Hà Nội

Sự thật căn bệnh nan y siêu sao võ thuật Lý Liên Kiệt mắc phải

06-03-2020 11:07 | Thông tin dược học
google news

SKĐS - Vừa nam tính lại giỏi võ thuật, nam diễn viên 57 tuổi người Trung Quốc, Lý Liên Kiệt gần đây xuất hiện với dáng vẻ tiều tụy khiến nhiều người không khỏi ngỡ ngàng. ông bị mắc căn bệnh rối loạn tuyến giáp, chính xác hơn là cường giáp.

Vì sao fan hâm mộ ngỡ ngàng?

Đúng lúc đỉnh tài năng và trí tuệ thăng hoa lại là lúc siêu sao võ thuật mắc phải căn bệnh “phụ nữ mắc nhiều hơn nam giới”, khiến ông tiều tụy, già nua, khác hẳn những gì từng thấy trong các phim được khán giả gần xa hâm mộ. Thủ phạm chính là căn bệnh cường giáp (hyperthyroidism) gây ra.

Lý Liên Kiệt (Jet Li, sinh ngày 26/4/1963) hiện mang 3 quốc tịch là Singapore, Mỹ và Trung Quốc, ông không chỉ là diễn viên, võ sĩ mà còn là nhà sản xuất phim ảnh lừng danh, người sáng lập môn phái võ thuật dựa trên nền tảng của Thái cực quyền.

Không giống đàn anh Lý Tiểu Long, Lý Liên Kiệt không có thể trạng tốt cho nghề võ thuật nhưng ông lại được mọi người động viên nên đã thành công. Năm 1974, khi mới 11 tuổi, Lý Liên Kiệt đã giành giải vô địch giải Wushu trẻ toàn Trung Quốc, từ đây ông được mọi người gọi là “thần đồng võ thuật”. Nhờ thành tích này, Lý Liên Kiệt đã nhận được nhiều lời mời đóng phim và quảng cáo, nhưng nghĩ mình chưa đạt tới trình độ nên lại quay về với sư phụ Hồ Bình để học võ.

Tên tuổi Lý Liên Kiệt được dư luận  biết đến sau khi biểu diễn cho tổng thống Mỹ Richard Nixon xem tại Nhà Trắng năm 1974, và được chính tổng thống Nixon mời làm vệ sĩ riêng nhưng ông đã từ chối.

Sự thật căn bệnh nan y siêu sao võ thuật Lý Liên Kiệt mắc phảiLý Liên Kiệt trước và sau khi mắc bệnh

Nhiều năm sau, Lý Liên Kiệt liên tục giật giải quán quân trong các kỳ thi võ thuật, với màn múa thương và kiếm rất đẹp mắt (1975, 1977, 1978).Đến năm 1979, ông đoạt giải thành tựu vàng của Tổng hội võ thuật Trung Quốc khi mới 16 tuổi. Ba năm sau, Lý Liên Kiệt tham gia bộ phim đầu tiên Shaolin Temple (Thiếu Lâm tự), bộ phim làm ngất ngây khán giả hâm mộ phim võ thuật, đưa tên tuổi của ông vào hàng ngôi sao mới của điện ảnh Trung Hoa, bắt đầu có ảnh hưởng đến khán giả ở Đông Nam Á, Nhật Bản và Mỹ. Từ đây, Lý Liên Kiệt  cho ra đời hàng chục bộ phim nổi tiếng, được khán giả thế giới, trong đó có khán giả Việt Nam biết đến như Thiếu Lâm tự (1982), Vua mạo hiểm (1996), Cuộc chiến khốc liệt (2007), Xác ướp 3: Lăng mộ Tần Vương (2008), Công Thủ Đạo (2027)... Lý Liên Kiệt được yêu thích không phải nhờ khả năng diễn xuất mà là các thế võ đẹp, lạ và mạnh đúng chất Thiếu Lâm.Vào năm 2017, Lý Liên Kiệt đã giới thiệu tới công chúng môn võ Công Thủ Đạo với tư cách là người sáng lập dựa trên nền tảng của Thái cực quyền.

Bệnh tật khiến nhiều dự án của Lý Liên Kiệt phải giãn tiến độ

Cường giáp, rào cản ngáng chân Lý Liên Kiệt

Tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP) của Hongkong số cuối tháng 5/2018 đăng bài viết tựa đề Jet Li and hyperthyroidism: what you should know about the illness haunting martial arts superstar (tạm dịch: Lý Liên Kiệt và cường giáp: những điều nên biết về căn bệnh ám ảnh ngôi sao võ thuật này), bài viết ra đời  nhân Ngày Tuyến giáp Thế giới (25/5), đề cập tới căn bệnh mà nam tài tử này mắc phải khiến ông tiều tụy, xuống sắc khiến dư luận bàng hoàng. Theo bài viết, Lý Liên Kiệt không phải là người nổi tiếng duy nhất mắc bệnh tuyến giáp mà nhiều người nổi tiếng khác như Oprah Winfrey, Gigi Hadid, Missy Elliott, Rod Stewart và cả tổng thống Mỹ George Bush cũng bị bệnh bệnh này...

