Sự thật về “thần dược’ tạo nạc

13-04-2012 13:08 | Thời sự
google news

Clenbuterol, ractopamin và salbutamol là ba thành viên trong nhóm các hóa chất sinh học gọi chung là “β -agonist”. Đó là nhóm các hoócmôn tự nhiên, có tác dụng làm giãn phế quản, được dùng làm thuốc chữa bệnh hen suyễn ở người.

Sau khi các phương tiện truyền thông đưa tin phát hiện một lượng lớn chất cấm có tác dụng tạo nạc trên lợn nuôi, giá lợn hơi tại nhiều địa phương liên tiếp giảm. Người tiêu dùng quay lưng với thịt lợn cũng làm cho người chăn nuôi thêm điêu đứng.

Chất cấm được bày bán công khai

Clenbuterol, ractopamin và salbutamol là ba thành viên trong nhóm các hóa chất sinh học gọi chung là “β -agonist”. Đó là nhóm các hoócmôn tự nhiên, có tác dụng làm giãn phế quản, được dùng làm thuốc chữa bệnh hen suyễn ở người. Tác dụng phụ của chúng là kích thích tuyến thượng thận, điều tiết sinh trưởng động vật, thúc đẩy quá trình phát triển cơ bắp, làm tăng lượng thịt nạc và đẩy nhanh việc phân giải mỡ, giảm tối đa lượng mỡ hình thành trong cơ thể, chỉ để lại một lớp rất mỏng. Chất này đã bị cấm sử dụng trong chăn nuôi ở Việt Nam cũng như nhiều nước khác trên thế giới.

 Lợn bị gãy chân do được sử dụng “thần dược”.

Tuy nhiên, hiện nay trên thị trường, các chất tạo nạc được bán công khai tại nhiều của hàng bán thuốc thú y. Đa số không rõ nguồn gốc, không bao bì. Tuy nhiên, nhiều nơi “chất tạo nạc” còn công khai ghi nhãn như HT02, HT04 hoặc T01, sumo, Pig-Moke với chú thích “tác dụng tạo nạc cho lợn, giúp thịt có nạc đỏ, tăng tiết hóc môn tăng trưởng, cải thiện tăng trọng, giảm tiêu tốn thức ăn cho lợn”.

Không những vậy, trên các bao bì còn có hướng dẫn tỉ lệ pha trộn làm thức ăn cho lợn. Theo đó, việc sử dụng thuốc tạo nạc, trữ nước cho lợn ăn rất đơn giản, theo công thức truyền tai nhau bằng 3 cách: Nếu cho lợn ăn bằng cách hòa loãng với cám ăn thẳng thì mỗi thùng loại 20 lít bỏ vào 1 thìa cà phê. Còn pha với thức ăn khô để cho lợn ăn bằng máng tự động thì 1kg pha với 1 tấn cám. Riêng cách hòa với nước cho lợn uống thì 1 thìa cà phê hóa chất pha với 15 lít nước, hoặc 1kg thuốc pha với 2.000 lít nước.

Những người chăn nuôi kiểu này cũng phải tính toán thật kỹ, bởi từ khi bắt đầu sử dụng “thần dược” cho đến khi lợn xuất chuồng sẽ không quá nửa tháng. Vì nếu quá nửa tháng lợn sẽ tự khuỵu chân vì loại thuốc đó sẽ làm cho xương giòn, quá trình di chuyển lợn sẽ tự gãy chân, bán sẽ mất giá nên bằng mọi giá khi đã sử dụng thuốc thì sau nửa tháng buộc phải xuất chuồng. Chưa hết, nếu không xuất chuồng nhanh, không chỉ làm lợn tự gãy chân mà khắp người con lợn sẽ bắt đầu xuất hiện những vết lở rỉ nước… và lợn sẽ chết.

Thông tin về việc phát hiện một lượng lớn chất tạo nạc tại Đồng Nai vừa qua đã làm cho người tiêu dùng hoang mang. Nhiều bà nội trợ đã loại bỏ món thịt lợn ra khỏi thực đơn của gia đình. Thay vào đó là các thực phẩm như thịt bò, thịt gà… Cũng vì thế mà người chăn nuôi chân chính cũng khốn đốn, giá lợn xuống thấp, lái buôn ép giá... là tình trạng phổ biến trong những ngày gần đây.

