Cùng thời điểm, trong cuộc họp báo cuối năm, Tổng thống Nga Putin đã khẳng định “sẽ đưa nước Nga trở lại mạnh mẽ hơn nữa”. Trong bối cảnh Mỹ đang “thất thế”tại Trung Đông, EU đang bối rối với những thách thức riêng của mình, dường như nước Nga đang trở lại với vai trò một cường quốc có thể gánh vác cuộc chơi toàn cầu.
-Có thể thấy rằng, dù chuyến thăm Trung Đông- Bắc Phi, đặc biệt là chuyến thăm Syria bất ngờ của ông Putin tuy không dài, nhưng nó lại ẩn chứa rất nhiều thông điệp. Thứ nhất, nước Nga luôn sẵn sàng “làm bạn” với khu vực này- sẵn sàng ghé vai, gánh vác, san sẻ khó khăn cùng Trung Đông Bắc Phi, kể cả trong những vấn đề cam go nhất như chống khủng bố. Thứ 2, với thông điệp đánh bại IS, giải phóng Syria và rút một phần quân đội khỏi Syria, nước Nga đã thể hiện rõ một thông điệp “Nga là bên chủ động, làm chủ “cuộc chơi” và giữ vai trò dẫn dắt tiến trình hòa bình tại Syria”.
Hiện, Nga- chứ không phải là Mỹ hay EU- hiện là cường quốc trung gian duy nhất có liên hệ với tất cả các bên trong cuộc xung đột Syria. Và chỉ có Nga, với thắng lợi quân sự và những tính toán khôn ngoan, từ thế yếu đã trở thành một bên mạnh buộc Mỹ, phải thích nghi; phải chấp thuận cùng chơi trên ván cờ Syria. Nga cũng không dấu diếm tham vọng rằng, chiến thắng ở Syria sẽ là yếu tố “cần” để Nga trở lại Trung Đông- mà ở đó Mỹ sẽ phải dè chừng Nga-nếu như không muốn mất đi ảnh hưởng ở khu vực.
Đáng chú ý, việc Nga xích lại gần cả Iran và A-rập Xê-út, hai cường quốc Trung Đông luôn đối đầu và cạnh tranh lẫn nhau, cũng đã khiến vị thế của Nga được coi trọng với tư cách một “vị trọng tài” dàn xếp những bất đồng trong khu vực. Việc Tổng thống Nga Ptuin gặp các nhà lãnh đạo Ai Cập và Thổ Nhĩ Kỳ, hai đồng minh chủ chốt và đối tác chiến lược của Mỹ ở Trung Đông – Bắc Phi, cũng đã một lần nữa cho thấy sức mạnh và vị thế của Nga tại khu vực này ngày càng gia tăng. Cuộc hội đàm ngắn ngủi với người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan, cũng là cuộc gặp lần thứ 8 giữa hai bên trong năm nay, với hình ảnh nụ cười thân mật và những cái bắt tay…đã khiến người ta nghĩ rằng Nga mới chính là đồng mình thân thiết của Thổ Nhĩ Kỳ chứ không phải là Mỹ, dù Mỹ- Thổ mới là đồng minh trên thực tế. Bình luận về vị thế mới của Nga ở Trung Đông, hãng tin Anh Reuters cho rằng “Nga đang thay Mỹ trở thành người phân xử tiến trình hòa bình ở Trung Đông”.
Tổng thống Nga Putin nhấn mạnh “Nước Nga sẽ tiến lên phía trước”.
Với những động thái ấy, rõ ràng, nước Nga đang đi một nước cờ “thắng” ở Trung Đông mà dù muốn hay không Mỹ, EU và các đồng minh đều phải thừa nhận.
Trong cuộc họp báo cuối năm vừa diễn ra, chỉ bằng vài từ ngắn gọn: « Nước Nga tiếp tục tiến lên phía trước. Không ai và không bao giờ có ai chặn được bước tiến của nước Nga », Tổng thống Nga Putin đã đưa ra một thông điệp rõ ràng rằng “nước Nga không khuất phục trước bất kỳ ai”.
Tất nhiên, nước Nga đã có sự chuẩn bị kỹ càng cho mục tiêu này. Mà sự hiện diện của Nga ở Syria, ở Trung Đông mới chỉ là một phần trong cấu thành đó. Cái bắt tay với Trung Quốc, với Ấn Độ; chính sách xoay trục về châu Á và chiến lược vươn xa tới châu Phi, được cho là những thế chân kiềng giúp nước Nga trở lại chính trường quốc tế. Tất nhiên, người ta còn phải chờ xem hiệu quả của những chính sách này ra sao, nhưng sự trở lại mạnh mẽ của nước Nga là điều người ta thấy rõ.
Trong một tuyên bố mới nhất, Tổng thống Putin nhấn mạnh cụm từ “Nước Nga cần phải hướng về tương lai và tiến lên phía trước”. Với tuyên bố tái tranh cử, dư luận trông đợi một giai đoạn mới của nước Nga nếu Tổng thống Putin tiếp tục lãnh đạo quốc gia này.