Lý Liên Kiệt phát hiện mắc bệnh cường giáp từ năm 2010, sau đó phải hạn chế đóng phim để chữa bệnh. Ngoài ra, ông còn phải chịu đựng rất nhiều vấn đề khác về sức khỏe, giảm trên 7 ký, chấn thương mắt cá chân, gãy mũi, gãy xương cổ tay, đau cột sống, có lúc nhịp tim lên tới 130 lần/phút dù đang ngồi.

Do sức khỏe suy giảm nên Lý Liên Kiệt tuy còn đang trong thời kỳ hoàng kim, nhưng nhiều dự án mới buộc phải dừng lại, và chính ông cũng phải  tiếc nuối vì không thực hiện được niềm đam mê võ thuật đến cùng. “Tôi không phải Hoắc Nguyên Giáp, không phải Hoàng Phi Hồng, càng không phải anh hùng, tôi cũng như tất cả các bạn, là một người bình thường, cũng sinh - lão - bệnh - tử, phải đối mặt với bệnh tật, e rằng,  một ngày nào đó không thể tiếp tục công việc được nữa”, nam diễn viên chia sẻ trong một buổi phỏng vấn cùng báo giới gần đây.

Vì sao bệnh tuyến giáp lại khiến con người suy kiệt?

Theo các chuyên gia ở Hiệp hội Tuyến giáp Mỹ (ATA), nơi cùng với Hiệp hội Tuyến giáp châu Âu (ETA) thiết lập ra Ngày Tuyến giáp Thế giới (25/5/2008), 60% những người mắc bệnh tuyến giáp ở Mỹ không hề hay biết về tình trạng bệnh họ mắc phải. Bệnh được gọi chung là rối loạn tuyến giáp, gồm các bệnh lý ảnh hưởng đến tuyến giáp, một tuyến hình cánh bướm trong cổ, nó có vai trò quan trọng điều hòa nhiều quá trình trao đổi chất trong cơ thể. Nhóm  bệnh này khác nhau ảnh hưởng đến cả cấu trúc lẫn chức năng của tuyến giáp. Chức năng tuyến giáp được điều chỉnh bởi cơ chế phản hồi ngược liên quan đến não bộ.Khi nồng độ hormone tuyến giáp giảm thấp, vùng hạ đồi sẽ tạo ra hormone kích thích tuyến yên (nằm ở đáy não) để giải phóng hormone kích thích tuyến giáp (TSH).

“Bình ổn” hormone tuyến giáp là mục tiêu quan trọng trong việc điều trị bệnh cường giáp

Vì tuyến giáp được kiểm soát bởi tuyến yên và vùng hạ đồi, nên các rối loạn của những mô này cũng có thể ảnh hưởng đến chức năng tuyến giáp và gây ra các vấn đề về tuyến giáp. Bệnh lý tuyến giáp bao gồm suy giáp, cường giáp, bướu giáp, hạt giáp và ung thư tuyến giáp... Theo nghiên cứu của Đại học Y khoa Trung Quốc hoàn thành 2010, bệnh cường giáp làm tăng tốc độ trao đổi chất của cơ thể và có thể dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng nếu không được điều trị, như suy tim và loãng xương. Bệnh ảnh hưởng đến khoảng 1% dân số toàn cầu và 1,6% dân số thành thị Trung Quốc.

Nhiều người cho rằng suy giáp và cường giáp là hai anh em sinh đôi vì chúng có những điểm tương đồng.Suy giáp là tình trạng tuyến giáp hoạt động kém hiệu quả, dẫn đến thiếu hụt hormone tuyến giáp.Thiếu hụt i-ốt là một trong những nguyên nhân phổ biến nhất của suy giáp.Suy giáp phổ biến ở phụ nữ hơn nam giới, đặc biệt là ở đối tượng trên 60 tuổi.Tại Việt Nam, hiện có khoảng 10% phụ nữ mắc bệnh lý tuyến giáp, trong đó có cường giáp.

Cường giáp là tình trạng tuyến giáp hoạt động quá mức, tạo ra quá nhiều hormone trong cơ thể. Khoảng 60 - 80% trường hợp cường giáp ở Mỹ là do bệnh Grave (hay  Basedow hoặc Parry) gây ra. Các nguyên nhân khác bao gồm bướu cổ đa bào, u tuyến tính độc, viêm tuyến giáp và dư thừa i-ốt trong chế độ ăn uống hàng ngày.