Sabutamol sẽ có tác hại khi bị lạm dụng

Các thuốc có hoạt chất salbutamol được chỉ định dùng trong điều trị, hỗ trợ điều trị một số bệnh lý. Đối với các bệnh lý đường hô hấp, salbutamol được dùng trong thăm dò chức năng hô hấp; điều trị cơn hen, cơn hen nặng, cơn hen ác tính ngăn cơn co thắt phế quản do gắng sức; điều trị tắc nghẽn đường dẫn khí hồi phục được; điều trị viêm phế quản mạn tính, giãn phế nang. Bên cạnh đó Salbutamol còn được chỉ định dùng trong sản khoa đối với các trường hợp chuyển dạ sớm khi không có biến chứng và xảy ra ở tuần thứ 24 - 33 của thai kỳ, làm chậm thời gian sinh, có tác dụng đối với sự phát triển của phôi thai nhi hoặc có thể chuyển người mẹ đến cơ sở y tế có đơn vị chăm sóc tăng cường trẻ sơ sinh.

Dưới góc độ an toàn thực phẩm, ngành nông nghiệp cấm sử dụng salbutamol trong chăn nuôi nhưng khi người chăn nuôi cố tình lạm dụng chất này với thời lượng kéo dài và không hạn chế về tỷ lệ thì chất này sẽ tích lũy trong thịt. Tuy nhiên người tiêu dùng khi mua các sản phẩm thịt hoàn toàn không biết là thịt đó nhiễm chất cấm nên vẫn vô tư sử dụng. Đặc tính của thực phẩm thường được sử dụng trong thời gian dài, hết ngày này sang ngày khác nên sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe của người tiêu dùng, còn đối với thuốc thì chỉ dùng trong khoảng thời gian nhất định, theo chỉ định của thầy thuốc và có sự khống chế số lượng.

 Cần tuyên truyền để người dân có thể phân biệt thịt lợn siêu nạc và thịt sạch.

Tồn dư lâu dù đã qua

chế biến

Nếu người tiêu dùng ăn phải sản phẩm động vật có tồn dư β-agonist sẽ bị ngộ độc, nặng có thể nguy hiểm đến tính mạng. Các chất kích thích này là những hóa chất có khả năng tồn dư lâu trong cơ thể động vật ngay cả khi đã chế biến, không bị biến đổi khi chế biến ở nhiệt độ cao như rán, nướng, gây ảnh hưởng đến sức khỏe người sử dụng.

Cũng theo các nhà khoa học, salbutamol và clenbutarol được hấp thu dễ dàng qua đường tiêu hóa, vì vậy chất này còn tồn dư trong thịt bao nhiêu thì người sử dụng thịt sẽ hấp thụ bấy nhiêu. Chất này đặc biệt nguy hiểm với phụ nữ mang thai và trẻ em nhỏ.

Nếu ăn thịt tồn dư hóa chất có thể bị tác động tức thời với các triệu ngộ độc như run cơ, tim đập rất nhanh, hồi hộp, thần kinh bị kích thích có thể kéo dài nhiều giờ cho đến nhiều ngày. Rất nguy hiểm cho người có bệnh tim mạch.

Với nhóm chất kích thích trọng lượng lợn còn khiến phụ nữ có nguy cơ mắc ung thư vú và có thể làm rối loạn giới tính đối với thai nhi ở những phụ nữ đang mang thai. Đối với đàn ông có thể bị u nang tinh hoàn, dãn tĩnh mạch dịch hoàn, dung tích, chất lượng tinh dịch thấp, thay đổi hành vi tình dục, một trạng thái bệnh giống như đồng tính, hay các chứng bệnh về thần kinh, dễ chán nản, phiền muộn, suy yếu nhận thức, hại tuyến yên, hại tuyến vú, suy yếu hệ thống kháng thể...

Cần xử lý mạnh tay người chăn nuôi sử dụng chất cấm

Thiệt hại lớn nhất liên quan đến hiện tượng sử dụng chất cấm trong chăn nuôi lợn không phải là người chăn nuôi mà là lòng tin của người tiêu dùng. Do đó, chỉ đến khi lấy lại được lòng tin của người tiêu dùng, ngành chăn nuôi mới có thể khôi phục. Vì vậy, cần có những bản cam kết không sử dụng chất cấm cho cả người chăn nuôi và người bán thức ăn. Nếu phát hiện vi phạm thì sẽ đề xuất xử lý mạnh như đóng cửa, không cho xuất bán. Ngoài ra, cần có hướng dẫn cho người tiêu dùng biết cách phân biệt giữa thịt có chứa chất tạo nạc và thịt sạch. Khi người tiêu dùng tẩy chay thịt có chứa chất tạo nạc thì sẽ không có cơ hội cho những người làm ăn gian dối.  

  Nam Khánh


Ý kiến của bạn