Sự thật về việc tố BVĐK Đức Giang trục lợi bảo hiểm

10-10-2018 10:32 | Xã hội
google news

SKĐS - Mới đây, trên trang facebook của một cá nhân cho rằng BVĐK Đức Giang Hà Nội đã gian dối trục lợi bảo hiểm khi bố của người này điều trị ở Khoa Ngoại-Tổng hợp vừa xin ra viện. Tuy nhiên, sau khi tìm hiểu, xem xét hồ sơ bệnh án của bệnh nhân, cùng với sự giải thích của lãnh đạo BVĐK Đức Giang thì sự thật hoàn toàn khác với facebook đăng tải. Bởi theo lãnh đạo BVĐK Đức Giang, việc trục lợi tiền bảo hiểm đâu phải dễ như cho tay vào túi rút ra và nếu bị phát hiện vi phạm có thể bị truy tố đến 10 năm tù.

Ông Nguyễn Sơn Hà - Trưởng khoa Ngoại  - Tổng hợp trao đổi để làm rõ những nội dung trên  facebook phản ánh.

Ông Nguyễn Sơn Hà - Trưởng khoa Ngoại  - Tổng hợp trao đổi để làm rõ những nội dung trên facebook phản ánh.

Theo hồ sơ bệnh án, ông Lê Duy T. (trú tại phường Đức Giang, quận Long Biên, TP. Hà Nội) nhập viện vào hồi 8h07 phút ngày 29/9/2018 và vào Khoa Ngoại hồi 10 giờ cùng ngày, được chẩn đoán gan nhiễm mỡ, sỏi thận phải, viêm túi mật cấp. Tuy nhiên, đến 17h, ngày 01/10/2018, đại diện gia đình là chị Lê Thị Mỹ P. đã ký vào hồ sơ bệnh án tự nguyện xin cho ông T ra viện không điều trị tiếp, nếu có vấn đề gì xảy ra, gia đình xin chịu trách nhiệm, không kiện các bác sĩ.

Điều đáng nói là sau khi cho ông T. xuất viện thì đồng thời trên facebook của chị P. đã quy kết cho rằng BVĐK Đức Giang trục lợi bảo hiểm do không công khai bệnh án. PV báo Sức khỏe&Đời sống đã có buổi trao đổi với ThS.BSCK2 Nguyễn Sơn Hà - Trưởng khoa Ngoại - Tổng hợp để làm rõ những nội dung trên facebook phản ánh.

Theo ông Hà, trước đó, ngày 28/9, ông T. đã đến BVĐK Đức Giang để thăm khám với biểu hiện sốt và đau tức vùng hạ sườn phải, bác sĩ chỉ định nhập viện theo dõi nhưng ông P. không nhập viện. Đến 8h07 phút ngày hôm sau 29/9/2018, ông P. mới nhập viện và vào Khoa Ngoại hồi 10h cùng ngày. Tuy vậy, ông T cũng không nằm lại khoa mà tự ý về nhà. Do kết quả xét nghiệm đường huyết của ông T. quá cao có thể gây nguy hiểm cho bệnh nhân, các bác sĩ ở khoa đã gọi điện cho ông T. nên vào lại khoa để theo dõi tình trạng sức khỏe. Nhưng đến 21h ông mới vào lại khoa để điều trị.

Việc chị P. cho rằng bố chị đến khám đã làm một loạt xét nghiệm nhưng chưa nhập viện ngay theo như bác sĩ yêu cầu. Hôm sau, việc xét nghiệm lại được làm lại. Lý giải về việc này, ông Hà cho biết, Khoa đã phải theo dõi bệnh nhân có đến 4 lần lấy xét nghiệm là để theo dõi tình trạng sức khỏe của bệnh nhân để có xử lý kịp thời. Bởi với các biểu hiện lâm sàng của bệnh nhân nếu không xử lý kịp thời có thể lâm vào tình trạng hôn mê.

Nói về nguyên nhân tại sao phiếu theo dõi bệnh nhân không treo công khai đầu giường, ông Hà cho biết, phiếu theo dõi bệnh nhân luôn được kẹp ở đầu giường, có thể tại thời điểm đó bác sĩ điều trị đã lấy phiếu xem xét cùng hồ sơ bệnh án để đưa ra phác đồ điều trị phù hợp với bệnh nhân nên chị P. không nhìn thấy tại thời điểm đó.

Việc y tá điều dưỡng trả lời không đúng như bệnh án, theo ông Hà, trách nhiệm của y tá điều dưỡng là thực hiện theo y lệnh của bác sĩ điều trị, hơn nữa trong khoa không phải tất cả điều dưỡng đều biết hết được bệnh tình của người bệnh. Nếu người nhà muốn biết rõ bệnh tình thì chỉ có bác sĩ điều trị trực tiếp cho bệnh nhân. Cao hơn nữa là bác sĩ Trưởng khoa là nắm rõ nhất. Chúng tôi cho họp khoa thì các điều dưỡng khẳng định họ không hề trao đổi với người nhà bệnh nhân nào như vậy, ông Hà nói.

