Hà Nội

Sự vô cảm đang hoành hành

21-11-2013 08:45 | Thời sự
google news

Đến sự kiện anh Nguyễn Thanh Chấn, từ một người vô tội, con liệt sĩ, trong chốc lát trở thành kẻ giết người với án chung thân - may là anh con liệt sĩ nên được chung thân chứ nếu tử hình anh rồi thì giờ tất cả ngồi “ăn cho hết”- từ dân gian hay dùng - thì tất cả mọi thứ đã được bày ra, trong đó nổi lên là sự vô cảm của các cơ quan công quyền.

Đến sự kiện anh Nguyễn Thanh Chấn, từ một người vô tội, con liệt sĩ, trong chốc lát trở thành kẻ giết người với án chung thân - may là anh con liệt sĩ nên được chung thân chứ nếu tử hình anh rồi thì giờ tất cả ngồi “ăn cho hết”- từ dân gian hay dùng - thì tất cả mọi thứ đã được bày ra, trong đó nổi lên là sự vô cảm của các cơ quan công quyền.

Phạm nhân kêu oan, luật sư kêu oan, gia đình kêu oan, báo chí kêu oan... tất cả mọi người kêu oan, chứng cứ chứng minh oan, nhưng cơ quan điều tra, công tố, xét xử 2, 3 cấp đều bỏ ngoài tai, vẫn quy tội giết người, thậm chí dùng lời văn du dương chứng minh “bị cáo nại ra để trốn tránh trách nhiệm”, còn phịa ra bị cáo cưỡng dâm không thành, trong khi thủ phạm thực sự chỉ cướp tiền... Phạm nhân tố cáo trước tòa là bị bức cung, tòa cũng bỏ ngoài tai...
Sự vô cảm đang hoành hành 1
 Ông Nguyễn Thanh Chấn bên người vợ lâm bệnh sau 10 năm vất vả kêu oan cho chồng.

10 năm, tan nát một gia đình. Con thề đi làm ôsin suốt đời để minh oan cho bố. Vợ văn hóa lớp 3, liên tục đi kêu oan cho chồng đến mức bị tâm thần, hàng đống đơn đã im lặng nằm ở đâu đó, không có hồi âm, để người đàn bà đau khổ này phải bất đắc dĩ thay mặt cơ quan điều tra trực tiếp điều tra. Và chính chị đã tìm ra kẻ giết người thật sự của vụ án, báo cho cơ quan chức năng đến bắt.

Chỉ cần điểm sơ qua như thế đủ thấy chúng ta, bộ máy công quyền ấy, đã vô cảm thế nào trước thân phận của những người dân. Nhiều số phận cá nhân sẽ thành số phận dân tộc. Thế mà đến giờ, 2 ông ngồi xử trả lời ráo hoảnh là quên rồi, có hỏi thì hỏi Quốc hội ấy. Cái tâm lý đổ tội cho tập thể nó ăn sâu đến mức kinh khủng như thế. Còn các điều tra viên đã ép cung, bức cung, các KSV đã làm ngơ, im lặng, đồng lõa... chưa thấy họ lên tiếng.

Bao nhiêu đơn từ trong 10 năm qua đã nằm ở đâu? Các cơ quan ăn lương của dân để bảo vệ dân. Họ đã làm gì để bảo vệ anh Chấn và gia đình suốt 10 năm qua?... Và chỉ ở tỉnh Bắc Giang thôi, hiện người ta đang phát hiện có đến 3, 4 vụ oan hoặc đang kêu oan, trong đó có người đang chờ... thi hành án tử hình.

Phải nhìn thẳng mà nói thật với nhau rằng, văn hóa của chúng ta đang có vấn đề, đang khủng hoảng rất nặng, ở cả văn hóa ứng xử và ứng xử văn hóa.

