Lê Hồng Hà (TP.Hồ Chí Minh)
Với người Việt Nam, việc sử dụng các giải pháp bảo vệ sức khỏe có nguồn gốc từ thảo dược “bôi, xoa, uống, dán” luôn được ưu tiên vì mặc nhiên được xem như “ít có hại”, nhất là khi trên mạng xã hội rất dễ dàng tìm thấy sản phẩm “miếng hút giải độc” được rao bán tràn lan với công năng kỳ diệu. Loại miếng dán này được người bán hướng dẫn dán vào lòng bàn chân rồi yên tâm đi ngủ, sáng dậy lột ra thấy chất màu đen và dịch nhớt bám trên miếng dán chính là “độc tố” được hút ra...
Nhưng với y học hiện đại hay y học cổ truyền, thì bất cứ chỗ nào trên cơ thể cũng không thể dùng miếng dán hoặc xoa bóp mà có thể hút chất độc ra khỏi cơ thể được. Vậy tại sao lại có màu đen và dịch nhầy (khiến người dùng tin đó là độc tố) sau khi dán miếng dán qua đêm? Thực chất đó là phản ứng hóa học của miếng dán khi gặp độ ẩm. Nếu miếng dán lột ra để lâu không sử dụng vẫn đen vì nó gặp độ ẩm trong không khí. Xem trên bao bì sản phẩm sẽ thấy thành phần miếng dán được ghi là: dấm gỗ, dextrin, chitosan, tourmaline, bột ngọc trai, silica và axit glycolic... Trong đó silica là cát, còn dextrin và chitosan chính là chất biến thành nhớt nhớt, sền sệt khi lột ra do độ ẩm từ mồ hôi của cơ thể. Riêng axit glycolic là loại axit mạnh có độ hòa tan cao thường xuất hiện trong các sản phẩm tẩy da chết với liều lượng nghiêm ngặt, vì đây là một chất cực kỳ độc hại nếu quá liều lượng. Trên thực tế một số bệnh viện đã tiếp nhận nhiều ca dán miếng thải độc, sáng hôm sau gan bàn chân bị phỏng và da bị lột theo miếng dán.
Cho đến nay, Bộ Y tế chưa cấp phép cho bất kỳ sản phẩm miếng dán giải độc nào, đồng nghĩa với việc các miếng dán thải độc trên thị trường là hàng trôi nổi, không rõ nguồn gốc, cho dù nó được quảng cáo “xách tay” mang về từ các quốc gia có nền y học tiên tiến.