mô hình thứ nhất là tổ chức độc lập với cơ quan quản lý nhà nước như: Hoa Kỳ, Canada, Thái Lan, Anh... Mô hình thứ hai là cơ quan quản lý nhà nước chịu trách nhiệm như Nhật Bản, Trung Quốc. Mô hình thứ ba là phối hợp giữa cơ quan quản lý nhà nước với hội nghề nghiệp.
Sau khi rà soát đề xuất về Hội đồng Y khoa, Bộ Y tế thấy rằng mô hình để cho hội nghề nghiệp tổ chức kỳ thi chưa nên triển khai tại nước ta do Tổng hội Y học Việt Nam chưa thể đảm đương được trách nhiệm này. Nước ta có hơn 50 hội nghề nghiệp khác hoạt động độc lập, phân tán và chưa có đủ các nguồn lực để thực hiện đầy đủ vai trò quản lý hành nghề. Nếu là một đơn vị sự nghiệp thuộc Bộ Y tế thì Hội đồng Y khoa vừa không đảm bảo tính độc lập, vừa phát sinh bộ máy tổ chức và nếu theo phương án này thì chỉ cần giao thêm chức năng, nhiệm vụ các đơn vị thuộc Bộ Y tế là có thể thực hiện được.
Nếu thiết kế lựa chọn như Hội đồng Giáo sư nhà nước để vừa bảo đảm tính độc lập, từ đó sự tham gia của các tổ chức xã hội nghề nghiệp về y khoa, cơ sở đào tạo y khoa, cơ sở khám chữa bệnh... sẽ tăng thêm tính khách quan, dân chủ, minh bạch trong việc đánh giá năng lực chuyên môn và đạo đức của người hành nghề, bảo đảm sự công bằng thực sự giữa những người hành nghề thuộc khu vực nhà nước và tư nhân. Bộ Y tế cũng đang hướng tới hướng đi này.
Về vấn đề Hội đồng Y khoa Quốc gia, đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Thu Dung cho hay: "Tôi là người làm trong lĩnh vực giáo dục đào tạo và cũng làm trong lĩnh vực điều trị trong bệnh viện. Qua quá trình đào tạo tại trường, tôi thấy cho tới nay tại Việt Nam chưa có trường nào, đơn vị nào có thể làm "trọng tài" cho việc đánh giá chất lượng đào tạo của các trường trong vấn đề sức khỏe".
Cũng theo đại biểu Nguyễn Thị Thu Dung, Hội đồng Y khoa Quốc gia cần ban hành những chức danh y tế để đánh giá năng lực hành nghề và từ đấy các trường sẽ ban hành các chuẩn đầu ra để đào tạo. Sau đó, Hội đồng Y khoa tiếp tục đánh giá ngay sau khi sinh viên ra trường để đảm bảo sinh viên đủ điều kiện đáp ứng đầu ra thì mới được tốt nghiệp ra trường.
Tham dự phiên họp, đại biểu Phạm Khánh Phong Lan cho rằng, việc đạt được chứng chỉ hành nghề y ngày càng khó khăn. Tuy nhiên điều đó góp phần làm tăng giá trị cho chứng chỉ nghề y, những người có thẻ hành nghề là những người có chuyên môn, đáp ứng được tiêu chuẩn, tránh tình trạng "lang băm" đi chữa trị cho bệnh nhân.
"Về vấn đề này, Bộ Y tế tiếp thu tối đa các ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội trên cơ sở ghi rõ Hội đồng Y khoa là tổ chức do Thủ tướng Chính phủ thành lập, có chức năng đánh giá độc lập và có năng lực hành nghề khám chữa bệnh, có con dấu, trụ sở riêng", Bộ trưởng Đào Hồng Lan nói.