Về nội dung chị P cho rằng sau 3 ngày nằm viện, chứng kiến 3 BN cùng phòng cũng chỉ truyền paracetamol, muối natri 0,9% cho 3 loại bệnh: đau dạ dày, viêm manh tràng và viêm túi mật. Cả 3 BN cũng đều xin kết thúc điều trị để chuyển viện tuyến TW, ông Hà khẳng định việc này hoàn toàn không chính xác, bởi chị P. không nắm rõ bệnh của từng BN nên không biết; 3 BN này đều bị bệnh nặng, quá tầm của BV, đòi hỏi sự điều trị cao hơn, cho nên BV đã chủ động cho BN chuyển viện theo phân tuyến điều trị sau khi đã có chẩn đoán, ông Hà nói.

Nói về việc chậm thanh toán tiền bảo hiểm khi ông T. được người nhà xin ra viện, ông Hà cho biết, để thanh toán một hồ sơ bệnh án BV có một quy trình thanh toán. Khi kết thúc điều trị, điều dưỡng hành chính của khoa tổng hợp thực chi từ các bộ phận (mẫu 2) khớp với phiếu công khai ký. Trước khi thanh toán (người nhà BN) được quyền kiểm tra thực chi, nếu có thắc mắc, nhân viên y tế trả lời rõ ràng. Dữ liệu sau khi BN thanh toán đến 16h30 hàng ngày (trừ thứ 7 và CN) sẽ được đẩy thẳng lên cổng thông tin điện tử BHXH của thành phố. Việc thanh toán ra viện đối với hồ sơ chủ động thì chỉ 15 phút là xong. Ở BVĐK Đức Giang có đến 80% hồ sơ được thanh toán ngay trong ngày. Nhưng đối với hồ sơ của ông P. vì người nhà xin ra viện vào lúc 17h ngày 01/10/2018, lúc này đã ngoài giờ hành chính nên việc thanh toán hoàn toàn bị động nên đã phải dồn sang đến đầu giờ sáng ngày hôm sau (2/10/2018).

Về việc chị P. cho rằng việc thu tiền xét nghiệm và giường gấp theo yêu cầu, trong khi người nhà BN hoàn toàn không sử dụng, ông Hà lý giải rằng trường hợp của ông T. đã được xét nghiệm đường mao mạch đến 4 lần (xét nghiệm HbA1c), đều phù hợp với bệnh và diễn biến bệnh của BN, tất cả đều thể hiện rõ ràng trong hồ sơ bệnh án, vì vậy nói không được xét nghiệm là không hợp lý. Còn về sử dụng giường gấp, đây là chủ trương của BV để phục vụ người nhà BN, đến 21h đêm sẽ được phát giường của BV để người nhà có chỗ nằm nghỉ ngơi. Nó bao gồm không chỉ có giường mà còn các dịch vụ khác như quần áo, chăn màn, gối, điện, nước dịch vụ... nhưng BV hiện chỉ thu 30.000 đồng/ngày, việc xét nghiệm và giường thu chi đều minh bạch rõ ràng.

Ông Hà chia sẻ thêm, được biết sau khi ra viện, gia đình đã chuyển ông T. lên BV Việt Đức để tiếp tục điều trị, ở đây các chỉ số xét nghiệm đều không khác gì ở BVĐK Đức Giang. Tuy nhiên, vì gia đình chủ động xin ra viện chứ không phải BN xin chuyển tuyến, nếu xin chuyển tuyến thì hồ sơ sẽ được sao lưu kết quả chuyển cùng. Đây cũng là một tồn tại mà ngành y tế cần phải lưu ý, nhất là việc liên thông kết quả xét nghiệm để tránh việc phải xét nghiệm lại lần nữa, lãng phí hoàn toàn không đáng có.

Ông Nguyễn Sơn Hà - Trưởng khoa Ngoại - Tổng hợp cho rằng việc chị P. nói BV trục lợi bảo hiểm là hoàn toàn không đúng sự thật, bởi cơ quan bảo hiểm đã có phần mềm cập nhật từng mục theo ngày được số hóa cụ thể, vì thế bệnh án không thể làm giả và gian dối được, chúng tôi nghĩ có thể chị P. chưa hiểu hết đúng quy trình kiểm tra, quy trình quyết toán bảo hiểm vì nó được thể hiện rất rõ ràng trong hồ sơ bệnh án. Theo ông Hà, việc đăng tải facebook là tự do cá nhân, nhưng việc quy kết BV trục lợi bảo hiểm này dễ làm mất lòng tin của người dân vào một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước về việc bao phủ BHXH toàn dân. Bởi theo quy định, việc trục lợi bảo hiểm có thể sẽ bị phạt lên tới 10 năm tù, ông Hà nói.


Nhóm PVĐT
Ý kiến của bạn