Sự thật về những người cao tuổi nhất thế giới

16-07-2014 00:00 | Dược
google news

SKĐS -“Chiếm 98% các trường hợp tuyên bố trên 115 tuổi là giả mạo”, dẫn lời khẳng định của ông Thomas Perls, giáo sư y khoa và lão hóa tại Trung tâm y tế Boston, ông cũng là giám đốc Nghiên cứu người siêu cao tuổi

Người cao tuổi nhất thế giới

Alexander Imich, người đàn ông cao tuổi nhất thế giới, đã hỏi một người bạn thâm niên của mình: “Cuộc đời dài đằng đẵng này rồi cuối cùng sẽ ra sao?”. Cụ ông 111 tuổi này đã chào đời ở Ba Lan vào cái năm anh em nhà Wright đã thực hiện chuyến bay đầu tiên trên thế giới, đã sống sót trong thời kỳ đày ải tại hệ thống nhà tù tàn bạo dưới thời Xô Viết trước khi di cư sang Hoa Kỳ vào năm 1951, và chỉ mới tháng 4/2014, cụ Imich mới được thông báo rằng mình là người cao tuổi nhất thế giới hiện đang sinh sống. Trong cuộc phỏng vấn tại trụ sở của tờ báo New York Times (New York city), cụ Imich nửa tin nửa ngờ cho biết: “Tôi không nghĩ rằng mình sống lâu đến thế”. Tuy vậy, cụ Imich chỉ giữ danh hiệu này đúng 1 tháng rưỡi sau.

Cụ Imich qua đời vào tháng 6/2014, vị trí lại thuộc về cụ Sakari Momoi, một công dân Nhật Bản tròn 111 tuổi, chào đời chỉ sau cụ Imich đúng 1 ngày, tức là ngày 5/2/1903. “Chắc chắn rồi, không ai thoát ra quy luật đó, nhưng mọi người đang muốn biết về sự trường thọ ở vài cá thể”. Ông L. Stephen Coles - giảng viên của Khoa Sinh hóa và Hóa học tại Đại học California, Los Angeles, đồng thời là đồng sáng lập của Tổ chức nghiên cứu lão khoa (GRG) nói. Kể từ năm 1990, GRG đã thừa nhận về vai trò của những người giữ kỷ lục cao niên nhất thế giới, hay các cá nhân có tuổi thọ hơn 110.

 

Tại thời điểm qua đời vào ngày 9/5/2014, cụ Alexander Imich được công nhận là cao tuổi nhất thế giới, tròn 111 tuổi.

Ông  L. Stephen Coles nêu quan điểm: “Tôi cho rằng những thông tin kiểu này nên được công bố trực tuyến, vì thế ai cũng sẽ biết rõ về nó”. Nhằm lấp đầy nhu cầu này, cách đây 15 năm, ông Coles và các đồng nghiệp của mình đã bắt đầu xuất bản các dữ liệu trực tuyến của mình. Phần lớn sự chú ý rơi vào một danh sách đặc biệt mà họ gọi là “Bảng E”. Bảng E chứa tất cả thông tin về những trường hợp siêu cao tuổi đang còn sống đã được thế giới thừa nhận. Thêm nữa, dữ liệu của GRG còn cung cấp một cái nhìn khoa học sâu sắc vào cuộc đời trường thọ của những người cao tuổi. các tình nguyện viên chuyên gia sẽ tổ chức những buổi phỏng vấn với các trường hợp có tên trong danh sách, thu thập các mẫu máu để phân tích ADN cho những ai đang sẵn sàng. Cuối cùng mục tiêu của GRG là sử dụng các dữ liệu để thiết kế những loại thuốc làm chậm lại bản thân quá trình lão hóa mà nếu thành hiện thực sẽ góp phần kéo dài thêm nữa sự sống. Bảng E hiện đang có 70 trường hợp, phần lớn là nữ giới. Trong đó, cụ bà Misao Okawa sinh năm 1898, hiện đang đứng hàng Top với 116 tuổi. (Kỷ lục về người cao tuổi nhất từ trước tới nay thuộc về cụ bà Jeanne Calment, người Pháp, tạ thế năm 1997, thọ 122 tuổi)

Những người cao tuổi giả danh

Kiếm được một điểm trên Bảng E đòi hỏi mất nhiều công sức hơn là chỉ nhìn thấy những người 110 đang sinh sống. Những người siêu cao tuổi phải chứng minh rằng họ đã vươn tới cột mốc đó. Đây là bởi vì Coles và các đồng nghiệp thường xuyên tiến hành các chuỗi đàm thoại qua điện thoại để kiểm tra tình hình. Ông Coles cho hay có nhiều trường hợp giả mạo tuổi tác. Gần đây, ông nhận được tuyên bố của một người đàn ông Ấn Độ, rằng người này có lẽ tròn 179 tuổi – môt kỳ công thể chất khó tin. Và một trường hợp cũng không kém phần thách thức khi chính phủ Bolivia cấp giấy tờ giả mạo cho một người đàn ông, công nhận ông này tròn 112 tuổi.

