Sữa được liệt vào danh sách thực phẩm “nuôi” tế bào ung thư cần phải loại bỏ trong quá trình điều trị bên cạnh đường và thịt đỏ theo quan điểm mới của Bệnh viện Johns Hopkins (Hoa Kỳ). Tuy nhiên, việc tiêu thụ càng nhiều sữa và các chế phẩm từ sữa nếu chưa bị “tuyên án tử” lại có thể giúp bạn giảm trừ nguy cơ mắc các bệnh ung thư vùng đầu – cổ, trong đó có ung thư vòm họng.
Điều này đã được nhóm nhà khoa học thuộc trường Y tế Công cộng – Đại học Hồng Kông (Trung Quốc) khẳng định trong một nghiên cứu sinh thái học tại 48 quốc gia dưới sự đầu tư của Quỹ Nghiên cứu Ung thư Thế giới (WCRF).
Để chứng minh giả thuyết của mình, nhóm nghiên cứu đã tiến hành so sánh số liệu thống kê liên quan đến lượng tiêu thụ sữa và các chế phẩm từ sữa trên đầu người (hay còn được hiểu là lượng tiêu thụ sữa trung bình trên tổng dân số) với tỷ lệ mắc căn bệnh ung thư vòm họng ở từng quốc gia.
Nguyên nhân ung thư vòm họng được lựa chọn nghiên cứu theo lý giải vì đây là dạng ung thư thường gặp nhất trong số các loại ung thư vùng đầu – cổ với tỷ lệ mắc ngày một gia tăng trong những năm vừa qua, nhất là tại châu Phi, Trung Quốc và khu vực Đông Nam Á.
Chưa kể, giai đoạn đầu (giai đoạn 1 và 2), các biểu hiện của bệnh không đặc trưng, khá mơ hồ, kín đáo và dễ bị chẩn đoán nhầm sang các bệnh lý thông thường khác rồi bất ngờ phát tác, khiến người bệnh khó lòng trở tay và dần mất đi cơ hội sống. Do đó, một khi thành công, nghiên cứu sẽ góp phần giảm thiểu nguy cơ mắc căn bệnh “báo tử”, giúp hàng triệu người thoát khỏi “lưỡi hái của Thần Chết”.
Và sau một khoảng thời gian thu thập, so sánh dữ liệu, nhóm nghiên cứu phát hiện: ở các nước người dân tiêu thụ sữa càng nhiều thì tỷ lệ mắc ung thư vòm họng càng thấp. Phát hiện thú vị này đã hé lộ mối quan hệ đối nghịch giữa việc uống sữa và nguy cơ mắc căn bệnh ung thư vòm họng, nói đúng hơn sữa và các chế phẩm từ sữa rất có thể là một trong những “khắc tinh” của tế bào ung thư vòm họng.
Bàn về hướng đi sắp tới, Trưởng nhóm nghiên cứu, Giáo sư Tai Hing Lam cho biết, cả nhóm sẽ cần nhiều thời gian hơn để chứng minh mối quan hệ giữa sữa và ung thư vòm họng trên cả hai đối tượng mắc và chưa mắc bệnh trong một nghiên cứu đối chứng khác có sự đầu tư vốn của WCRF.
“Có thế, chúng tôi mới dám khẳng định chắc chắn rằng sữa và các thành phần của nó như vitamin D có thực sự hiệu quả trong việc ngăn ngừa ung thư vòm họng hay không” – ông chia sẻ thêm.