Sự sống hồi sinh sau những cuộc gặp gỡ định mệnh

30-11-2018 07:52 | Y học 360
google news

SKĐS - Cuộc sống là hữu hạn, trên chặng đường cuộc sống của mỗi người không ai có thể hình dung được mình sẽ gặp ai hay gặp những biến cố gì trong cuộc đời. Có những cuộc gặp gỡ như là “định mệnh” đưa những con người xa lạ vốn chẳng quen nhau, giờ lại kết nối với nhau nhờ phần cơ thể của những người ruột thịt.

“Tôi muốn trở thành con của gia đình người hiến tạng”

Bệnh nhân Trần Tuấn, người đầu tiên được ghép tim xuyên Việt, hồi phục sau 6 tháng ghép tim từ người cho chết não chia sẻ về cảm xúc sau khi gặp gia đình người hiến tạng


Đây là tâm sự của anh Trần Tuấn (Thừa Thiên Huế) – bệnh nhân ghép tim xuyên Việt đầu tiên tại Việt Nam.  Anh cho biết, kể từ ca ghép tim ngày 16/5/2018, anh  cảm thấy hạnh phúc và biết ơn vô cùng người đã hiến tặng anh trái tim, trao cho anh cơ hội được sống thêm lần nữa.

Nhớ lại thời điểm cách đây 6 tháng, anh Tuấn cho biết, anh bị suy tim giai đoạn cuối vì bệnh cơ tim giãn.  Khi nhận được thông tin phù hợp với người hiến tạng anh cảm thấy rất may mắn. Ca phẫu thuật đã thành công và đến hôm nay anh tới tham dự buổi gặp gỡ giữa gia đình người hiến tạng – những người đã ở bên kia nỗi đau, với những bệnh nhân may mắn thoát án tử nhờ những phần cơ thể của người hiến. Cuộc gặp gỡ chan đầy nước mắt của cả người cho và người nhận tạng hiến.

Chị Hằng và anh Tuấn lần đầu tiên gặp nhau sau ca ghép tim

Anh Tuấn cho biết, 6 tháng nay bằng mọi cách anh đã tìm địa chỉ của gia đình đã trao sự cho anh cơ hội được sống thêm lần nữa  nhưng không thành công, bởi trước ca phẫu thuật, người hiến và người được ghép tạng hoàn toàn không biết nhau.  “Hôm nay chính là cơ hội để gia đình chúng tôi gặp gỡ, trao đổi thông tin và nếu gia đình họ đồng ý, tôi muốn làm con của gia đình đấy” anh Tuấn nói.

Chị Nguyễn Thị Thu Hằng (Hùng Dũng, Hưng Hà, Thái Bình) đã bật khóc khi nghe kể lại câu chuyện của người đang lưu giữ quả tim của chồng mình- anh Tuấn.  Chị Hằng là vợ anh Nguyễn Ngọc Khiêm, người đã mất đi khi mới 30 tuổi. Chị cho biết, mới đó đã 6 tháng trôi qua, ngày anh đột ngột ra đi, bác sĩ cho biết anh rơi vào tình trạng chết não. Khi được các bác sĩ thuyết phục hiến tạng của chồng để cứu người khác, sau một hồi đắn đo, chị đã gật đầu đồng ý.  Tuy nhiên quyết định này là quá lớn với người phụ nữ trẻ mới 27 tuổi, chị đã gọi điện hỏi ý kiến mẹ chồng.  Với ý nghĩ người thân của mình đã ra đi, nếu không hiến tạng cơ thể anh sẽ hóa cát bụi, gia đình chị Hằng còn tâm niệm hiến tạng là để đức cho con, nên hai người phụ nữ một già một trẻ ấy đã cùng đi đến quyết định rất khó khăn, hiến các bộ phận cơ thể của con, chồng mình để cứu người khác.

Chị Hằng trào dâng niềm xúc động khi nghe tâm sự của người đang mang trái tim của chồng chị

Chị Hằng tâm sự, nhìn thấy chú Tuấn khỏe mạnh chị cảm thấy rất vui, hai chú cháu đã hẹn ngày gặp nhau tại quê nhà, thắp nén hương cho anh Khiêm. “Nếu chú có nhã ý, hai gia đình đi lại cho tình cảm. Chúng em cũng muốn coi chú Tuấn như người cha, người chú vì chú ấy giúp gia đình em giữ và nuôi dưỡng trái tim của chồng em”, Hằng rơm rớm nước mắt  nói.