“Chiếm 98% các trường hợp tuyên bố trên 115 tuổi là giả mạo”, dẫn lời khẳng định của ông Thomas Perls, giáo sư y khoa và lão hóa tại Trung tâm y tế Boston, ông cũng là giám đốc Nghiên cứu người siêu cao tuổi New England (NECS). Dựa trên một bài nghiên cứu xuất bản về chủ đề này, GS Thomas Perls chỉ ra: “Có tổng cộng 10 lý do chính để khiến vì sao người ta lại làm chuyện này”. Đôi khi động lực chính là tiền. Ví dụ, ở Mỹ, một nhóm người đã thổi phồng tuổi thật của họ nhằm yêu cầu chính phủ bồi thường cho các cựu binh thời Nội chiến, yêu cầu cấp lương hưu cho họ. Ngay cả các quan chức địa phương và cấp quốc gia cũng tự hào về một kiểu “Shangri-La người cao tuổi” tại một địa phương hay vùng nào đó nhằm mục đích thu hút những đồng đô la du lịch. Theo GS Thomas Perls, Trung Quốc và Dominica từng có tiếng xấu về vấn đề này. Một số người còn thổi phồng tuổi thật để khẳng định vị trí tôn giáo và chiêu nạp thêm đệ tử, chẳng hạn như một số Swami ở Ấn Độ, có người tuyên bố họ đã 200 tuổi. Có những trường hợp, một chính phủ hay cộng đồng dân cư muốn chứng tỏ họ là “một chủng tộc siêu đẳng”.

Đơn cử như vào thập niên 1950, Liên Xô tuyên truyền rằng người dân có thể “trường sinh bất lão”. Chính phủ Liên Xô khẳng định đó là sự thật đối với những người đến từ khu vực Caucuses – nơi sinh của nhà độc tài Joseph Stalin – họ thường sống đến 140 hay 150 tuổi. Để đảm chắc chính xác về độ tuổi, theo quy tắc, các ứng viên siêu cao tuổi phải đệ trình ra 2 hoặc 3 loại giấy tờ chứng mình tuổi của họ. Chẳng hạn như giấy khai sinh, hồ sơ rửa tội hay những dấu hiệu trong một cuốn sách. Thứ hai, ông Coles đòi hỏi một tấm ảnh dạng CMND hiện hành được cấp bởi một cơ quan chính phủ. Cuối cùng, người đang sống cùng người chồng hoặc vợ cao tuổi phải trưng ra tên thật của người chồng. Nhưng công tác cũng không kém phần gian nan, bởi một số gia đình chỉ đơn giản là bởi vệ sự riêng tư của họ, vì thế họ không liên hệ với GRG. Trong những trường hợp khác, các nhà khoa học không có khả năng hậu cần để điều tra chân tướng. Mặc dù có tới 40 phóng viên tình nguyện nhưng GRG vẫn thú nhận rằng không sao theo dõi hết những trường hợp người cao tuổi tại các quốc gia trên thế giới.

Chẳng hạn như gần đây ông Coles nhận được một bức thư điện tử ở Austin nói rằng cách đây 2 năm, ông đã gặp một cụ già 108 tuổi tại siêu thị Walmart ở địa phương. Coles cho hay: “Trong email của cụ già, người này giờ là 110 tuổi, vì thế Walmart có thể là địa chỉ để tìm thấy ông ta. Chúng tôi là một tổ chức tình nguyện, vì vậy không tài nào theo dõi chi tiết từng cá nhân như thế”. Cũng có trường hợp người siêu cao tuổi là “chính hãng” song họ lại không thể cung cấp giấy tờ để chứng minh điều này. Trong khi Nhật Bản giữ các hồ sơ sinh xuyên suốt hơn một thế kỷ (họ cũng là quốc gia chiếm lượng người siêu cao tuổi nhiều nhất thế giới) thì nhiều quốc gia khác lại thiếu sót hẳn chuyện này. Ví dụ, Bảng E không ghi về các trường hợp cao tuổi ở Châu Phi. Tương tự như vậy, Trung Quốc chắc chắn có những trường hợp siêu cao tuổi nhưng chính phủ họ lại không theo dõi hồ sơ sinh trước thập niên 1900. Ấn Độ cũng không theo dõi hồ sơ sinh cho đến năm 1903, khi thực dân Anh bắt đầu theo dõi hồ sơ sinh tại quốc gia này, đặc biệt là con trai cả trong các gia đình địa chủ. Vì những sự thật này, ông Coles cho rằng lượng người cao tuổi thế giới có thể tăng gấp đôi so với Bảng E, có lẽ là 150. Cũng như dòng tít về “Người cao tuổi nhất thế giới” cũng có thể không chính xác!

