Co giật trong lớp học sau khi hút thuốc lá điện tử
Mới đây, trên mạng xã hội xuất hiện nhiều đoạn clip ghi lại hình ảnh hai nam sinh ở trong phòng học, có nhiều biểu hiện bất thường, nghi bị "ngáo đá". Trong hình ghi lại, cảnh nam sinh mặc áo xanh đồng phục của trường nằm nửa người lên bàn, mắt đờ đẫn, không kiểm soát được hành vi. Sự việc xảy ra trước sự chứng kiến của nhiều học sinh khác.
Trung tá Hồ Văn Phương - Trưởng Công an phường Nguyễn Du (TP. Hà Tĩnh) xác nhận, sự việc trên xảy ra tại lớp học Trường Cao đẳng kỹ thuật Việt Đức (Hà Tĩnh) vào cuối tháng 8/2022. Sau khi nhận được tin báo, phường đã làm việc với hai nam sinh trên. Khi dùng que test để thử chất ma túy thì hai nam sinh có kết quả âm tính.
"Các cháu có khai nhận là được bạn cho hút thuốc lá điện tử rồi bị say, gây nên tình trạng ảo giác. Loại thuốc lá này bán trôi nổi trên mạng xã hội, lại không phải là chất cấm, khi hút vào thì những bạn trẻ thần kinh chưa vững sẽ có hiện tượng như trong clip".
Cũng trong thời gian gần đây, hầu như tuần nào Trung tâm Chống độc (BV Bạch Mai) đều tiếp nhận điều trị bệnh nhân bị ngộ độc sau khi sử dụng thuốc lá điện tử như kích thích tăng cường ảo giác, tăng huyết áp, tụt huyết áp, yếu cơ, suy tim, suy thận,…
Thuốc lá điện tử có thể làm tăng nguy cơ ung thư
BS. Nguyễn Trung Nguyên - Giám đốc Trung tâm Chống độc, BV Bạch Mai cho biết, trung tâm cũng vừa mới tiếp nhận nữ bệnh nhân 20 tuổi ở Hà Nội nhập viện trong tình trạng hôn mê sâu, suy tim, tổn thương não lan tỏa tất cả các vị trí, tổn thương gan… Nguyên nhân được xác định do bệnh nhân ngộ độc một chất ma túy thế hệ mới có trong thuốc lá điện tử.
Theo BS. Nguyễn Trung Nguyên, các ca ngộ độc thuốc lá điện tử đã và đang điều trị tại trung tâm đều bị rối loạn tâm thần, ảo giác, suy đa tạng... Đối tượng sử dụng hầu hết là người trẻ, độ tuổi 20 và có những trường hợp là học sinh THPT.
"Tôi cho rằng các ca "ngất xỉu, vật vã, kích thích" sau khi hút thuốc lá điện tử điều trị tại Trung tâm Chống độc (BV Bạch Mai) và nhiều cơ sở y tế trên cả nước đang gặp phải trong thời gian qua phần lớn là do ngộ độc ma túy.
Tuy nhiên, do các chất ma túy tổng hợp hiện nay được pha trộn, làm mới liên tục, thậm chí thay đổi theo sở thích của người dùng nên việc xét nghiệm để tìm ra chất ma túy mới là vô cùng khó khăn. Có lúc các phòng xét nghiệm tiên tiến nhất cũng "bất lực" không tìm được chất lạ gây ngộ độc trong mẫu thuốc lá điện tử mà bệnh nhân dùng".
Theo BS. Nguyễn Trung Nguyên, ngoài một số thuốc lá điện tử quảng cáo là không có nicotin thì hầu hết các loại thuốc điện tử còn lại đều có chất nicotin. Hơn thế nữa, thuốc lá điện tử còn được chế thêm nhiều chất tạo vị, tạo mùi không rõ nguồn gốc, xuất xứ. Những chất này khi bị đốt cháy đều có nguy cơ gây ngộ độc, tổn thương cho các cơ quan nội tạng, làm tăng nguy cơ ung thư cho người hút.
BS. Nguyễn Trung Nguyên khuyến cáo, trên thực tế, việc sử dụng thuốc lá điện tử để "cai nghiện" thuốc lá truyền thống là không có cơ sở. Thuốc lá truyền thống và thuốc lá điện tử đều nguy hại như nhau và cần được loại bỏ dần ra khỏi đời sống.
"Nhà nước cần phải có những biện pháp mạnh mẽ để từng bước hạn chế và tiến tới ngăn cấm thuốc lá điện tử được bán tràn lan trên mạng như hiện nay. Những sự độc hại của thuốc lá điện tử rất khó lường và đang phá hủy sức khỏe, tương lai của nhiều thanh niên".
Theo Quỹ Phòng, chống tác hại của thuốc lá, tại Việt Nam, tính đến năm 2019, có khoảng 2,6% thanh thiếu niên trong độ tuổi từ 13-17 đang sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng.
Xu hướng sử dụng thuốc lá điện tử tại nước ta đang trẻ hóa, đặc biệt ở lứa tuổi thích khám phá, muốn thử những thứ lạ và muốn khẳng định bản thân qua hình ảnh khói thuốc. Trong khi đó, việc tiếp cận với thuốc lá điện tử cũng trở nên dễ dàng, đặt ra thách thức trong kiểm soát cũng như hạn chế những tác hại mà thuốc lá điện tử gây ra cho sức khỏe của thế hệ trẻ.
Tại Hà Nội, nghiên cứu mới đây của Viện Chiến lược và Chính sách y tế, Bộ Y tế cho thấy, tỷ lệ thanh thiếu niên sử dụng thuốc lá điện tử gia tăng, trong đó học sinh lớp 8 - 12 là 8,35%; lớp 10 - 12 là 12,6%; với nữ là 4,8%, nam là 12,4%.