Sự thực về mực khô làm từ nhựa và keo dán xuất hiện tại Hà Nội

12-12-2013 09:44 | Thời sự
google news

Thời gian gần đây, dư luận tại Hà Nội lại xôn xao trước thông tin về loại mực khô có hình dáng lạ, khi đốt có hiện tượng khét lẹt giống như mùi cao su cháy, phần râu mực và đuôi lộ rõ những vết cắt.

Thời gian gần đây, dư luận tại Hà Nội lại xôn xao trước thông tin về loại mực khô có hình dáng lạ, khi đốt có hiện tượng khét lẹt giống như mùi cao su cháy, phần râu mực và đuôi lộ rõ những vết cắt.

Đặc biệt, một số người tiêu dùng còn liên tục cung cấp hình ảnh các mẫu mực giả trên nhiều diễn đàn, khiến người tiêu dùng không khỏi hoang mang, hồ nghi về chất lượng loại thực phẩm đang được lưu hành rộng rãi trên thị trường.

 

“Khi đốt mực khô có mùi khét như nhựa cháy”

Anh Nguyễn Minh Hiệp (Cầu Giấy – Hà Nội) bức xúc kể, trong một lần đi ăn nhậu cùng bạn bè ở phố Nghĩa Tân – Hà Nội, anh phát hiện ra nhiều điểm khác thường của loại mực khô được bày bán ở đây: “Tôi gọi một đĩa mực đã xé rồi, tuy nhiên khi ăn thì không thấy có vị thơm, ngọt của mực, khi dùng bật lửa đốt thì thấy mùi khét lẹt và nhỏ giọt như cao su...”.

Tương tự, anh Nguyễn Cao (đầu bếp của một nhà hàng nổi tiếng trên địa bàn huyện Từ Liêm, Hà Nội) phản ánh: Đầu tháng 12 vừa qua, cửa hàng anh được một số vị khách nhờ nướng hộ mực khô để làm mồi nhậu. Tuy nhiên, khi anh Cao đem loại mực này nướng trên cồn thì phát hiện có mùi khét lẹt giống như mùi nhựa cháy. Nghi ngờ, anh này quan sát kỹ thì thấy loại mực này có hình dáng lạ, khác hoàn toàn so với những con mực thông thường.

Mực có màu đỏ sẫm, phần râu mực và đuôi lộ rõ những vết cắt nham nhở và nghi được dính bằng keo dán. Đặc biệt, khi ngâm vào nước thì mực dai như cao su và không thể xé được bằng tay.

Khi được hỏi về nguồn gốc xuất xứ, vị khách kia cho biết loại mực trên được mua tại một khu chợ với giá là 150 nghìn/ kg.

Sự thực về loại mực khô làm từ nhựa và keo dán xuất hiện tại Hà Nội
Loại mực khô có hình dáng lạ, khi đốt có hiện tượng khét lẹt giống như mùi cao su cháy, phần râu mực và đuôi lộ rõ những vết cắt.

Với kinh nghiệm làm đầu bếp lâu năm của mình, anh Cao khẳng định, loại mực trên là giả và đây không phải là lần đầu tiên anh bắt gặp trường hợp này. “Không thể có loại mực khô nào giá rẻ đến ngỡ ngàng như thế được. Hiện này, trung bình giá mực khô trên thị trường đã dao động từ 500 – 800 nghìn/ kg.

Nếu chỉ nhìn thoáng qua bằng mắt thường thì loại mực giả trên rất khó phát hiện. Tuy nhiên, với người trong nghề thì tôi hoàn toàn có thể phân biệt được. Nhiều khách hàng đã mang loại mực này đến nhờ tôi xem xét và tôi đều khuyên họ không nên ăn để tránh nguy hại đến sức khỏe...”, anh Cao nói.

Khi phóng viên Dân trí mang mẫu mực khô nghi làm giả đến hỏi một tiểu thương tại chợ Cầu Diễn (Hà Nội), một người bán hàng ở đây khẳng định, loại mực này không giống với những loại mực khô họ thường bán: “Tôi chưa trông thấy loại mực này bao giờ. Thông thường, mực khô thật là những con sẽ có bụng màu trắng, lưng màu hồng nhạt tự nhiên, có phủ một lớp cám nhẹ trên người. Khi nướng lên, xé ra thịt bên trong cũng hồng nhạt và dẻo, dai không vụn. Còn loại mực này thân ngắn, màu hồng sậm, lại có hẳn 3 cái râu mực không hề giống loại mực thông thường”.

Trước đó, thông tin về loại mực khô nghi làm giả cũng gây xôn xao và hoang mang cho người tiêu dùng. Thậm chí, trên nhiều diễn đàn, nhiều người còn truyền tay nhau các bài viết chia sẻ kinh nghiệm về cách phân biệt mực khô giả và mực thật.

Gần đây nhất, tháng 8/2013 đội QLTT số 4 thuộc Chi cục QLTT tỉnh Quảng trị phối hợp với CSGT huyện Gio Linh cũng bắt giữ 1,5 tấn mực xé khô. Qua kiểm tra, số mực trên không có mùi thơm đặc trưng của mực, sợi mực khô kéo giãn như dây thun.

