Sự thật về “thần dược” sừng tê giác

12-09-2014 08:00 | Y học cổ truyền
google news

SKĐS - Sừng tê giác là sừng con tê ngưu, nó mọc ở ngoài da khác với những động vật có sừng khác là sừng mọc trong xương.

Sừng tê giác là sừng con tê ngưu, nó mọc ở ngoài da khác với những động vật có sừng khác là sừng mọc trong xương. Sừng tê giác được cấu trúc bằng một tổ chức lông liên kết lại cho nên cưa và mài rất khó, nhưng khi chẻ thì dễ, còn sừng những con vật khác là chất keo phần thừa của cân (gân) khi can (gan) của nó hoạt động, có ý kiến cho rằng sừng tê giác như móng tay móng chân, như tóc của người đó là điều sai lầm. Theo Đông y, móng tay móng chân của người là chỗ thừa của cân (gân) khi can (gan) hoạt động, tóc là chỗ thừa của huyết, cho nên Đông y gọi tóc của người là huyết dư, mặt khác, người là loại động vật cao cấp còn tê giác là loại động vật khác cho nên ví dụ như vậy là không đúng. Cũng như những con vật khác, sừng tê giác trước hết là để bảo vệ bản thân. Ngoài ra còn có tác dụng giải độc cho cơ thể của nó. Theo các tài liệu y học phương Đông, khi tê giác ăn uống phải thức ăn có độc, được đào thải qua da và đào thải ra ngoài theo sừng cho nên hàng ngày nó đi cà sừng vào cây để giải độc và cũng tìm kiếm những cây không có độc nó mới ăn. Theo truyền thuyết của những người đi rừng xưa của Việt Nam, nơi khe suối có dấu chân tê giác xuống uống nước thì không có độc nên người cũng uống được. Tê giác cắm sừng xuống dòng nước không có độc nó mới uống.

Sừng tê giác.

Sừng tê giác.

Đông y dùng sừng tê giác như thế nào? Theo các tài liệu của y học phương Đông, sừng tê giác là một vị thuốc được xếp vào nhóm thuốc “Thanh nhiệt lương huyết”. Sừng tê giác tính hàn, vị đắng khi dùng nó có tác dụng đi vào kinh tâm, can, vị (tim, gan, dạ dày). Nó có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, lương huyết, trấn kinh an thần dùng để điều trị các chứng thuộc ôn bệnh (bệnh do thời tiết sinh ra có tính lây truyền) như sốt cao, hôn mê nói nhảm, co giật, sốt phát ban... Nó có phải thần dược không? Xin trả lời là không. Vì trong nhóm thuốc thanh nhiệt lương huyết có tất cả 17 vị thuốc như ngưu hoàng, sinh địa, huyền sâm, đan bì, xích thược... vừa rẻ lại vừa dễ tìm. Trong Đông y hiện nay hầu như không dùng sừng tê giác để chữa bệnh, vì đắt vừa khó tìm và có nhiều thảo dược khác thay thế rẻ tiền dễ tìm đã trình bày ở phần trên. Cũng xin lưu ý bạn đọc rằng: Sừng tê giác là một vị thuốc chứ không phải là một bài thuốc. Trong y học phương Đông có tất cả khoảng một vạn bảy nghìn bài thuốc chỉ có khoảng 20 bài có thành phần sừng tê giác. Cho nên nếu chỉ uống độc vị sừng tê giác không có ý nghĩa chữa bệnh, nếu có tác dụng chỉ là cá biệt. Hơn nữa, trong Đông y không có bài thuốc nào dùng sừng tê giác độc vị.

Sừng tê giác có chữa được ung thư không? Đông y gọi ung thư là bệnh “nham”, còn ung thư là mụn nhọt. Theo Đông y, bệnh nham do hàn tích lâu ngày mà sinh ra, sừng tê giác là vị thuốc tính hàn nếu dùng điều trị bệnh nham thì hàn gặp hàn nên “tắc tử”, do đó dùng sừng tê giác để điều trị chứng nham là một việc làm sai lầm, có trường hợp nào đó lành là do chẩn đoán bệnh sai mà thôi.

Huyền sâm.

Huyền sâm.

Sừng tê giác có tác dụng bổ dưỡng làm cho người khỏe mạnh hơn không? Tác dụng của sừng tê giác đã nói ở trên: Nó không có tác dụng bổ huyết, bổ khí, bổ âm, bổ dương nên không làm cho con người khỏe ra và cũng không có chuyện uống sừng tê giác để tăng tuổi thọ.

Uống sừng tê giác có làm cho nam giới cường dương để sinh hoạt tình dục được tốt hơn không? Sừng tê giác tính hàn, nó không đi vào kinh thận. Trong Đông y, thận chủ thủy thuộc hàn nếu uống sừng tê giác vào dễ làm tổn thương mệnh môn hỏa của thận, làm giảm tinh khí dễ dẫn đến liệt dương hoặc làm cho âm khí quá mạnh, dương khí không khống chế được âm khí, dễ sinh ra chứng đi tiểu ban đêm nhiều, nhất là đối với người cao tuổi. Xin độc giả đừng nghe lời đồn thổi mà tiền mất tật mang lại vi phạm pháp luật vì tê ngưu hiện nay là động vật hoang dã quý hiếm cần được bảo vệ theo luật pháp Việt Nam và quốc tế.

Hiện nay, trên thị trường Việt Nam khoảng 80% là sừng tê giác giả, có 15 người mang sừng tê giác đến hỏi thì 11 người là sừng tê giác giả gồm: sừng trâu, sừng bò, sừng dê, sừng linh dương họ mài dũa rất đẹp, trông bề ngoài giống sừng tê giác nhưng khi soi ánh sáng vào thì không có đỏ hồng như sừng tê giác. Đây là một đặc điểm mà chỉ có sừng tê giác mới có.

TTND.BS cao cấp Nguyễn Xuân Hướng

 


Ý kiến của bạn