Sự phục hồi của phi công Anh- biểu tượng cho thành công của Việt Nam trong phòng chống đại dịch

13-07-2020 11:41 | Quốc tế
google news

SKĐS - Ngay khi bệnh nhân COVID-19 nặng nhất Việt Nam là phi công người Anh được đưa về quê nhà theo nguyện vọng, truyền thông quốc tế đã có hàng loạt bài viết ca ngợi thành công của Việt Nam. Phi công người Anh gửi lời cảm ơn tới bác sĩ và đất nước Việt Nam đã cứu mạng ông, đồng thời nhắn gửi “Ngay khi tôi khỏe, tôi sẽ trở lại. Tôi vẫn là một phi công, chỉ có điều giấy phép của tôi đã hết hạn”.

Phi công 43 tuổi người Anh, Stephen Cameron là bệnh nhân COVID-19  nặng nhất ở Việt Nam. Anh đã trải qua 115 ngày điều trị, với 2 tháng phải điều trị ECMO. Đã có lúc phổi của bệnh nhân chỉ còn 10%, khả năng sống rất thấp. Vậy mà, ngày 12/7,  phi công người Anh đã về tới quê hương.

Theo Reuters,  Stephen Cameron là một phi công của hãng hàng không quốc gia Vietnam Airlines, thực hiện chuyến bay đầu tiên của mình tới Việt Nam vào đầu tháng 3, nhưng đã phải nhập viện 3 ngày sau đó. Anh  đã nhận được sự quan tâm của cộng đồng. Viên phi công đã may mắn khi tới với Việt Nam, nơi có các biện pháp chống dịch cũng như kiểm soát dịch bệnh COVID-19 hiệu quả, khiến cho quốc gia này có được số người mắc bệnh “thấp ấn tượng” -  với 370 trường hợp mắc bệnh và không có trường hợp tử vong.

Phi công người Anh rời Bệnh viện về nhà  Ảnh AP

Việc điều trị thành công cho phi công Cameron nhờ  những nỗ lực không ngừng nghỉ của các bác sĩ người Việt Nam, và sự ủng hộ của đông đảo người dân. Đã có lúc, anh lâm vào tình trạng nguy kịch, dung tích phổi chỉ còn 10%, nhưng có cả chục người dân tình nguyện hiến phổi cứu bệnh nhân, trong đó có cả một cựu quân nhân 70 tuổi- Reuters viết.  Thậm chí, Việt Nam còn nhập khẩu thuốc từ nước ngoài để điều trị cho bệnh nhân.

Với sự chăm sóc và điều  trị của các y bác sĩ, viên phi công đã hồi phục thần kỳ, và không cần phải ghép phổi,   anh  trở thành một biểu tượng về thành công của  Việt Nam trong cuộc chiến với dịch bệnh COVID-19.

Phi công  Cameron nói: “ Ngay sau khi tôi khỏe lại, tôi sẽ quay trở lại…  Tôi vẫn là một phi công - giấy phép của tôi chỉ hết hạn, thế thôi”.

Tờ Guardian của Anh thì  viết,   phi công Anh trải qua hơn 2 tháng sử dụng máy trợ thở tại Việt Nam sau khi mắc COVID-19 đã được xuất viện và về tới Anh. Tờ báo dẫn nguyên lời cảm ơn của viên phi công này khi rời Bệnh viện Chợ Rẫy – cơ sở y tế sau cùng điều trị cho bệnh nhân: "Tôi rất xúc động trước sự hào phóng của nhân dân Việt Nam, sự tận tụy và chuyên nghiệp của các bác sĩ và y tá... tôi chỉ có thể nói lời cảm ơn đến tất cả mọi người ở đây vì những gì mọi người đã làm cho tôi".

Tờ Daily Mail ca ngợi Việt Nam rằng, dù là nước có đường biên giới với Trung Quốc, song đã giữ không có ca COVID-19 tử vong và chỉ có hơn 300 ca mắc từ khi dịch bùng phát điến nay.

Hãng thông tấn AP dẫn lời bác sĩ Trần Thanh Linh, Phó trưởng khoa Hồi sức tích cực tại Bệnh viện Chợ Rẫy, việc hồi phục của phi công người Anh giống như một chuyến bay rất dài, tuy nhiên, anh ấy đã làm được điều đó. Tất cả các nhân viên y tế đều tràn ngập niềm vui khi thấy anh ấy bình phục hoàn toàn và được xuất viện.

Viên phi công người Anh được trở về trên một trong những chiếc máy bay Boeing 787 - cùng loại với  máy bay anh  từng lái khi còn làm phi công. AP dẫn lời ông Lưu Hoàng Minh, phó trưởng phi hành đoàn cho biết, phi hành doàn muốn làm cho đồng nghiệp của mình cảm thấy hạnh phúc, như  cảm thấy trở về ngôi nhà thứ hai của mình trên máy bay. Trên suốt chặng đường về quê hương là một đêm dài, nhưng người phi công ấy sẽ cảm thấy đồng nghiệp của mình  trên chuyến bay. “Anh ấy sẽ cảm thấy mình như là một phi công một lần nữa”, ông Minh nói.

Bên cạnh đó, nhiều hãng truyền thông lớn của Mỹ cũng đưa tin về sự kiện này. Từ USA Today, New York Times … đều đánh giá cao các biện pháp phòng ngừa đại dịch COVID-19 tại Việt Nam. Bài viết khẳng định,  nỗ lực của đội ngũ y bác sĩ trong điều trị bệnh nhân số 91 đã trở thành một biểu tượng cho thành công của Việt Nam trong cuộc chiến chống dịch COVID-19 và được thế giới ngưỡng mộ.


Hải Yến
Ý kiến của bạn