Sự thật về tiêm vắc-xin khiến trẻ mắc chứng tự kỷ

03-06-2019 08:54 | Tin nóng y tế
google news

SKĐS - Vụ Wakefield đã 21 năm trôi qua, nhưng dư âm và hệ quả của nó vẫn còn tồn tại.

Một vài nhóm nghiên cứu chống vắc-xin vẫn còn trích dẫn bài báo của Wakefield (dù nó đã bị rút xuống khỏi tập san Lancet từ nhiều năm trước và BS. Wakefield cũng đã bị rút giấy phép hành nghề), để lấy cớ cho hành vi anti vắc-xin với luận điệu rằng: tiêm vắc-xin sởi - quai bị - Rubella (MMR) khiến trẻ mắc chứng tự kỷ.

Hàng trăm công trình nghiên cứu khoa học nghiêm chỉnh đã chỉ ra rằng hoàn toàn không có một mối liên quan gì giữa vắc-xin và chứng tự kỷ. Ngược lại, vắc-xin ngừa các bệnh như quai bị và sởi là một trong những thành tựu lớn nhất của y khoa thế giới. Vụ Wakefield đã cung cấp cho giới y khoa, báo chí và công chúng nhiều bài học để sự việc không lặp lại một lần nữa trên thế giới.

Hoàn toàn không có mối liên quan nào giữa tiêm vắc-xin và chứng tự kỷ ở trẻ em.

Hoàn toàn không có mối liên quan nào giữa tiêm vắc-xin và chứng tự kỷ ở trẻ em.

Những tranh cãi về thimerosal

Một năm sau khi lời đồn về vắc-xin MMR xuất hiện, nỗi sợ hãi của công chúng đã chuyển sang một chất được sử dụng trong một số vắc-xin cho trẻ em. Chất này được gọi là thimerosal chứa thủy ngân. Thủy ngân là một loại kim loại có thể làm tổn thương não và thận ở nồng độ cao. Mục đích đưa thimerosal vào vắc-xin là ngăn ngừa vi khuẩn và nấm phát triển. Mặc dù không có bằng chứng cho thấy lượng nhỏ thimerosal trong vắc-xin gây hại, nhưng chất này được lấy ra khỏi hầu hết các vắc-xin cho trẻ em vào năm 2001 khi Viện Hàn lâm Nhi khoa Mỹ và Dịch vụ Y tế công cộng Hoa Kỳ yêu cầu.

Các nghiên cứu cũng đã được tiến hành để chứng minh liệu thimerosal có liên quan đến chứng tự kỷ hay không. Các nhà nghiên cứu đã so sánh hai nhóm trẻ em nhận vắc-xin chứa thimerosal và nhóm trẻ được chủng ngừa thuốc không chứa chất này. Bên cạnh đó, 9 nghiên cứu khác đã thực hiện, nhưng không tìm thấy mối liên hệ nào giữa thimerosal và chứng tự kỷ. Hơn nữa, các trường hợp chẩn đoán tự kỷ tiếp tục tăng sau khi thimerosal được lấy ra khỏi các vắc-xin cho trẻ em.

Việc kết hợp vắc-xin có thể gây ra chứng tự kỷ không?

Thông thường, trẻ em trên thế giới được tiêm nhiều vắc-xin trong 15 tháng đầu đời. Một số người lo sợ rằng tất cả những mũi chích ngừa vắc-xin được tiêm khi trẻ còn rất nhỏ có thể làm cho trẻ phát triển chứng tự kỷ. Vì vậy, các nghiên cứu đã được tiến hành xem liệu sự kết hợp tất cả các vắc-xin cần thiết cho trẻ trước 2 tuổi có thể kích hoạt chứng tự kỷ hay không. Các nhà nghiên cứu so sánh các nhóm trẻ được chủng ngừa theo lịch trình khuyến cáo và những trẻ chậm chủng ngừa hoặc không được chủng ngừa. Kết quả nghiên cứu cho thấy không có sự khác biệt về tỷ lệ mắc chứng tự kỷ giữa hai nhóm trẻ này.

Sau khi xem xét tất cả các nghiên cứu đã công bố và chưa được công bố về vắc-xin và tự kỷ, Ủy ban Đánh giá an toàn chủng ngừa của Viện Y học Hoa Kỳ sau đó đã công bố một báo cáo về vấn đề này vào năm 2014. Báo cáo với 200 trang đã khẳng định không có bằng chứng chứng minh vắc-xin gây tự kỷ cho trẻ.

Trong một nghiên cứu mới nhất vừa được công bố tháng 4/2019, các bác sĩ Đan Mạch đã nghiên cứu hơn 600.000 trẻ em nước này và không tìm ra mối liên hệ giữa việc tiêm vắc-xin và chứng tự kỷ, đập tan những niềm tin sai lệch kéo dài hơn 2 thập kỷ.

Bất chấp những bằng chứng đó, nhiều bậc phụ huynh vẫn không đưa con mình đi tiêm phòng. Hệ quả là dịch sởi đang trở lại tấn công châu Âu. Năm 2017, Italy là quốc gia có số ca mắc sởi đứng thứ 2 lục địa, với 5.393 trường hợp được báo cáo. Chính sách tiêm chủng và những quy định cứng rắn được xây dựng trong năm 2018 đã giúp số ca mắc sởi ở quốc gia này giảm xuống còn 2.517 ca, nhưng vẫn đứng thứ 5 trong top 10 quốc gia báo cáo số ca mắc sởi nhiều nhất châu Âu.


MINH HOÀNG
Ý kiến của bạn