Cái gốc rễ của văn hóa là sống đẹp, sống tốt với nhau, sống vì nhau đang bị tha hóa. Bây giờ người ta chỉ sống cho mình. Sự hy sinh nhường nhịn rất ít, sự yêu thương đùm bọc cũng hiếm. Bằng mọi cách người ta làm giàu và phô phang chuyện giàu. Người ta vô cảm trước mọi thứ, nên mới có cảnh hàng trăm người lao vào đánh chết vài kẻ trộm chó, mới có chuyện đơn từ của dân gửi đi cứ lòng vòng đùn đẩy cả chục năm không ai để mắt đến!...

Người ta tha hóa và vô cảm từ những cái đơn giản nhất.

Nhà tôi ở trước một trường mẫu giáo. Thường thì trên đường chở con đi học bố mẹ hay mua đồ cho con ăn, và đến gần cổng trường thì chúng... hoàn thành nhiệm vụ, đưa vỏ hộp hoặc giấy gói cho bố mẹ chúng. Và bố mẹ chúng thản nhiên... thả ngay xuống đường, đến nỗi có nhiều đứa con phải túm áo bố mẹ cương quyết bắt bố mẹ xuống nhặt chỗ rác họ vừa vứt xuống ấy, hoặc là mang bỏ đúng thùng rác, hoặc là mang theo đến cơ quan mà bỏ...

Đến to hơn, như đã bỏ mặc chiếc tàu bị nạn suốt 6 tiếng đồng hồ trên biển để rồi có đến 9 người chết. Nếu người ta dũng cảm, ngay từ đầu đã báo tin một cách trung thực, hoặc 2 chiếc tàu đi cùng cố gắng tối đa, không dửng dưng chạy qua như thế, có thể số nạn nhân sẽ ít hơn, tai nạn sẽ bớt thảm khốc hơn...

Điều gì đã làm cho con người hôm nay lạnh lùng vô cảm đến như thế? Điều gì đã khiến cho cái ác ngày càng ác hơn như thế?...

Có lỗi ở cả văn hóa ứng xử và ứng xử văn hóa.

Người ta chú ý tới những cái to lớn, cái vĩ đại, mà quên đi những cái tưởng nhỏ nhặt vụn vặt, nhưng lại là gốc rễ của văn hóa.

Ở huyện Ia Pa, Gia Lai, mấy ông công an đánh một thằng cu 17 tuổi thừa chết thiếu sống vì cãi nhau trong quán karaoke. Vấn đề là không chỉ cáu lên nện một trận rồi thôi, mấy viên công an này đã dong đi nhiều nơi đánh thằng cu nhiều lần trong nhiều giờ ở nhiều địa điểm. Cu này phải đi cấp cứu dài ngày ở bệnh viện và các viên công an này không bị truy cứu vì chấn thương mới chỉ có... 4%.

Ở Thanh Hóa tỉnh, Cẩm Thủy huyện, Cẩm Vân xã có vụ xí nghiệp hóa chất chôn thuốc trừ sâu năm này sang năm khác, ô nhiễm đến chết người nhưng chính quyền không biết dù dân đã nộp đơn tố cáo từ lâu. Dân đành “tự cứu” bằng cách phong tỏa nhà máy, tự mình điều tra, lập chốt canh giữ hàng mười mấy ngày nay rồi. Trong khi ấy thì bộ máy công quyền chạy rất chậm, thầy đổ tớ tớ đổ thầy, đến nỗi dân chính thức tỏ ý nghi ngờ chính quyền cố tình tạo điều kiện cho nhà máy đánh tháo, thậm chí nữa, một tờ báo còn ngỏ ý nghi ngờ, ngay công an cũng cố tình bao che...

Đau lòng đến nỗi, bây giờ muốn làm người tốt, người không vô cảm cũng khó, bởi sẽ không ai tin. Ví dụ ra tay nghĩa hiệp chẳng hạn, một là nhừ đòn vì người ta sẽ tưởng mình là cướp, hai là người bị hại cũng sẽ không tin là tại sao bây giờ lại có người... tốt, giúp mình, nên cũng sẽ thẳng thừng từ chối.

Sự vô cảm liệu đã đến mức vô phương rồi?     

Nhà thơ Văn Công Hùng


Ý kiến của bạn