Đặc biệt, khi mang 4 mẫu mực này đi kiểm nghiệm tại Trung tâm kiểm nghiệm thuốc, mỹ phẩm, thực phẩm Thừa Thiên – Huế thì cho ra kết quả: Mẫu mực khô xé nhỏ gửi kiểm định không phải là mực khô.

Kết quả này càng khiến cho nhiều người tiêu dùng hoang mang. Câu hỏi được đặt ra là: Vậy có hay không loại mực khô được làm giả bằng nhựa?

Mực nghi làm giả chỉ là sản phẩm kém chất lượng

Để trả lời những nghi vấn này, phóng viên Dân trí đã mang những mẫu mực khô nghi làm giả đến gặp ông Nguyễn Tử Cương, Giám đốc Trung tâm chuyển giao công nghệ và dịch vụ thủy sản Việt Nam, nguyên Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản.

Qua quan sát bên ngoài, ông Cương khẳng định, đây là mực thật. Tuy nhiên, loại mực này không đảm bảo chất lượng lưu thông trên thị trường: “Tôi khẳng định đây là loại mực thật 100%, chỉ có điều nó là loại mực ôi thiu, đã được ướp đá trong thời gian dài mới mang đi chế biến, phơi khô. Vì là mực ươn, nên đầu và râu mực đã bị rụng. Để đẹp mã, nhiều người kinh doanh đã tìm cách gắn lại.

Sự thực về loại mực khô làm từ nhựa và keo dán xuất hiện tại Hà Nội
Vì là mực ươn, nên đầu và râu mực đã bị rụng. Để đẹp mã, nhiều người kinh doanh đã tìm cách gắn lại.

Đặc biệt trên thân mực này cũng xuất hiện những vết mốc xanh, đỏ, đen. Nếu sử dụng có thể gây ngộ độc và khả năng gây ung thư cao cho người tiêu dùng”. Ông Cương cũng nhấn mạnh, không thể có chuyện mực khô nguyên con được làm giả bằng nhựa hoặc cao su như thông tin đồn thổi trong thời gian vừa qua. Bởi nếu tính về chi phí cho một con mực làm giả “hoàn hảo” giống thật như thế thì tiền công cũng phải “đội lên” ngang ngửa loại mực thật.

Lý giải về hiện tượng loại mực này khi ngâm nước lại có hiện tượng dai và có mùi vị khét lẹt khi đốt, ông Cương cho biết: Vì loại mực này khi chế biến đã không đảm bảo chất lượng, nên khi sơ chế họ phải phơi thật khô để át đi vị tanh và để được lâu. Chính vì thế, khi ngâm vào nước nó sẽ dai hơn bình thường. Còn loại mực nào khi đốt lửa quá tay cũng đều có vị khét, nhất là khi thân mực này đã xuất hiện quá nhiều vết mốc.

Hơn nữa, do tâm lý của người tiêu dùng, nhiều khi chúng ta cứ áp đặt nó là mực giả nên tìm mọi cách để chứng minh. Với kinh nghiệm lâu năm trong lĩnh vực thủy hải sản, ông Cương khẳng định: “Trước đây, trên mạng cũng xuất hiện nhiều hình ảnh, video về loại mực nghi làm giả. Nhưng tôi khẳng định không có chuyện đó. Một số loại mực nghi làm giả thực chất gọi là mực xà, có nhiều ở vùng biển Hoàng Sa, Trường Sa. Mực xà sau khi phơi khô, có vị đắng, cứng, khó nhai, ăn không ngon, không ngọt như loại mực khô thông thường. Khi mực nướng lên, mực dai hơn, ăn lại có vị mặn nên mọi người thường nghi là mực giả. Thực tế, loại mực này có giá khá rẻ, một số nơi chế biến mực khô, người ta còn cho vào máy cán để con mực to hơn và dài hơn...”.

Ông Cương khuyến cáo người tiêu dùng cần phải có những lựa chọn thông minh trước khi mua hàng để tránh mua phải những sản phẩm kém chất lượng, ảnh hưởng đến sức khỏe: “Mực ngon là con có màu trắng tươi hơi phớt hồng, đầu dính chắc vào thân. Nếu trên thân mực xuất hiện vết mốc xanh, đỏ thì người tiêu dùng tuyệt đối không được mua, kể cả mua về làm thức ăn gia súc. Loại thực phẩm này có tính độc tố cao, sẽ tích tụ dưới lớp mỡ của gia súc, khi người tiêu dùng ăn phải có khả năng bị ngộ độc và ung thư...”.

Đặc biệt, các cơ quan chức năng cần tăng cường công tác kiểm tra, xử lý các cơ sở buôn bán và sản xuất không đạt tiêu chuẩn, nhất là khi dịp Tết Nguyên Đán đang cận kề, ông Cương nhấn mạnh.

Theo Dân trí

 


Ý kiến của bạn