Phát biểu tại Hội nghị lấy ý kiến góp ý dự thảo Nghị định quy định xét tặng danh hiệu Thầy thuốc nhân dân, Thầy thuốc ưu tú và Tập huấn công tác thi đua, khen thưởng ngành Y tế năm 2023 khu vực miền Bắc do Bộ Y tế ( Vụ Tổ chức cán bộ) tổ chức chiều qua - 28/8, Thứ trưởng Thường trực Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên nói: hội nghị nhằm phổ biến, quán triệt các chủ trương, quy định mới của Chính phủ, Bộ Y tế về công tác thi đua khen thưởng; nâng cao trình độ nghiệp vụ của cán bộ phụ trách công tác thi đua, khen thưởng trong toàn ngành; đồng thời nâng cao ý thức tuân thủ pháp luật, trách nhiệm của mỗi cá nhân, tổ chức trong việc hoàn thiện chính sách, pháp luật triển khai xét tặng danh hiệu "Thầy thuốc nhân dân" (TTND), "Thầy thuốc ưu tú" (TTƯT).
Thứ trưởng cho biết thêm, hiện nay, Ban Thi đua khen thưởng Trung ương đang xây dựng các văn bản hướng dẫn Luật Thi đua, Khen thưởng năm 2022 đã được Quốc hội thông qua và có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2024.
Bộ Y tế được giao chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan soạn thảo Nghị định của Chính phủ quy định về xét tặng danh hiệu TTND, TTƯT.
Tập trung sửa đổi, bổ sung các quy định còn vướng mắc trong thực tiễn áp dụng xét tặng danh hiệu Thầy thuốc nhân dân, Thầy thuốc ưu tú
Theo dự thảo Tờ trình gửi Chính phủ về Dự thảo Nghị định quy định về xét tặng danh hiệu TTND, TTƯT, Bộ Y tế nêu rõ, việc xét phong tặng danh hiệu TTND, TTƯT thể hiện được sự quan tâm to lớn của Đảng, Nhà nước đối với ngành y tế, đối với thầy thuốc; ghi nhận những công lao, thành tích cống hiến của các đội ngũ thầy thuốc đố với sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân;
Bảo đảm tính kế thừa những quy định còn phù hợp của Nghị định số 41/2015/NĐ-CP ngày 05/5/2015 của Chính phủ quy định về xét tặng , tiếp cận với các quy định tại Luật Thi đua, khen thưởng năm 2022 và các văn bản khác; bảo đảm cập nhật các quy định mới cho phù hợp trong việc triển khai thực hiện Nghị định;
Tập trung sửa đổi, bổ sung các quy định còn vướng mắc trong thực tiễn áp dụng thời gian vừa qua, đặc biệt là các quy định liên quan đến: Cách tính thời gian công tác trong ngành y tế; kinh phí tổ chức xét tặng; tiêu chuẩn khen thưởng, tiêu chuẩn về đề tài, sáng kiến; tiêu chuẩn đối với người đứng đầu và cấp phó của người đứng đầu; tỷ lệ % thông qua của Hội đồng các cấp… nhằm khắc phục những vướng mắc trong quá trình xét tặng mà vẫn bảo đảm tính khách quan, công bằng và tôn vinh được giá trị của danh hiệu vinh dự Nhà nước;
Đồng thời, tiếp tục quan tâm tới các thầy thuốc là trực tiếp làm chuyên môn y tế tại các cơ sở y tế; thầy thuốc là nữ, thầy thuốc là người dân tộc thiểu số. Đặc biệt dành nhiều hơn nữa sự động viên tới các thầy thuốc công tác tại vùng biên giới, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, các huyện nghèo;
Đối với cán bộ quản lý tại các cơ sở y tế thay đổi cách tính thời gian trực tiếp làm công tác chuyên môn kỹ thuật nhằm đánh giá đúng những đóng góp của đội ngũ cán bộ quản lý đối với nền Y học Việt Nam.
Cùng đó, tiếp tục xây dựng một số tiêu chuẩn riêng đối với các thầy thuốc làm chuyên môn trực tiếp, thầy thuốc công tác trong một số lĩnh vực khó thu hút thầy thuốc công tác như phong, lao, tâm thần, pháp y, giải phẫu bệnh, trong các trại tạm giam, tạm giữ và các thầy thuốc đang công tác tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn theo quy định của Thủ tướng Chính phủ cho phù hợp với thực tiễn, bảo đảm có nhiều thầy thuốc thuộc các đối tượng trên đủ điều kiện tham gia xét tặng.
Cần chuyển đối tượng là cán bộ quản lý cơ sở y tế mà vẫn trực tiếp tham gia làm chuyên môn, kỹ thuật y tế như tiêu chuẩn thầy thuốc
Tại hội nghị, Bộ Y tế cho hay, trong quá trình lấy ý kiến liên quan đến dự thảo Nghị định, các cơ sở y tế, cá nhân đều thống nhất cần chuyển đối tượng là cán bộ quản lý cơ sở y tế mà vẫn trực tiếp tham gia làm chuyên môn, kỹ thuật y tế như tiêu chuẩn thầy thuốc; có ưu tiên đối với thầy thuốc đang công tác trong những lĩnh vực khó thu hút thầy thuốc vào công tác, địa bàn kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn; về số phiếu thành viên Hội đồng.