Trường thọ dựa theo di truyền

Giờ thì, chỉ vài người đạt 110 tuổi. “Cứ 7 triệu người sẽ có 1 trường hợp siêu cao tuổi”, ông Coles áng chừng. Người tròn 110 tuổi muốn nhìn thấy ngày sinh nhật lần thứ 111 tuổi của họ xem ra nằm trong tỷ lệ 50-50. Câu hỏi đặt ra ở đây là: Làm thế nào những người tròn 110 và lâu hơn có thể sống thọ hơn? Chúng ta khó mà tìm ra câu trả lời. Những trường hợp siêu cao tuổi đến từ các ngành nghề và vị trí xã hội khác nhau. Một số người quen uống rượu và phì phèo thuốc lá, trong khi số khác lại cạch mặt khỏi tiệc tùng; một số người theo tôn giáo, số khác là Vô thần; một số người giàu có, số khác nghèo túng. Trong khi lượng người siêu cao tuổi sống co cụm ở Sardinia (Italy) và Okinawa (Nhật Bản) thì một số khác lại không liên quan đến các khu vực địa lý cụ thể. Ông Coles nhìn nhận: “Tôi đã phỏng vấn nhiều trường hợp siêu cao tuổi ở khắp nơi trên thế giới, cố gắng tìm ra những gì chung nhất ở họ. Câu trả lời là con số 0”. Cả ông Coles và Perls đều thống nhất ở một điểm chung đó là những trường hợp siêu cao tuổi đều có người thân sống lâu.

 

 L. Stephen Coles vang lên, giảng viên của Khoa Sinh hóa và Hóa học tại Đại học California, Los Angeles, đồng thời là đồng sáng lập của Tổ chức nghiên cứu lão khoa (GRG)

Không giống như sống thọ bình thường, những trường hợp trường thọ ít nhiều đều liên quan đến gene. GS Thomas Perls thốt lên: “Lão hóa, là một đặc điểm không đồng nhất”. Theo giải thích của ông Perls, những thứ như chế độ ăn uống, tập thể dục, lối sống và chăm sóc sức khỏe dường như đóng một vai trò to lớn đối với người cao tuổi trong ngưỡng tuổi 80 của họ, nhưng khi họ đạt tuổi 90 hay lâu hơn, thì những nhân tố trên trở nên ít quan trọng. GS Perls giải thích: “Khoảng 70% tuổi thọ trung bình nằm trong tầm tay bạn, có liên đới tới các hành vi sức khỏe. Nhưng nếu bạn sống quá tuổi 100, thì chiếm đến 70% gene và 30% là các hành vi sức khỏe”. Phụ nữ cũng không phải là ngoại lệ, các trường hợp nữ giới siêu cao tuổi chiếm tỷ lệ 10/1 so với nam giới, mặc dù các nhà khoa học không hiểu ất giáp vì sao có chuyện này. Cụ Bernice Mason tròn 105 tuổi sống ở Downey (California, Mỹ) là một hình mẫu hoàn hảo. Cụ cho biết: “Tôi không nghĩ rằng mình có thể sống thọ đến thế. Trước giờ tôi chưa từng nuôi hy vọng sẽ sống lâu”. Mẹ của cụ Mason đã sống đến 92 tuổi, chị gái của cụ Mason nay tròn 107 tuổi và cụ bà này vẫn đang rất minh mẫn. Cụ Mason mỉm cười khi nói về mình: “Chị em tôi sống cách xa nhau, song chúng tôi thường trò chuyện qua điện thoại. Nói về sự trường thọ của chúng tôi ư? Chỉ có Chúa mới biết!”.

NGUYỄN THANH HẢI (SSM – 3/4/2014)


Ý kiến của bạn