Báo Sức khỏe và đời sống đã xác minh thông tin nêu trên và sự việc anh V. không bị chó cắn nhưng vẫn mắc bệnh dại là không đúng sự thật.
Theo báo cáo từ Trung tâm Y tế huyện Lạc Sơn gửi Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, vào tháng 6, anh V. có đuổi một con chó thả rông đang cắn gia cầm nuôi tại nhà. Anh V. bị chó cắn vào ngón út bàn tay trái. Thấy vết thương nông, chảy máu ít nên anh V. chỉ rửa vết thương bằng nước và không muốn đi tiêm phòng. Do chó thả rông nên không xác định được con chó cắn anh V. đã được tiêm phòng hay chưa.
Trung tâm y tế huyện Lạc Sơn cũng cho biết trong khoảng thời gian anh V. bị chó cắn, tại đây không có trường hợp chó lên cơn dại.
Ngày 30/7, anh V có biểu hiện mệt mỏi, chán ăn, đau cơ, mất ngủ, sợ nước, sợ gió, sợ ánh sáng và có đờm dãi. Chỉ sau 2 ngày được lấy dịch não tủy xét nghiệm và phát hiện dương tính với bệnh dại, anh V. đã tử vong.
Đại diện Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh Hòa Bình cũng xác nhận trường hợp anh V. được người nhà kể lại có bị chó thả rông cắn trong lúc lao động.
Cách duy nhất để phòng bệnh dại là được tiêm vaccine sau khi bị chó, mèo cắn. Các biện pháp chữa trị bằng gia truyền, thuốc nam hoàn toàn không có hiệu quả.
TS Nguyễn Thị Thanh Hương (Trưởng Văn phòng chương trình khống chế và loại trừ bệnh Dại trên người - Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương) thông tin cả nước có đến 90% trường hợp tử vong do không đi tiêm phòng dại. Và nguyên nhân chủ yếu là chủ quan vì chó nhà nuôi cắn hoặc tại thời điểm cắn chó bình thường. Bên cạnh đó vẫn rải rác nhiều trường hợp dùng thuốc nam để chữa chó dại cắn. Đáng nói khu vực Tây Nguyên có tỷ lệ tiêm thấp nhất và tỷ lệ tử vong chiếm cao nhất.
Xem thêm video được quan tâm:
Hai Bệnh Nhi Nguy Kịch Vì Mắc Bệnh Dại, Bác Sĩ Cảnh Báo | SKĐS