Hà Nội

Sự thật về “đại dịch béo phì”

23-11-2011 08:06 | Thời sự
google news

Với những bằng chứng mới nhất từ các nghiên cứu nghiêm túc về béo phì, nhiều nhà khoa học đang nghi ngờ rằng cái gọi là “đại dịch béo phì”

Với những bằng chứng mới nhất từ các nghiên cứu nghiêm túc về béo phì, nhiều nhà khoa học đang nghi ngờ rằng cái gọi là “đại dịch béo phì” đã bị thổi phồng một cách thái quá và không loại trừ khả năng đây là “màn kịch” của một số công ty dược phẩm trên thế giới.

Béo phì và mảnh mai – Ai khỏe hơn?

Nếu theo như lời của GS. Julie Gerberding - Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh ở Atlanta, Mỹ thì tuy bệnh truyền nhiễm thời Trung cổ đã cướp đi sinh mạng của 1/3 nhân loại lúc bấy giờ nhưng cũng không nguy hiểm như đại dịch phát phì đang gia tăng từ cuối thế kỷ 20 đến nay. Giống như GS. Gerberding, một số nhà khoa học khác còn đưa ra những báo động đáng sợ như: trong thập kỷ tới, cái gọi là “tuổi thọ trung bình hy vọng của nhân loại” sẽ bị rút ngắn tới 5 năm vì lý do thừa cân béo phì. Họ còn đưa ra những phép tính, khẳng định rằng mỗi năm tại Mỹ có tới trên 400.000 người chết sớm vì lý do phát phì!

Trong khi thực tế, người thừa cân không hề có tuổi thọ thấp hơn người gầy - như người ta vẫn tưởng, đó là kết quả công trình điều tra do TS. Steve Blair thuộc Trung tâm Nghiên cứu Cooper ở Dallas thực hiện mới đây đối với 80.000 công dân Mỹ còn cho thấy: những người quá cân nếu có nếp sống tích cực ít đau ốm hơn so với những người gầy sống ít hoạt động. Tất nhiên, lý tưởng nhất vẫn là một trọng lượng cơ thể vừa phải!

 Tỷ lệ người béo phì ngày càng gia tăng.

Mối đe dọa bị thổi phồng

Đã có những cáo buộc đầu tiên cho rằng đằng sau những con số thống kê, những nghiên cứu về căn bệnh béo phì có sự tiếp tay của các hãng dược phẩm và ngành công nghiệp dinh dưỡng khi mà mục đích của họ là thu lợi từ những loại thuốc giảm béo, thực phẩm chức năng, đồ ăn kiêng và các liệu pháp giảm cân đắt tiền. “Sự phát phì đã bị người ta phát triển lên tầm cỡ tư tưởng hơn là thực thể. Còn những quan điểm về đề tài này thì đầy rẫy những lời phóng đại, thậm chí cả trong giới khoa học” - GS. Micheal Gard, tác giả cuốn sách The Obesity Epidemic: Science, Morality and Ideology khẳng định - “Để bán được sản phẩm và dịch vụ, các công ty dược phẩm đã tác động tới giới khoa học, các cơ quan y tế cũng như giới truyền thông nhằm đẩy hàng triệu người khỏe mạnh vào nỗi sợ phải đối mặt một cách không cần thiết với căn bệnh béo phì”. 

Sự thật là cuộc chiến với đại dịch béo phì đã mang lại rất nhiều lợi lộc cho những kẻ kiếm tiền nhờ nó. Chỉ riêng năm 2008, người dân Mỹ đã chi 46 tỷ USD cho điều trị giảm béo. Tại quốc gia này có tới 84% phụ nữ và 70% đàn ông từng thực hiện các giải pháp nhằm loại bỏ trọng lượng dư thừa. Số lượng các ca phẫu thuật cắt bớt dạ dày ngày càng gia tăng. Nếu năm 2005 mới có 36.000 ca thì 4 năm sau đã tăng lên trên 140.000 ca. “Ngày càng có nhiều người mong muốn giảm thiểu chỉ số trọng lượng cơ thể, cho dù khái niệm thừa cân được phán quyết một cách tùy tiện và không dựa trên những cơ sở khoa học chính xác” - GS. Eric Oliver thuộc ĐH Chicago báo động.

Đúng là ở các đô thị lớn thuộc Mỹ và châu Âu, thời gian gần đây có sự gia tăng đáng kể của căn bệnh tăng huyết áp, tiểu đường và tim mạch. Nhiều người đã đổ lỗi cho sự phát phì, rằng đó là những hậu quả tất yếu của việc thừa cân. Sự thật là những căn bệnh kể trên tấn công con người bất kể thiếu mỡ hay thừa mỡ. Theo thống kê của tạp chí chuyên ngành Scientific American, tỷ lệ phát phì trong người Mỹ trưởng thành đã tăng gấp đôi trong 25 năm qua, với trẻ em thậm chí còn tăng gấp 3. Thế nhưng, trái với những dự báo bi quan, trong thời gian đó không hề gia tăng tỷ lệ tử vong vì các bệnh tim, tai biến não hay tiểu đường, huyết áp cao.
 
Ngược lại, số người mắc bệnh tim hay nồng độ cholesterol ở Mỹ liên tục giảm. Bệnh tăng huyết áp chỉ bằng một nửa so với 40 năm trước. Bệnh nhân tiểu đường xuất hiện nhiều hơn, song mức độ liên quan đến gia tăng tỷ lệ tử vong được coi là không đáng kể. Rõ ràng, tác động tiêu cực của đại dịch phát phì không thấy rõ, thậm chí cả trên phạm vi xã hội. GS.Campos cho rằng, dường như tiểu đường và hội chứng rối loạn chuyển hóa mới là thủ phạm dẫn đến thừa cân béo phì chứ không phải ngược lại. Hoặc cũng có thể béo phì là triệu chứng của những rối loạn khác, là hậu quả của những căn bệnh hoàn toàn xa lạ mà hiện chưa được phát hiện ra!

Thế nên, cho đến nay đối với nhiều nhà khoa học và ngành công nghiệp dinh dưỡng thế giới, việc thổi phồng tác hại của đại dịch béo phì vẫn đang là một cơ hội hốt bạc tuyệt vời.

       Duy Anh (Theo Scientific American)


Ý kiến của bạn