Hằng cho biết, từ ngày chồng mất, bố mẹ chồng chuyển về sống chung đỡ đần Hằng nuôi hai con nhỏ và công việc trong nhà. Nhưng đồng lương công nhân eo hẹp, một mình Hằng phải nuôi  5 miệng ăn nên cuộc sống gia đình  rất khó khăn, nhưng em bảo cứ “đến đâu hay đến đấy”.

Cuộc hội ngộ của chị Hằng và anh Tuấn dù chỉ diễn ra trong phút chốc nhưng 2 con người ấy đã quyết định kết nối với nhau bởi những ân tình không thể đo đếm được. Anh Tuấn cho biết, sau này anh sẽ về Thái Bình thắp hương cho anh Khiêm, và nếu được sẽ xin chia sẻ khó khăn với gia đình Hằng.

Tôi khâm phục sự tài giỏi của những bác sĩ đã phẫu thuật ghép giác mạc cho tôi và biết ơn bác sĩ – người đã tặng tôi con mắt sáng


Đến dự buổi gặp gỡ này, bà  Lê Thị Trâm (52 tuổi) ở Đọ Xá, Thanh Châu, Hà Nam không khỏi xúc động. Bà kể, tôi bị mắc bệnh sẹo đục giác mạc từ năm 20 tuổi, bệnh  khiến thị lực của tôi  suy giảm,  ngay cả việc đi lại cũng  khó khăn vì tôi không nhìn thấy. Bác sĩ ở Bệnh viện Mắt Trung ương cho tôi biết,  ghép giác mạc là biện pháp cuối cùng để giúp tôi có cuộc sống bình thường.  Vào năm 2009, tôi may mắn được ghép giác mạc mắt phải để tạm thời nhìn thấy trước. Sau đó tôi đã đăng ký để được vào danh sách chờ nhận giác mạc tại Ngân hàng mắt.

Bệnh nhân Lê Thị Trâm đã nhìn thấy rõ sau 2 ca ghép giác mạc

“Tôi thật không có hy vọng gì để được nhận giác mạc, bởi có được 1 con mắt đã là món quà quý giá của đời người bởi  hiện còn rất nhiều người cũng bị bệnh như tôi hoặc nặng hơn mà vẫn phải chờ để được ghép giác mạc. Nhưng may mắn đã đến với tôi vào năm 2016” – bà Trâm bồi hồi nhớ lại. Bà rất bất ngờ khi nhận được điện thoại từ  Ngân hàng mắt thông báo, bà  được chọn để nhận giác mạc của một người hiến tặng.

Bà Trâm cho biết, thời điểm đó bà không hề  biết ai là người đã tặng cho bà  “món quà vô giá” này, nhưng bà cảm thấy rất biết ơn họ. Sau khi mổ ghép giác mạc mắt trái xong bà nhìn mọi vật rất rõ, đến giờ bà vẫn không thể diễn tả nổi niềm vui lúc đó của mình.   Mãi tới năm 2017, bệnh nhân Trâm mới được biết giác mạc bên trái của bà là của một bác sĩ hiến tặng, bà càng cảm động hơn. Đó chính là người bác sĩ đầu tiên hiến tặng giác mạc cho y học. Bà kể: “Tôi đã gặp bác sĩ Tùng, con của bác sĩ Thoa - người đã hiến giác mạc cho tôi.  Bác sĩ Tùng hiện cũng đang công tác tại Bệnh viện Mắt Trung ương và tôi  đã  gửi lời tri ân sâu sắc nhất đến gia đình bác sĩ.

Bà Trâm cảm kích nói: “Tôi cảm nhận được tình người qua những hành động như vậy, đặc biệt là với các bác sĩ. Tôi cảm thấy khâm phục sự tài giỏi và  biết ơn họ, những  bác sĩ đã  ghép giác mạc  cho tôi. Tôi trân trọng và cảm ơn người bác sĩ đã cho tôi giác mạc”.

Dù rằng tình thân là mãi mãi, nhưng  không phải ai cũng có thể  có được những nghĩa cử cao đẹp như  của  chị Hằng, bác sĩ Thoa,… để những bệnh nhân như anh Tuấn, bà Trâm được trao thêm một cơ hội, trở về đoàn tụ với gia đình nhờ những món quà cuộc sống vô giá.


Hải Yến
Ý kiến của bạn