Loạn vòng tay phong thủy
Chỉ một từ khóa "vòng tay phong thủy", Google đã cho ra đến 23.600.000 kết quả chỉ trong chưa đầy 1 giây. Nhan nhản quảng cáo về vòng tay phong thủy tren mạng đập vào mắt người tìm kiếm.
"Shop vòng tay phong thủy", "vòng tay đá phong thủy", "vòng đeo tay phong thủy theo dụng thần", "vòng hợp mệnh"... là những quảng cáo khiến người dùng hoa mắt, không thể nhận biết đâu là vòng tay phong thủy thực sự. Điều đáng nói, các loại vòng này đều không nói rõ làm bằng đá gì mà chỉ nói chung chung là "đá phong thủy", điều này dễ gây nhầm lẫn, khó hiểu cho người mua.
Giá của các loại vòng này rẻ thì vài trăm ngàn đồng/chiếc, đắt thì có thể lên tới vài chục triệu đồng/chiếc. Trên một trang website có tên "vòng đá phong thủy", những chiếc vòng tay bằng đá về hình thức rất bắt mắt, có giá phổ biến là vài triệu đồng/chiếc, trong đó có những chiếc lên đến 25 triệu đồng. Theo quan sát bắt mắt thường thì đây là những loại đá có đủ màu sắc khác nhau, được đơn vị sản xuất đặt tên theo từng loại. Ví dụ chiếc vòng tay ngọc bích thiên nhiên - sức khỏe - may mắn có giá 25.000.000,
Đa số các trang thương mại điện tử quảng cáo bán vòng phong thủy là theo mệnh. Vòng phong thủy ngoài làm bằng đá còn làm bằng gỗ trầm, hay có khi chỉ làm bằng một sợi chỉ đỏ có gắn viên đá.
Nhiều chủ nhân tài khoản Facebook còn quảng cáo vòng đeo tay phong thủy giúp khách hàng nhanh chóng lên chức nếu bạn đang là nhân viên, bán hàng sẽ "đắt như tôm tươi" nếu bạn là nhân viên bán hàng. Và nếu vợ chồng bạn đang trục trặc, chỉ cần đeo vòng là tình cảm sẽ trở lại thắm thiết, không thể dời xa nhau…
GS.TSKH Phan Trường Thị, Viện trưởng Viện Nghiên cứu đá quý, vàng và trang sức Việt cho rằng, chuyện khoa học và mê tín là hai phạm trù khác nhau, được một số người bán hàng trộn lẫn nhằm mục đích tạo niềm tin cho người mua nhưng giá trị thực của nó thế nào chỉ có người bán là rõ nhất.
"Giống như chuyện có ma hay không có ma? Rất nhiều người tin rằng có ma, nhưng không ai nhìn thấy nó hình dáng ra sao. Chuyện niềm tin của con người cũng vậy. Khoa học không nhạo báng niềm tin, nhưng khoa học dựa trên sự chính xác. Đương nhiên, trong khoa học thì không có chuyện những viên đá mang lại tác dụng thần kỳ như vậy", GS Phan Trường Thị cho biết.
Khẳng định đây là trò lừa mang màu sắc mê tín dị đoan, TS Vũ Thế Khanh, Tổng giám đốc Liên hiệp Khoa học công nghệ tin học ứng dụng UIA cho rằng, chữa bệnh phải dùng thuốc. Cuộc sống luôn là mối quan hệ nhân quả.
Muốn thăng quan tiến chức phải học hành chăm chỉ, trau dồi kiến thức để vươn lên. Muốn có sức khỏe phải ăn uống khoa học, điều độ, vận động lành mạnh. Muốn quan hệ vợ chồng bền vững phải thương yêu, thứ tha, bao dung… Không có bất kỳ một vật phẩm nào có thể tạo ra được những điều kỳ diệu như vậy. Đây chính là mầm mống của mê tín dị đoan mượn danh phong thủy để kinh doanh.
Nhận diện vòng đá chữa bệnh
GS.TSKH Phan Trường Thị cho biết, không có loại đồ trang sức nào có thể đem lại may mắn cho người đeo, nhưng có những loại đá được dùng vào việc chữa bệnh, ổn định tinh thần theo những cơ chế nhất định. Một số loại đá như tuocmalin, topa, thạch anh… có khả năng phát sinh ra một trường điện nhẹ, là các tia âm cực để kích thích cơ thể, ổn định tinh thần.
Các loại đá, khoáng vật này, bản thân chúng phát sinh ra những tia phóng xạ ở liệu cực thấp, như những dòng điện âm cực. Khi được kích thích đúng và các kinh lạc của con người thì sẽ tạo ra sự hưng phấn, vui vẻ, thoải mái. Điều này đã được khoa học chứng minh.
"Không phải loại đá nào cũng dùng làm đá chữa bệnh được. Và dù là đúng loại đá đó nhưng không phải cứ đeo vào người là chữa được bệnh. Việc đeo vòng lúc nào, ở vị trí nào, tác động vào huyệt đạo nào, cần có những kiểm tra y tế trước khi sử dụng chứ không được dùng bừa bãi. Ở một số nước như Đức, họ có bán những chiếc vòng có liều phóng xạ cực thấp, tác động tốt cho sức khỏe, nhưng khi dùng phải có sự giám sát của nhân viên y tế", GS.TSKH Phan Trường Thị cho biết.
Cũng theo GS.TSKH Phan Trường Thị, sở dĩ phải cảnh báo như vậy vì có những loại đá dù có tác dụng, giá trị thật, nhưng nếu chỉ đeo đơn thuần viên đá đó lại không có tác dụng gì. Ví dụ như đá tuocmalin, để có thể tốt cho sức khỏe người ta phải nghiền đá nhỏ, mịn đến dạng nano, sau đó mới chế tác thành đồ trang sức thì nó mới có tác dụng cho sức khỏe. Và những sản phẩm này, phải mua ở những cơ sở nghiên cứu khoa học uy tín, có chứng nhận đảm bảo. Không nên bỏ tiền ra mua những chiếc vòng trang sức vô thưởng vô phạt với hy vọng nó có thể đem lại may mắn.
"Cuộc sống con người, gieo nhân nào gặp quả đấy. Chăm chỉ làm ăn thì sẽ có tiền tích lũy trang trải cuộc sống. Đừng dựa vào bất cứ thế lực siêu nhiên nào để cầu mong những điều không tưởng, bởi nó sẽ không bao giờ trở thành sự thật", TS Vũ Thế Khanh.
Xem thêm video đang được quan tâm:
Sân Bay Tân Sơn Nhất quá tải 2/9, chỉ đáp ứng được 20% nhu cầu đưa đón| SKĐS