Sự thật về tác dụng của miếng dán hút độc

11-06-2012 18:07 | Thời sự
google news

Các sản phẩm miếng dán hút độc (MDHĐ) được cho là có khả năng hút độc trong cơ thể người bệnh ra ngoài được quảng cáo lập lờ bằng việc giới thiệu lồng ghép sản phẩm trên cơ sở dẫn ra những nguyên lý Đông, Tây y,

(SKDS) - Các sản phẩm miếng dán hút độc (MDHĐ) được cho là có khả năng hút độc trong cơ thể người bệnh ra ngoài được quảng cáo lập lờ bằng việc giới thiệu lồng ghép sản phẩm trên cơ sở dẫn ra những nguyên lý Đông, Tây y, có vẻ rất khoa học với những khẳng định chắc như đinh đóng cột: “Sau 8 tiếng, mọi độc tố trong cơ thể sẽ được “hút” ra ngoài”. Thực hư của lời quảng cáo này như thế nào?

Cứ có màu là có độc?

 Theo lời quảng bá sản phẩm MDHĐ thì cơ chế thanh lọc chất độc trong cơ thể của các loại miếng dán này rất đơn giản, khi dán MDHĐ vào gan bàn chân, MDHĐ hấp thụ các chất thừa, chất cặn bã có hại trong cơ thể qua các huyệt đạo, tăng cường lưu thông huyết mạch, làm giãn các cơ bắp, giúp cho các dây thần kinh hoạt động mạnh mẽ, giảm mệt mỏi.
 
 Quảng cáo thổi phồng tác dụng của miếng dán hút độc (ảnh lớn); Một sản phẩm miếng dán hút độc lưu hành trái phép trên thị trường (ảnh nhỏ).    Ảnh: Trần Minh
Trong vòng 8 tiếng sau khi dán, các hạt trắng của MDHĐ sẽ chuyển màu, điều đó phản ánh tình trạng sức khỏe không tốt của người sử dụng trước đó và tác dụng tích cực của MDHĐ... Phóng viên gọi điện trực tiếp vào số máy 091269xxxx của một người có tên Ngọc Anh chuyên bán sản phẩm này qua mạng, được giới thiệu khá nhiều về công dụng của MDHĐ.
 
Chị Ngọc Anh còn nói khá chi tiết về loại bệnh qua sự biến đổi màu sắc của các MDHĐ: Nếu có bệnh về gan thì miếng dán chuyển qua màu xanh lá cây; Nếu bệnh về tim và ruột non chuyển qua màu đỏ; Nếu bệnh về lá lách, dạ dày sẽ chuyển qua màu vàng; Bệnh về phổi, ruột già thì chuyển qua màu trắng; Bệnh về thận, bàng quang chuyển qua màu đen...
 
Tuy nhiên, những người trực tiếp sử dụng sản phẩm này lại có phản hồi trái chiều. Chị Nguyễn Thị P. (12/129 Lê Trọng Tấn, Hà Nội) cho biết, cách đây 1 tuần, chị đi chăm sóc da tại một spa trên đường Nguyễn Trãi, được chủ spa này giới thiệu, chị đã mua loại MDHĐ tên là Foret sap được quảng cáo là chữa được bệnh viêm khớp, mất ngủ do Hàn Quốc sản xuất với giá 22.000 đồng/miếng, mỗi đêm dán 2 miếng vào 2 gan bàn chân.
 
Dùng một thời gian,chị P. thấy không những không có tác dụng gì mà còn thấy chân bị ngứa ngáy rất khó chịu nên đã bóc ra. Sau đó, chị không dám mạo hiểm thử dùng lại, tuy nhiên, khi lấy miếng dán chưa sử dụng vứt đi, chị thấy chúng đã chuyển màu đen đen và hơi ướt.

Không thể có khả năng hút độc

“Gan bàn chân, nơi có hơn 60 huyệt đạo thông với 360 huyệt đạo trên cơ thể, được cả nền y học phương Đông lẫn phương Tây nhìn nhận là nơi phản ánh sức khoẻ của con người, nó còn được coi là “trái tim” thứ 2 của cơ thể... Hãy dán để có được một cơ thể khỏe mạnh!” - đó là những nguyên lý “khoa học” được viện dẫn trong quảng cáo MDHD.
 
Tuy nhiên, ngày 8/6, phóng viên báo Sức khỏe&Đời sống trực tiếp trao đổi vấn đề này với GS.TS. Trương Việt Bình - Giám đốc Học viện Y dược học cổ truyền Việt Nam, được biết, việc nói các độc tố trong cơ thể dồn lại các huyệt đạo, huyệt vị ở gan bàn chân là “nói quá”. Việc bấm vào các huyệt đạo, huyệt vị ở lòng bàn chân chỉ có tác dụng nhất định trong trợ giúp, giúp chẩn đoán và hỗ trợ điều trị bệnh vì nó sẽ giúp tác động lên hệ thống dây thần kinh dẫn đến các cơ quan, bộ phận đó và giúp cải thiện tình trạng bệnh.
 
Điều quan trọng là việc bấm huyệt không thể “đẩy” được các độc tố ra ngoài vì “tà khí” trong cơ thể đi qua nhiều đường khác nhau, không tập trung tại một chỗ cố định. Do đó, nói dùng MDHĐ dán vào lòng bàn chân mà hút được các chất độc trong cơ thể là không có thật, không đúng.
 
 Miếng dán được quảng cáo là hút độc có thể mua được dễ dàng với nhiều loại giá. Ảnh: Trần Minh
Theo TTND.BS. Nguyễn Xuân Hướng - nguyên Chủ tịch Hội Đông y Việt Nam, như lời giới thiệu công dụng của MDHĐ khi dán miếng dán này vào giữa lòng bàn chân, nó có chèn vào huyệt dũng tuyền trên đường kinh túc thiếu âm thận. Huyệt này có tác dụng điều trị các chứng bệnh trướng phong, bị suyễn phong chẩn kết nhiệt, ho, sốt, đau hai chân do hàn thấp, chân nhấc không lên...
 
Tuy nhiên, trên huyệt dũng tuyền này chỉ có thể châm và cứu để chữa bệnh, còn dán lên chân thì chưa có bằng chứng nào để chứng minh là có tác dụng hút độc. Ngoài ra, BS. Hướng còn phân tích cho thấy sự vô lý của sản phẩm như trên sản phẩm ghi “Đây không phải là thuốc, không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh”, nhưng đối chiếu với công dụng thì kết quả lại có tác dụng như chữa bệnh; miếng dán không dùng cho người bị dị ứng với tôm, cua, nhưng trong sản phẩm lại không hề có chống chỉ định khi dùng.
 
Bản thân nguyên Chủ tịch Hội Đông y Việt Nam cũng được tặng 1 hộp MDHĐ nhưng cũng không sử dụng vì không tin tưởng vào sản phẩm. Điều đáng nói là mỗi hộp dán có giá lên đến gần 1 triệu đồng và nếu không có công dụng thật thì người tiêu dùng sẽ tiền mất, tật vẫn mang.
 
Cũng theo khuyến cáo của các chuyên gia, trong y học cổ truyền cũng có một số loại cao dán dùng dán hút trực tiếp như dán trên các mụn nhọt nhằm hút dịch ra nhưng hoàn toàn không theo cách như những loại MDHĐ này. Việc dùng các sản phẩm MDHĐ chưa được kiểm nghiệm, kiểm chứng, chưa có sự cấp phép của cơ quan chức năng chuyên môn cần phải rất cẩn trọng.  

 Văn Hậu - Nguyễn Hồng


Ý kiến của bạn