Vì vậy, trong dự thảo Tờ trình, Bộ Y tế xin ý kiến Chính phủ về 3 nội dung:
Thứ nhất, cán bộ quản lý cơ sở y tế có tham gia làm chuyên môn y tế đủ định mức thời gian làm chuyên môn kỹ thuật, được bổ nhiệm và xếp lương theo chức danh nghề nghiệp thì xét theo tiêu chuẩn của thầy thuốc trực tiếp làm chuyên môn kỹ thuật.
Hiện nay, với việc đổi mới công tác cán bộ nhiều thầy thuốc có trình độ chuyên môn xuất sắc đã sớm được bổ nhiệm làm cán bộ quản lý, trong thời gian làm quản lý cơ sở y tế, thầy thuốc vẫn tiếp tục tham gia làm chuyên môn kỹ thuật y tế theo quy định và quản lý, điều hành các hoạt động trong các cơ sở y tế.
Thứ hai, về tiêu chuẩn nghiên cứu khoa học, đề nghị bổ sung các tiêu chuẩn:
- Bài báo khoa học đã được công bố quốc tế;
- Đồng chủ nhiệm nhiệm vụ khoa công nghệ cấp bộ, tỉnh. Hiện nay, Luật Khoa học và Công nghệ năm 2013, Nghị định số 08/2014/NĐ-CP, ngày 27/01/2014 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật KH&CN và các Thông tư hướng dẫn có liên quan đến quản lý nhiệm vụ KH&CN của Bộ KH&CN không có nội dung quy định “đồng chủ nhiệm đề án, đề tài, dự án KH&CN”. Tuy nhiên, tại Khoản 1, Điều 23 Thông tư số 08/2017/TT-BKHCN ngày 26/6/2017 quy định tuyển chọn, giao trực tiếp tổ chức và cá nhân thực hiện nhiệm vụ KH&CN cấp quốc gia sử dụng NSNN có quy định: “Các bộ, ngành, địa phương có thể vận dụng hướng dẫn tại Thông tư này ban hành các quy định tuyển chọn, giao trực tiếp tổ chức cá nhân chủ trì thực hiện nhiệm vụ KH&CN khác thuộc phạm vi quản lý của mình”. Vì vậy, tại nhiều địa phương, đơn vị đã ban hành quy chế quản lý nhiệm vụ nghiên cứu khoa học công nghệ, trong đó qui định Ban chủ nhiệm đề tài, đề án, dự án có tối đa 02 thành viên;
- Chủ nhiệm đề tài nhánh cấp nhà nước: Các đề tài nghiên cứu khoa học cấp Nhà nước là các đề tài có quy mô nghiên cứu lớn, có ý nghĩa lý luận và thực tiễn cao, là cơ sở khoa học mang tính quyết định những vấn đề vĩ mô, chuyên sâu về chuyên môn y tế. Đề tài nghiên cứu khoa học cấp Nhà nước có nhiều nhánh, mỗi nhánh thuộc một lĩnh vực, một chuyên ngành nên chủ nhiệm đề tài đề xuất với cơ quan chủ trì giao việc thực hiện đề tài nhánh cho cá nhân có đủ năng lực, uy tín và trình độ chuyên môn làm chủ nhiệm đề tài nghiên cứu khoa học nhánh cấp Nhà nước; Về hàm lượng khoa học, tính chất, quy mô đề tài nghiên cứu khoa học nhánh cấp Nhà nước có giá trị tương đương đề tài nghiên cứu khoa học cấp bộ, tỉnh, có mức độ ảnh hưởng trong phạm vi cả nước và ở nhiều lĩnh vực đặc thù.
Thứ ba, về số phiếu của Hội đồng giảm xuống 80% theo đề nghị của các cơ sở y tế. Cá nhân được đề nghị TTND, TTƯT phải đạt từ 80% số phiếu đồng ý trở lên trên tổng số thành viên hội đồng có mặt tại cuộc họp.
Vì số thành viên hội đồng cơ sở ít (có thể từ 07 đến 09 thành viên), nếu để 90% thì 01 thành viên không đồng ý thì ứng viên không đủ điều kiện trình Hội đồng cấp trên.
Tại hội nghị, các đại biểu đã được nghe bà Đỗ Thúy Phượng, Trưởng phòng Tổ chức cán bộ, Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương trình bày Luật Thi đua, khen thưởng năm 2022 số 06/2022/QH15 ban hành ngày 15/6/2022, dự thảo Nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Thi đua, khen thưởng (thay thế cho Nghị định 91/2017/NĐ-CP) và một số điểm mới của Nghị định so với các VBQPPL trước đây.
Một số vấn đề lưu ý về thủ tục hồ sơ trình khen thưởng theo các văn bản quy phạm pháp luật về thi đua khen thưởng; đại diện Vụ Tổ chức cán bộ, Bộ Y tế giới thiệu dự thảo chi tiết Nghị định và trao đổi các vấn đề được nhiều đơn vị góp ý; các đại biểu đã cùng nhau thảo luận, góp ý dự thảo chi tiết Nghị định và được giải đáp các vướng mắc trong việc triển khai công tác thi đua, khen thưởng tại đơn vị mình.