Sửa đổi, bổ sung Luật Hiến ghép tạng để gia tăng cơ hội sống cho nhiều người

01-08-2024 16:29 | Y tế

SKĐS - Sau khi đi vào cuộc sống, Luật Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác đã tạo 1 hành lang pháp lý cho hoạt động hiến ghép tạng ở nước ta.

Thực tế cho thấy thành tựu ghép tạng của Việt Nam đang ngày càng khẳng định vị thế và uy tín trên bản đồ ghép tạng thể giới. Tuy nhiên, sau khi đi vào cuộc sống Luật Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác còn tồn tại những bất cập và yêu cầu của thực tiễn là cần phải sửa đổi, bổ sung luật để hành lang pháp lý chặt chẽ qua đó cũng mở rộng cơ hội có thêm nguồn tạng hiến và từ đó cứu sống thêm được nhiều người.

Những bất cập trong Luật Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác

Thứ nhất là về độ tuổi người hiến tạng: Theo quy định tại Điều 5 của Luật Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác năm 2006, người hiến tạng là "Người từ đủ mười tám tuổi trở lên, có năng lực hành vi dân sự đầy đủ có quyền hiến mô, bộ phận cơ thể của mình khi còn sống, sau khi chết".

Đây là một quy định mang tính nền tảng chung trên thế giới, nhiều quốc gia cũng quy định về một độ tuổi nhất định khi đăng ký hiến tạng. Sở dĩ quy định độ tuổi là bởi vì ở độ tuổi được quy định mỗi cá nhân có thể tự quyết định về hành động của mình và được pháp luật công nhận.

Sửa đổi, bổ sung Luật Hiến ghép tạng để gia tăng cơ hội sống cho nhiều người- Ảnh 1.

Một ca ghép tạng được thực hiện tại BV Trung Ương Huế (ảnh H.D)

Tại Việt Nam, Điều 20, Bộ Luật dân sự 2015 pháp luật quy định người có đầy đủ năng lực hành vi dân sự là người thành niên, người thành niên là người từ đủ 18 tuổi trở lên. Từ lý do đó, có thể giải thích việc người từ đủ 18 tuổi ở Việt Nam có quyền bày tỏ nguyện vọng, có quyền hiến tặng mô tạng lúc còn sống hoặc sau khi chết, chết não vì lúc này người thành niên đã có đủ nhận thức, đủ chín chắn và tự chịu trách nhiệm cho hành động của bản thân trước pháp luật.

Vậy, quy định trên cho thấy những người đủ 18 tuổi trở lên thì mới được đăng ký hiến tạng và ngược lại, những trường hợp còn lại dưới 18 tuổi, dù có mong muốn hiến tạng sau khi chết hay hiến tạng lúc còn sống thì không thể được đáp ứng.

Chia sẻ về điều này, ông Nguyễn Hoàng Phúc, Phó Giám đốc Trung tâm điều phối ghép tạng quốc gia đã từng chi sẻ, một số trường hợp chẩn đoán chết não nhưng người chết não chưa đủ 18 tuổi nên không thể tiếp nhận mô, tạng của người chết não đó (không có đơn đăng ký hiến tặng mô, tạng, không có thẻ đăng ký hiến tặng mô tạng khi chết não và không đủ 18 tuổi theo quy định của Luật), điều này gây lãng phí nguồn tạng hiến tặng cũng như không đáp ứng được tâm nguyện của gia đình người chết não. Chính vì vậy, cần thiết phải có quy định điều chỉnh phù hợp với điều kiện thực tiễn và hài hòa với quy định của hệ thống pháp luật quốc tế trong việc tiếp nhận nguồn mô, tạng của người hiến tặng chết não, cho dù là người đó dưới 18 tuổi.

Thứ hai là thời gian xác định chết não: Theo quy định tại khoản 1 Điều 28 Luật Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác năm 2006 thời gian để xác định chết não theo luật định ít nhất là 12 giờ, kể từ khi người bệnh có đủ các tiêu chuẩn lâm sàng và không hồi phục mới được chẩn đoán chết não. Việc xác định về thời gian hợp lý để tiếp nhận nguồn tạng và ghép tạng cũng cần phải được nghiên cứu bổ sung dựa theo sự phát triển y khoa và pháp luật quốc tế.

Sửa đổi, bổ sung Luật Hiến ghép tạng để gia tăng cơ hội sống cho nhiều người- Ảnh 2.

Hiến tạng giúp hồi sinh nhiều sự sống, tuy nhiên nguồn hiến tạng từ người cho chết não ở nước ta vẫn còn đang rất khiêm tốn. (ảnh minh hoạ)

Tại cuộc hội thảo diễn ra mới đây vào 7/2024 nhiều ý kiến cho rằng còn nhiều bất cập khác của Luật Hiến, lấy, ghép mô tạng ở Việt Nam cần phải xem xét điều chỉnh đó là chưa bao quát hết những đối tượng có liên quan đến mô, bộ phận cơ thể người như máu, tế bào gốc, thậm chí liên quan đến gen người; Pháp luật về hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác chưa quy định một cách cụ thể, chặt chẽ việc thực hiện quyền về hiến mô, bộ phận cơ thể người và hiến xác trong một số lĩnh vực như phục vụ hoạt động nghiên cứu khoa học, giảng dạy; Trình tự, thủ tục hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác có những quy định chưa phù hợp, ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện (chẳng hạn quy định về thủ tục xác định chết não);…

Bên cạnh đó, về công tác truyền thông, vận động cũng cần mở rộng đối tượng và hình thức truyền thông. Việc thành lập Hội đồng chẩn đoán chết não di động, Hội đồng lấy tạng di động với sự tham gia của các đơn vị ghép tạng, Trung tâm Điều phối ghép tạng, các bện viện trong cả nước cũng là điều cần thiết. Ngoài ra, cần bổ sung các quy định trong hệ thống các văn bản quy định về chính sách, pháp luật hiến, lấy, ghép mô, tạng hiện hành. Đồng thời, cần bổ sung thêm các quy định về chế độ cho người hiến mô, tạng; sửa đổi quy định về cơ sở vật chất phục vụ hoạt động lấy ghép mô, tạng;…

Khanh Nguyên
Ý kiến của bạn