Sự thật về chủ giàn khoan Hải Dương - 981 (Kỳ 1)

21-05-2014 13:02 | Quốc tế
google news

Chủ sở hữu của giàn khoan này là Tổng công ty Dầu khí Hải Dương Trung Quốc (CNOOC). CNOOC là ai và mục đích ở Biển Đông của họ là gì?

Ngày 2/5/2014, Trung Quốc đã hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương - 981 (Haiyang Shiyou - 981) trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam. Chủ sở hữu của giàn khoan này là Tổng công ty Dầu khí Hải Dương Trung Quốc (CNOOC). CNOOC là ai và mục đích ở Biển Đông của họ là gì?

Kỳ 1: Công cụ của chính phủ

Tổng công ty Dầu khí Hải Dương (tên tiếng Anh: China National Offshore Oil Corporation, tiếng Trung: Zhōngguó Háiyáng Shíyóu Zǒnggōngsī) là một công ty dầu khí quốc gia lớn ở Trung Quốc. CNOOC là công ty lớn thứ ba sau Tổng công ty dầu khí quốc gia CNPC (công ty mẹ của PetroChina) và Tập đoàn hóa dầu Trung Quốc (Sinopec).

Trụ sở CNOOC ở Bắc Kinh.
Trụ sở CNOOC ở Bắc Kinh.

CNOOC tập trung khai thác, thăm dò dầu thô và khí đốt ngoài khơi Trung Quốc. Đây là một trong 116 công ty nhà nước nằm dưới quyền quản lý của Ủy ban Giám sát và Quản trị Tài sản Nhà nước của Quốc vụ viện (SASAC).

Khi Quốc vụ viện Trung Quốc thực hiện Quy định về hợp tác với các đối tác nước ngoài trong khai thác tài nguyên dầu khí ngoài khơi ngày 30/1/1982, CNOOC đã được trao toàn bộ trách nhiệm và quyền hạn hợp tác với nước ngoài trong lĩnh vực này, trở thành công ty độc quyền trong khai thác dầu khí ngoài khơi.

Đặt trụ sở ở thủ đô Bắc Kinh, CNOOC có tới 98.750 nhân viên và 6 chi nhánh, mỗi chi nhánh lại có nhiều chi nhánh con. Bốn chi nhánh đã niêm yết trên thị trường chứng khoán, trong đó có CNOOC Ltd - công ty nắm những mảng kinh doanh chủ chốt của CNOOC là khai thác và sản xuất dầu ngoài khơi. CNOOC Ltd là chi nhánh lớn nhất trong 6 chi nhánh.

Được nhà nước thành lập tháng 2/1982 với vốn trực tiếp 48 tỷ USD, CNOOC được coi là cánh tay thương mại của chính phủ trong phát triển ngành khai thác dầu ngoài khơi trong lãnh thổ Trung Quốc thông qua liên doanh với nước ngoài. CNOOC độc quyền và có đầy đủ thẩm quyền trong ngành khai thác dầu khí ngoài khơi. Tổng giám đốc đầu tiên của CNOOC là Thứ trưởng Bộ Dầu khí. Về sau, CNOOC được giao cho Bộ Năng lượng quản lý và từ năm 1999, CNOOC cùng CNPC và Sinopec do Quốc vụ viện trực tiếp quản lý.

Giàn khoan Hải Dương - 981.
Giàn khoan Hải Dương - 981.

CNOOC hoạt động rộng khắp từ khoan dầu cho đến dịch vụ tài chính, vươn “vòi” ra khắp năm châu lục để tìm cách thỏa mãn cơn khát dầu. Sản lượng dầu hàng ngày của CNOOC là 909.000 thùng năm 2011.

Theo bài phân tích về các công ty nhà nước Trung Quốc của ông Duajie Chen thuộc Đại học Calgary (Canada), không giống với các doanh nghiệp nhà nước ở phương Tây, CNOOC được thành lập để phục vụ một chính sách, chiến lược của chính phủ Trung Quốc trong ngành dầu khí, đó là “ra ngoài” để kiểm soát tài nguyên toàn cầu vì mục đích an ninh năng lượng quốc gia. Lịch sử 30 năm của CNOOC đã chứng minh rằng công ty này luôn tìm cách thực hiện nhiệm vụ chính phủ giao. Có thể nói CNOOC là một tập đoàn luôn theo đuổi lợi nhuận thông qua độc quyền và phục vụ chính sách của chính phủ trong lĩnh vực dầu khí, trong đó có mục đích tham vọng là bành trướng trên thị trường dầu toàn cầu.

Hiện nay, CNOOC có các phương tiện, kỹ thuật hiện đại có thể thăm dò, khoan dầu ở những vị trí rất sâu ngoài khơi. Giàn khoan Hải Dương - 981 là một tài sản hiện đại có khả năng này.

Hải Dương - 981 là một giàn khoan thế hệ thứ sáu, dài 114 mét, rộng 90 mét, cao 137,8 mét, nặng 31.000 tấn, kích thước sàn bằng cả một sân bóng đá. Giàn khoan có thể hoạt động ngoài khơi ở độ sâu tối đa là 3.000 mét, có thể khoan sâu tới 12.000 mét. CNOOC mất hơn 6 năm và gần 1 tỷ USD để xây dựng giàn khoan này.

Hải Dương - 981 lần đầu vận hành ở Biển Đông ngày 9/5/2012, tại vị trí cách Hong Kong 320 km về phía đông nam, ở độ sâu 1.500 mét. Với giàn khoan này, Trung Quốc đã trở thành nước đầu tiên thăm dò dầu ở vùng nước sâu Biển Đông. Khi giàn khoan mới đi vào hoạt động, Chủ tịch CNOOC Wang Yilin đã gọi giàn khoan nước sâu này là “lãnh thổ quốc gia di động” và là vũ khí chiến lược để thúc đẩy phát triển ngành dầu khí ngoài khơi của Trung Quốc.

Tuy nhiên, một số chuyên gia cho rằng Trung Quốc vẫn còn một chặng đường dài để đi trong lĩnh vực này. Ông Christ Faulkner, Tổng Giám đốc Công ty Dầu khí Breitling, cho biết CNOOC đang tìm cách mua những thứ mà họ còn thiếu.

 

Giàn khoan Hải Dương 981 xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam
Xung quanh việc TQ hạ đặt giàn khoan trái phép tại vùng biển Việt Nam
(cập nhật liên tục)
Diễn biến

 

 

 


Ý kiến của bạn