Nguyên nhân chính bắt nguồn từ người nhiễm HPV, loại virus này có thể truyền từ người sang người khi quan hệ tình dục, bao gồm cả QHTD bằng miệng.
HPV không trực tiếp gây ung thư, nhưng nó làm thay đổi tế bào bị lây nhiễm và những tế bào này có thể bị ung thư hóa, tuy nhiên cần một khoảng thời gian chừng vài năm. Có ít người nhiễm HPV sẽ tiến triển thành ung thư. Khoảng 9/10 người sẽ tự đào thải virus khỏi cơ thể trong vòng 2 năm. Tuy nhiên những người hút thuốc lá ít có khả năng đào thải virus hơn bởi hút thuốc lá phá hủy những tế bào bảo vệ đặc biệt ở da, tạo điều kiện cho virus tồn tại. Có một số loại ung thư có mối liên hệ với sự lây nhiễm HPV ở khu vực miệng, họng và một số type HPV lại được lây truyền qua QHTD bằng miệng. Type HPV tìm thấy trong miệng gần như chỉ lây truyền qua đường tình dục, do đó QHTD bằng miệng là con đường lây truyền chính.
Khoảng 1/4 trường hợp ung thư khoang miệng và 1/3 trường hợp ung thư vòm họng có liên quan tới HPV, tuy nhiên đa số ung thư vòm họng ở người trẻ hiện nay có liên quan tới HPV. HPV có hơn 100 type khác nhau, trong đó 15 type nguy cơ cao có mối liên hệ với ung thư. Chúng cũng lây truyền qua quan hệ tình dục đường âm đạo và qua hậu môn, gây ra mối liên quan với ung thư cổ tử cung, trực tràng và dương vật.
Một số loại lây truyền qua tiếp xúc trực tiếp da - da, gây nên mụn cóc, bao gồm cả mụn cóc sinh dục. Type HPV gây mụn cóc thuộc nhóm nguy cơ thấp, không phải nhóm có mối liên hệ với ung thư.
Nếu xuất hiện các triệu chứng dưới đây, hoặc cảm thấy lo lắng bản thân có nguy cơ mắc ung thư miệng họng, bạn hãy đi khám càng sớm càng tốt. Các triệu chứng cho thấy có thể đã bị ung thư miệng họng là: các mảng đỏ hoặc đỏ và trắng trên lưỡi, hoặc niêm mạc miệng; các vết loét trên miệng không liền sau 3 tuần; sưng miệng kéo dài trên 3 tuần; đau khi nuốt; cảm giác có vật cản mắc ở trong họng.