Trước tình hình dịch tiêu chảy cấp do E.Coli nhóm gây xuất huyết đường ruột (EHEC) đang bùng phát tại Đức và lan rộng ra một số nước châu Âu, để giúp bạn đọc có một số thông tin cơ bản về căn bệnh này, TS. Trần Như Dương, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương xin gửi đến độc giả báo Sức khỏe & Đời sống bài viết dưới đây.
Nhóm bệnh do E.Coli gây tiêu chảy xuất huyết đường ruột (EHEC) đã được biết từ năm 1982 khi có các vụ dịch viêm ruột xuất huyết xảy ra ở Mỹ do một típ huyết thanh O157:H7 gây ra mà trước đây chưa hề được xác định là căn nguyên gây bệnh đường tiêu hóa. Một số chủngE.Coli trong nhóm EHEC, trong đó có E.Coli O157:H7 có khả năng tiết ra độc tố Shiga được xếp vào nhóm các vi khuẩn E.Coli sản xuất độc tố Shiga (STEC).
Bệnh tiêu chảy do EHEC gây ra có thể diễn biến từ thể nhẹ, phân không có máu hoặc ít máu đến thể nặng phân toàn máu nhưng không chứa bạch cầu. Nguy hiểm hơn khi nhiễm chủng STEC có thể gây ra hội chứng tan máu suy thận cấp (Haemolytic Uraemic Syndrom: HUS) và các ban đỏ do thiếu tiểu cầu, đây là căn nguyên chính gây tử vong. Bệnh cảnh của hội chứng tan máu suy thận cấp được ghi nhận cả ở người lớn và trẻ em với biểu hiện thiếu máu tan huyết, giảm tiểu cầu và suy thận cấp tính tăng urê huyết, có thể kèm theo các rối loạn thần kinh hoặc sốt. Chủng E.Coli O157:H7 là căn nguyên chủ yếugây ra hội chứng tan máu suy thận cấp trên toàn thế giới. Khoảng 15% trẻ em và một tỷ lệ thấp hơn ở người lớn nhiễm E.Coli O157:H7 tiến triển tới hội chứng này, trong đó 50% số bệnh nhân phải chạy thận và 5% tử vong.
Giá đỗ trồng ở một trang trại thuộc miền Bắc nước Đức bị nhiễm khuẩn E.coli chủng mới. |
E.Coli cư ngụ ở đâu, lây truyền
thế nào?
Gia súc là ổ chứa vi khuẩn quan trọng nhất, đặc biệt là loài ăn cỏ nhai lại như trâu, bò, dê, cừu. Vi khuẩn cư ngụ trong đường ruột của những loài vật này và được đào thải ra môi trường qua phân của chúng. Người cũng có thể coi là ổ chứa vi khuẩn do đóng vai trò trong việc lây truyền người - người.
E.Coli gây bệnh cho người qua đường tiêu hóa: ăn phải thực phẩm bị nhiễm tác nhân gây bệnh như thịt trâu, bò, dê, cừu, sữa bò chưa tiệt khuẩn; rau, quả... (do nhiễm phân của gia súc, người mang mầm bệnh) hoặc do tiếp xúc trực tiếp với súc vật và môi trường nuôi súc vật bị nhiễm bệnh. Vi khuẩn này cũng lây truyền trực tiếp từ người sang người qua đường phân - miệng chủ yếu qua bàn tay, đồ vật nhiễm bẩn với phân của người bệnh. E.Coli còn lây truyền qua đường nước: do tiếp xúc hoặc sử dụng nguồn nước ăn uống, sinh hoạt, nước ở các bể bơi, khu vui chơi giải trí, sông, hồ bị nhiễm tác nhân gây bệnh.
Thời gian ủ bệnh từ 2-10 ngày, trung bình 3-4 ngày. Người lớn bị bệnh đào thải vi khuẩn trong phân khoảng 1 tuần. Trẻ em có thể đào thải mầm bệnh qua phân đến 3 tuần.
Nhận biết bệnh do E.Coli
Triệu chứng lâm sàng của bệnh bao gồm đau quặn bụng và tiêu chảy cấp, phân có thể có máu từ mức độ ít đến nhiều, kèm theo có thể có sốt hoặc nôn. Bệnh kéo dài trong khoảng 10 ngày. Một số trường hợp tiến triển nặng gây hội chứng tan máu suy thận cấp tăng urê huyết, đây là nguyên nhân chính gây tử vong (hay gặp ở trẻ nhỏ và người già).
Chỉ cần một lượng nhỏ vi khuẩn đã có khả năng gây bệnh. Bệnh có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, trong đó trẻ dưới 5 tuổi có tỷ lệ mắc cao nhất và dễ tiến triển tới hội chứng tan huyết suy thận cấp (HUS). Người già cũng có nguy cơ biến chứng cao.
Rửa rau bằng nước sạch để tránh bị nhiễm vi khuẩn E.Coli. |
Các biện pháp phòng ngừa bệnh
do E.Coli
Thực hiện vệ sinh an toàn thực phẩm: Thực hiện ăn chín, uống chín, không ăn các thức ăn nghi ngờ là nguồn lây nhiễm theo khuyến cáo của cơ quan y tế; rửa thật sạch rau, hoa quả, thực phẩm trước khi chế biến, sử dụng. Hạn chế tập trung ăn uống đông người trong vùng đang có dịch.
Sử dụng nước sạch trong ăn uống, sinh hoạt: Đảm bảo sử dụng nước sạch, tốt nhất là nước được khử khuẩn bằng clo theo đúng quy định cho ăn uống, sinh hoạt hằng ngày
Vệ sinh môi trường sống: Đảm bảo tốt vệ sinh môi trường sống hằng ngày: vệ sinh môi trường xung quanh nhà ở, vệ sinh nhà tiêu, thu gom rác, diệt ruồi nhặng. Tuyệt đối không phóng uế bừa bãi và không sử dụng phân tươi dưới mọi hình thức.
Giảm nguy cơ ngộ độc thức ăn do vi khuẩn E.Coli, những lời khuyên về an toàn khi ăn uống. Nguyên nhân của những ca ngộ độc thức ăn là do cất giữ thức ăn ở nhiệt độ không đúng với yêu cầu và do không nấu chín thức ăn. Vì vậy không chỉ làm nhiễm vi khuẩn E.Coli mà còn dẫn đến lan truyền vi khuẩn khác như Salmonella. Những thực phẩm dễ bị nhiễm khuẩn bao gồm thịt gia cầm, gia súc, hải sản, sữa chưa qua thanh khuẩn..., gạo. Để giảm nguy cơ bị ngộ độc thức ăn, bạn nên tuân thủ những hướng dẫn sau: - Luôn rửa tay trước khi chạm vào thức ăn. Không xì mũi cạnh nơi có thức ăn. - Không để thú vật nuôi vào khu vực nhà bếp và bàn ăn khi đang ăn. - Trữ thực phẩm cẩn thận, nhất là trong những tháng hè. Vi khuẩn nhân lên rất nhanh nếu thực phẩm bị nhiễm để quá 30 phút trong điều kiện nhiệt độ ấm. Luôn giữ nhiệt độ trong tủ lạnh từ 0-5oC - Luôn kiểm tra hạn sử dụng của thức ăn. Nếu qúa hạn sử dụng, vứt bỏ thực phẩm đi. Nếu thực phẩm có mùi hoặc không có cảm quan tốt, cũng cần loại bỏ. TS. Nguyễn Vân Trang (Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương) |
TS. TRẦN NHƯ DƯƠNG (Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương)