Sự thật video 'bệnh nhân tử vong do phòng khám từ chối cấp cứu'

21-10-2014 16:15 | Thời sự
google news

Phóng viên đã tìm hiểu cặn kẽ sự việc và nhận thấy còn nhiều chưa biết chứa sau kết luận phòng khám từ chối cấp cứu nạn nhân do không có người nhà đi cùng.

Sáng 20/10, bác sỹ CKI Trương Quang Anh Vũ – Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp (Bệnh viện Thống Nhất) cho biết, thông tin vụ phòng khám từ chối cấp cứu nạn nhân dẫn đến tử vong được phát sóng trên Đài Truyền hình Việt Nam là chưa chính xác.

Bác sỹ Vũ cho biết thêm, bệnh nhân trong vụ việc được xác định giới tính nam, tên là Đặng Phước Cu (tên khác Đặng Phước Phương, SN 1975, quê quán Quảng Điền, Thừa Thiên Huế), không phải nữ như VTV1 đưa tin trong chương trình Chuyển động 24 phát trưa 19/10.

Sau khi bị ngã xe do tai nạn giao thông, bệnh nhân được người nhà đưa vào bệnh viện Thống Nhất cấp cứu vào lúc 19h30 ngày 11/10/2014. Nạn nhân nhập viện trong tình trạng hôn mê sâu, đồng tử hai bên giãn 4mm, chụp CT thấy có tình trạng xuất huyết não, dập não diện rộng, quá chỉ định phẫu thuật, bệnh nhân được theo dõi và điều trị tích cực tại khoa hồi sức ngoài, được thở máy, dùng các thuốc hồi sức...

“Đến ngày 12/10 bệnh nhân chuyển biến nặng khó qua khỏi, bệnh viện giải thích cho người nhà bệnh nhân biết sự việc. Gia đình xin đưa nạn nhân về nhà và anh Phương tử vong sau đó” – bác sỹ Vũ nói.

Theo anh Nguyễn Văn Tuấn (SN 1971, tài xế Taxi Mai Linh) - người lái xe đưa nạn nhân đi cấp cứu, khoảng 19h ngày 11/10, một người đàn ông khoảng 40 tuổi lái xe máy ngã xuống đường. Nạn nhân nằm bất động, máu chảy rất nhiều nhưng không có ai chịu đưa đi cấp cứu. Lúc này có một người đàn ông tốt bụng đồng ý đưa nạn nhân lên taxi.

Địa điểm xảy ra vụ tai nạn giao thông là ấp Nam Lân, xã Bà Điểm, Hóc Môn (cách An Sương trên QL1A khoảng 500m).

Người đàn ông này đã đưa nạn nhân vào phòng khám đa khoa Bà Điểm (số 49/1 Phan Văn Hớn, ấp Tiền Lân, xã Bà Điểm, Hóc Môn) gần đó để kịp thời cấp cứu. Lúc này, nạn nhân vẫn còn nằm trên taxi, rất đông nhân viên phòng khám chạy ra tận taxi để xác định tình trạng bệnh nhân.

Thấy nạn nhân bị thương tích quá nặng, do chấn thương sọ não, máu cháy ra nhiều ở tai, miệng, mũi… nên nhân viên phòng khám không dám tiếp nhận mà thông báo nên chuyển nhanh đến bệnh viện.

Trước sự thông tin nạn nhân tử vong do phòng khám từ chối cấp cứu, bác sỹ Huỳnh Bá Em - Giám đốc phòng khám đa khoa Bà Điểm (Hóc Môn, TP.HCM) lên tiếng khẳng định: "Do bệnh tình của bệnh nhân quá nặng, các nhân viên cảm thấy việc chữa trị là quá sức với họ nên mới thông báo chuyển lên tuyến trên. Việc gì trong tầm tay chúng tôi, thì chúng tôi mới dám giải quyết".

“Nếu bảo theo đúng Luật thì phải sơ cứu hay làm cái này cái kia, chúng tôi cũng đã làm, lúc đó có nhiều nhân viên vội vã nhanh chóng chạy ra, cũng có chui vào xe nhìn nhận, xem xét đánh giá ban đầu tình trạng bệnh nhân quá nặng, bị chấn thương sọ não, xuất huyết não, dập não diện rộng, hôn mê sâu nhưng do thời gian quá gấp rút, cần phải cho nạn nhân chuyển bệnh càng sớm càng tốt, sự việc xảy ra chưa đến 2 phút” – bác sỹ Em nói.

Nói về vấn đề phòng khám đưa ra lý do nạn nhân bị thương tích quá nặng nên không dám tiếp nhận nạn nhân cấp cứu, bác sỹ Trương Quang Anh Vũ (bệnh viện Thống Nhất) cho biết, phải xem xét tùy theo mức độ quy mô phòng khám lớn hay nhỏ, trang thiết bị chữa bệnh ra sao, đội ngũ bác sỹ, điều dưỡng, nhân viên phục vụ... để có nhìn nhận đúng bản chất hiện tượng, sự việc.

"Nếu phòng khám cho rằng hoạt động chuyên môn quá khả năng điều trị, không thể điều trị được thì ít nhất phải sơ cứu bệnh nhân và hỗ trợ bệnh nhân chuyên chở như thế nào, phải xem ven, tĩnh mạch, đo huyết áp...

Ngoài ra cần hướng dẫn, giải thích người nhà biết rõ tình trạng bệnh quá khả năng điều trị, nếu ở lại thì không đảm bảo được, tốt nhất nên chuyển đi. Cách giải thích xử lý rõ ràng sẽ khiến người khác dễ dàng thông cảm hơn. Có thể phòng khám để xảy ra sơ sót phần này" - bác sỹ Vũ giải thích.

 


Ý kiến của bạn