Khi thông tin về vụ bắt cóc trẻ sơ sinh ở Hà Nội hay trao trả nhầm trẻ mới sinh ở Bệnh viện (BV) đa khoa tỉnh Quảng Ngãi vừa mới lắng xuống thì những ngày qua lại rộ lên thông tin về trả nhầm trẻ sơ sinh tại BV Phụ sản Hà Nội. Thực hư vụ việc thế nào?
Nhầm… 2 phút (?!)
Sáng 11/1/2012, phóng viên báo SK&ĐS đã có buổi làm việc với ông Nguyễn Huy Bạo, Giám đốc BV Phụ sản Hà Nội. Ông Bạo cho biết, có việc trả nhầm trẻ sơ sinh giữa 2 sản phụ, nhưng sự cố này chỉ xảy ra trong… 2 phút. Theo ông Bạo, vào sáng 7/1/2012, sản phụ là chị Trần Thị Thủy, sinh năm 1978, ở Tây Mỗ, Từ Liêm, Hà Nội ở phòng số 8 của Khoa A4 đã sinh được cháu trai nặng 3,4kg. Cháu bé sau đó được gắn số 550 ở cổ để đánh dấu. Tuy nhiên, sự cố đã xảy ra khi có sự nhầm lẫn và nếu không muốn nói rằng có sự chủ quan của nữ hộ sinh Vũ Thị Bình, Khoa A4, khi đã trả nhầm con của sản phụ Trần Thị Thủy sang con sản phụ Lê Thị Kim Oanh ở phòng 16, cũng sinh được cháu trai nặng 4,3kg nhưng có số đeo là 585.
![]() Mỗi trẻ sơ sinh trước khi về với mẹ đều có 4 số theo dõi. Ảnh: PV |
Theo tài liệu của phóng viên báo SK&ĐS có được, ngay sau khi sự việc đáng tiếc xảy ra vào ngày 7/1/2012, BV Phụ sản Hà Nội và đại diện gia đình sản phụ Trần Thị Thủy là ông Trần Bá Lượng - anh chồng của sản phụ, ông Trần Mạnh Hùng - chồng của sản phụ Thủy, nữ hộ sinh Phạm Tuyết Lan, trưởng tua trực hôm 7/1 của Khoa A4 và bác sĩ Nguyễn Anh Phương, trực lãnh đạo BV đã tiến hành lập biên bản làm việc. Tại buổi làm việc ngày hôm đó, thay mặt BV, tua trực đã chính thức xin lỗi gia đình sản phụ Thủy. Đại diện gia đình, bố cháu bé số 550 là ông Trần Mạnh Hùng đã ký vào biên bản làm việc là không có thắc mắc gì về sự việc trên.
Có hay không đánh tráo trẻ?
Ông Nguyễn Huy Bạo, Giám đốc BV Phụ sản Hà Nội cho biết, sự cố đáng tiếc trên là lỗi của nữ hộ sinh đã quá chủ quan. BV sẽ tiến hành kiểm điểm nghiêm túc. Theo quy trình giao nhận trẻ, khi sản phụ sinh thì mẹ và bé đều đeo chung một số. Bé đeo số ở cổ. Mẹ đeo số ở cổ tay. Cả trên hồ sơ cũng có số, tổng cộng là phải có 4 số giống nhau. Khi đi nhận cháu bé, nữ hộ sinh phải kiểm tra đầy đủ cả 4 số đó, đảm bảo trùng nhau thì mới tiến hành giao nhận. Khi sinh xong, trong trường hợp sản phụ tỉnh thì chúng tôi sẽ thông báo luôn cân nặng em bé, cho mẹ nhìn con luôn. Với trường hợp sản phụ Thủy, so với quy trình là sai.
Sau khi sự việc xảy ra, BV đã yêu cầu các cá nhân có liên quan tiến hành làm kiểm điểm. BV sẽ xem xét và kiên quyết xử lý những sai phạm theo đúng quy định để tránh xảy ra vụ việc đáng tiếc lần thứ 2. Còn về “người mặc áo xanh” theo phản ánh của gia đình đã có lời lẽ không đúng, ông Bạo cho hay đó là nữ hộ lý của Khoa A4. Lãnh đạo Khoa A4 đã có nhắc nhở với nữ hộ lý này về lời nói không đúng chức trách và nhiệm vụ dẫn đến sự hiểu nhầm của người nhà bệnh nhân.
Trao đổi với phóng viên về việc đánh tráo trẻ bởi có thông tin cho rằng cháu bé bị “trao nhầm” có tiền sử bệnh lý từ gia đình. Ông Trần Huy Bạo cho biết, đến sáng 11/1, ông mới tiếp nhận thông tin này, ông sẽ cho kiểm tra lại. Tuy nhiên, về mặt tổng thể không có gì bất thường từ 2 cháu. Chức năng sống của 2 cháu đều hoàn toàn bình thường nên Khoa A4 đã trả 2 cháu về với mẹ.
Sự việc đáng tiếc xảy ra ở BV Phụ sản Hà Nội cũng gần như tương tự vụ trả nhầm trẻ sơ sinh ở BV đa khoa tỉnh Quảng Ngãi mà báo SK&ĐS đã có bài phản ánh. Qua đó, có thể thấy rằng chỉ cần một sơ suất nhỏ hay chủ quan không đáng sẽ dẫn đến hậu quả vô cùng khó lường. Ý thức trách nhiệm với công việc và khả năng ứng xử của nhân viên y tế trước gia đình sản phụ hay bệnh nhân cần phải theo tiêu chí tất cả vì người bệnh.
Anh Tuệ