Các dấu hiệu của cường giáp như run tay, buồn nôn, nhịp tim nhanh, mệt mỏi, không dung nạp nhiệt, tăng nhu động ruột, tăng tiết mồ hôi, các vấn đề về sự tập trung, giảm cân không chủ ý.

Sự thật căn bệnh nan y siêu sao võ thuật Lý Liên Kiệt mắc phảiCường giáp, căn bệnh Lý Liên Kiệt hiện đang mắc phải

Bệnh cường giáp chẩn đoán, chữa trị thế nào?

Theo tạp chí y khoa trực tuyến Healthline (HLC) của Mỹ, cường giáp có thế gây ra những biến chứng nguy hiểm như cơn bão giáp cấp hay các biến chứng lên tim. Trong đó, bão giáp dễ xảy ra ở bệnh nhân nặng hoặc người không được điều trị, có thể gây trụy tim mạch. Nghiêm trọng hơn, các biến chứng về tim thường xảy ra ở bệnh nhân điều trị muộn hoặc điều trị không đầy đủ, gây rối loạn nhịp tim, loạn nhịp hoàn toàn có thể dẫn đến tình trạng lấp mạch não gây liệt nửa người hoặc suy tim toàn bộ, nặng có thể gây tử vong.

Trước tiên khi chẩn đoán, bác sĩ cần biết về tiền sử y tế đầy đủ và khám thực thể, bởi cường giáp có các triệu chứng dễ nhận biết như giảm cân, mạch nhanh, huyết áp tăng, mắt lồi, tuyến giáp mở rộng. Các xét nghiệm khác  cần làm bao gồm xét nghiệm cholesterol (mỡ máu), nếu cholesterol thấp có thể là dấu hiệu của tốc độ trao đổi chất tăng cao, trong đó cơ thể bạn đang đốt cháy cholesterol nhanh chóng. Xét nghiệm triglyceride; đây là chất béo trung tính và cũng giống như cholesterol thấp, triglyceride thấp có thể là dấu hiệu của tỷ lệ trao đổi chất tăng cao.Xét nghiệm đo lượng hormone tuyến giáp (T4 và T3) trong máu, xét nghiệm mức độ kích thích tuyến giáp, đặc biệt là hormone kích thích tuyến giáp (TSH), hormone tuyến yên kích thích tuyến giáp sản xuất hormone.Khi nồng độ hormone tuyến giáp bình thường hoặc cao, TSH sẽ giảm thấp, nếu TSH thấp bất thường có thể là dấu hiệu đầu tiên của cường giáp. Ngoài các xét nghiệm trên, bác sĩ sẽ tiến hành Scan tuyến giáp (CT hoặc MRI), siêu âm để biết tình trạng tuyến giáp, hoặc phát hiện khối u tuyến yên...

Cách điều trị cường giáp là dùng thuốc antithyroid, đây là phương pháp điều trị phổ biến, chẳng hạn như methimazole (Tapazole)... để ngăn chặn tuyến giáp sản xuất hormone.  Tiếp đến là dùng phóng xạ i-ốt; tại Mỹ phương pháp này phát huy hiệu quả cao, có hơn 70% bệnh nhân cường giáp ở Mỹ dùng phương pháp này. Các tác dụng phụ thường gặp bao gồm khô miệng, khô mắt, đau họng và thay đổi khẩu vị. Các biện pháp phòng ngừa có thể cần được thực hiện trong một thời gian ngắn sau khi điều trị để ngăn chặn bức xạ lan sang người khác.

Tiếp đến là phẫu thuật; có thể phẫu thuật cắt bỏ một phần hoặc tất cả các tuyến giáp, sau đó, phải bổ sung hormone tuyến giáp để ngăn ngừa suy giáp, xảy ra khi tuyến giáp hoạt động kém, tiết ra quá ít hormone. Ngoài ra, các thuốc chẹn beta như propranolol có thể giúp kiểm soát mạch nhanh, đổ mồ hôi, lo lắng và huyết áp cao.Hầu hết mọi người đáp ứng tốt với điều trị này.

Áp dụng chế độ ăn uống hợp lý, tập trung vào canxi và natri có tác dụng ngăn ngừa bệnh cường giáp.Bác sĩ có thể khuyến cáo liều vitamin D và canxi cụ thể mỗi ngày, nếu bệnh tái phát có thể tiếp tục dùng lại thuốc kháng giáp hay phóng xạ, hoặc xem xét việc điều trị ngoại khoa (phẫu thuật). Mọi vấn đề liên quan đến điều trị cường giáp cần phải tuân thủ theo đúng phác đồ điều trị của bác sĩ.


KHẮC NAM
Ý kiến của bạn