Tác phẩm tranh lớn nhất Đông Nam Á này được thực hiện từ năm 2019 tại Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ (tỉnh Điện Biên), vẽ lên tường bằng chất liệu sơn dầu, bố cục hình tròn (dài 132m, cao 20,5m, đường kính 42m) với tổng diện tích là 3.225m². Khoảng 80 họa sĩ ở Việt Nam đã tái hiện hơn 4.500 nhân vật kết hợp với phần sắp đặt nghệ thuật hiện vật để tạo nên một bức tranh toàn cảnh chân thực, sinh động về Chiến dịch Điện Biên Phủ. Vào dịp kỷ niệm 67 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5), công chúng được thưởng lãm tác phẩm này.
Theo ông Nguyễn Văn Mạc, Chủ tịch, Giám đốc Công ty TNHH MTV Bảo tồn di sản văn hóa, đơn vị thực hiện tác phẩm, đây là bức tranh toàn cảnh đồng hiện, miêu tả chiến trường Điện Biên tại nhiều thời điểm, từ cuối 1953 cho đến 7/5/1954. Ở đó, mọi sự kiện, khoảnh khắc cùng những hình ảnh tiêu biểu nhất trong 56 ngày đêm chiến đấu ác liệt của quân dân Việt Nam chống lại thực dân Pháp được tái hiện chân thực và sinh động.
Vì thế mà bức tranh toàn cảnh Điện Biên Phủ được chia làm 4 trường đoạn. Ở trường đoạn đầu tiên Toàn dân ra trận, các họa sĩ khắc họa hình ảnh những đoàn dân công không quản ngày đêm trèo đèo, lội suối, băng rừng, vượt thác, vận chuyển vũ khí và lương thực cung cấp cho tiền tuyến. Khúc dạo đầu hùng tráng lại là trường đoạn khẳng định sức mạnh của pháo binh ta với đòn đánh phủ đầu binh lính Pháp trong trận Him Lam, mở màn cho chiến dịch Ðiện Biên Phủ.
Tiếp đến Cuộc đối đầu lịch sử - trường đoạn tái hiện chiến trường với những trận đánh giáp lá cà, giành giật từng tấc đất đầy cam go khốc liệt giữa ta và địch. Và trường đoạn cuối cùng mang tên Khúc khải hoàn, các họa sĩ thể hiện hình ảnh đối lập giữa ta và địch. Đó là cảnh những hàng dài quân địch thất thểu, lầm lũi, cúi mặt lê bước ra hàng còn quân ta hừng hực khí thế chiến thắng, phất cao cờ đỏ sao vàng trên nóc hầm chỉ huy của tướng De Castries. Những trường đoạn tranh qua đó làm nổi bật ý nghĩa của chiến thắng “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” của Việt Nam 67 năm về trước.
Một góc của bức tranh panorama tái hiện chiến thắng Điện Biên Phủ tại Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ.
Họa sĩ Nguyễn Văn Nghĩa, một trong những người thực hiện bức tranh chia sẻ, để vẽ được bức tranh panorama toàn cảnh Chiến dịch Điện Biên Phủ với sự hoành tráng kể trên, các họa sĩ phải đi thực tế rất nhiều nơi và tham khảo nhiều hình ảnh tư liệu cũ, đi những di tích còn lại của Điện Biên để làm sao tái hiện lại một chiến trường Điện Biên Phủ thực tế nhất. Trong quá trình vẽ bức tranh, các họa sĩ cũng phải vẽ đi vẽ lại rất nhiều lần, bởi bức tranh lớn nên không thể vẽ một lần đã thể hiện hết được nội dung và đảm bảo tính mỹ thuật.
Đánh giá về bức tranh có một không hai tại Việt Nam, họa sĩ Vi Kiến Thành, Phó Chủ tịch Hội đồng Nghệ thuật cho hay, đây là tác phẩm hoành tráng không chỉ về quy mô, kích thước mà còn khắc họa một cách chân thực về không khí, không gian các sự kiện đã diễn ra trong suốt Chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ. Các họa sĩ đã thể hiện và xử lý một cách chuyên nghiệp qua kỹ thuật sơn dầu, acrylics. Họa sĩ Lương Xuân Đoàn, Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam cũng đánh giá, đây là bức sử thi hội họa lớn nhất, tái hiện toàn cảnh chiến trường Điện Biên Phủ trong một không gian đồng hiện đa hướng, đa tầng.
Bà Vũ Thị Tuyết Nga, Phó Giám đốc Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ cho rằng, bức tranh không chỉ hứa hẹn giúp người xem cảm thụ nghệ thuật đơn thuần mà còn giúp chúng ta thấy được những hy sinh gian khổ của người lính trên trận chiến Điện Biên Phủ gần 67 năm về trước. Ngoài giá trị về mỹ thuật, tác phẩm còn có ý nghĩa giáo dục truyền thống cách mạng, tinh thần yêu nước, tự hào dân tộc cho các thế hệ. Đồng thời đây cũng là tác phẩm thông điệp về khát vọng hòa bình, tinh thần đoàn kết, đấu tranh kiên cường bất khuất của quân và dân ta, góp phần tạo thêm điểm nhấn trong cẩm nang du lịch, thu hút ngày càng đông du khách đến với Ðiện Biên trong tương lai.