Về vấn đề dinh dưỡng trong khám bệnh, chữa bệnh, Bộ trưởng Đào Hồng Lan cho biết, trong quá trình thực hiện nội dung về vấn đề dinh dưỡng trong khám bệnh, chữa bệnh, Bộ Y tế đã nhận được các ý kiến của một số đại biểu về việc đưa các sản phẩm dinh dưỡng của UNICEF vào.
Chính phủ cho rằng, việc thực hiện các chính sách về dinh dưỡng trong khám bệnh, chữa bệnh phải đảm bảo được hài hòa. Tuy nhiên, việc đưa các sản phẩm dinh dưỡng vào sẽ không mang tính phổ quát khi chưa đánh giá tác động. Bộ cũng đã xin ý kiến của WHO và nhận được sự đồng tình ủng hộ với dự thảo luật đã đưa ra trong điều 65 cũ và điều 67 (sửa đổi).
Đại biểu Nguyễn Thị Thu Dung cho rằng: "Bệnh nhân vào viện điều trị không chỉ có thuốc mà còn cả chế độ dinh dưỡng và phục hồi chức năng. Chế độ dinh dưỡng ảnh hưởng rất nhiều tới quá trình điều trị. Nên tôi đề nghị chỗ này cần xem xét lại và quy định rõ ràng. Đồng thời, bác sĩ dinh dưỡng lâm sàng là chức danh phải được cấp chứng chỉ hành nghề".
Riêng Đại biểu Nguyễn Anh Trí hoàn toàn nhất trí với điều 67 của Luật Khám bệnh, chữa bệnh về dinh dưỡng trong khám bệnh, chữa bệnh.
Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan nêu quan điểm: "Bác sĩ có thể kê được đơn thuốc, vậy tại sao không kê được thực phẩm chức năng? Trong khi đó, người dân có thể tự mua thực phẩm chức năng dùng, nếu được bác sĩ kê đơn thì người dân sẽ yên tâm hơn".
Về giá dịch vụ, Bộ trưởng Đào Hồng Lan cho hay, nếu dự thảo quy định chung về giá tối đa với giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh đối với các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của nhà nước và căn cứ giá này các Bộ, ngành, địa phương sẽ phê duyệt giá cụ thể đối với các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của nhà nước thuộc thẩm quyền quản lý.
Trong dự thảo cũ Luật Khám, chữa bệnh (sửa đổi), khung giá tại cơ sở y tế công lập được nhà nước quy định mức tối đa. Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Đào Hồng Lan, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng quy định như trên là chưa phù hợp với thực tiễn, làm hạn chế việc phát triển của các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.
"Sau khi rà soát, Bộ Y tế nhận thấy việc quy định như dự thảo luật là tương đối phù hợp với thực tiễn hiện nay. Tuy nhiên, để tạo cơ chế cho việc thu hút nguồn lực, tăng khả năng cung cấp dịch vụ cho người bệnh có khả năng chi trả, giảm tình trạng người bệnh phải ra nước ngoài điều trị, đồng thời tăng khả năng tiếp cận với các kỹ thuật cao đối với người bệnh nói chung", bà Đào Hồng Lan cho hay.
Đóng góp ý kiến tại phiên họp, Giáo sư Nguyễn Anh Trí cho biết, nên đưa chi phí đổi mới chuyển đổi số vào giá dịch vụ vì hàng năm các bệnh viện phải đầu tư từ 30-35 tỷ đồng cho lĩnh vực này.
Đại biểu Nguyễn Thị Như Ý kiến nghị nên thêm đối tượng phụ nữ mang thai và công nhân vào đối tượng được ưu tiên ưu tiên ngân sách nhà nước về khám, chữa bệnh vì các đối tượng này cũng rất khó khăn.
Sau khi lắng nghe ý kiến của các đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho biết, Bộ Y tế sẽ tổng hợp lại các ý kiến của các đại biểu và tiếp nhận tối đa các ý kiến đóng góp về Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) để hoàn thành bộ luật và trình lên Quốc hội.