Tôi muốn bắt chuyện anh mà không có cách nào. Tôi cười bắt tay anh nhưng anh chỉ ngồi khoanh chân trên giường. Rồi tôi nghĩ thầm: Ông này kẻ cả. Ít ra cũng phải ra chào mình một câu vồn vã chứ. Bác Nguyễn Đình Sơn, chủ hội thơ nói với tôi: Đấy là ông chủ ngôi nhà cổ này và cũng là người tài trợ chính cho sự kiện thơ hôm nay. Tôi hỏi bác Đỗ Bến, hội thơ Cát Hải: Ông này thế nào. Bác Đỗ Bến nói một câu, tỏ ý tôn trọng: Con người ấy đáng thán phục về nghị lực. Cuộc đời anh là một thiên tình sử. Hãy để từ từ tôi sẽ nói. Bác Đỗ Bến nói thế làm tôi tò mò. Giải lao, nhà thơ Nguyễn Thị Ngọc Hà hỏi anh ta: Nghe nói anh khuyết tật. Anh bị thương ở mặt trận nào? Anh ta trả lời: Tôi bị tật nguyền từ bé. Nghe thế càng gợi trí tò mò cho tôi. Cơm tối xong, tôi gặp anh ta và xin được nói chuyện. Anh tên Nguyễn Sin, sinh năm 1948, tại Cát Hải. Anh đã 72, thế mà tôi cứ đoán 65. Một người yêu thơ và hay làm thơ. Nguyễn Sin kể: Ông bố tôi là một ông chủ làm nước mắm đã hàng trăm năm rồi. Ông là một trong những người giàu có bậc nhất ở Cát Hải từ nghề làm nước mắm, chỉ sau hãng Vạn Vân và Ba Sao. Thương hiệu Ông Sao chính là hãng làm nước mắm của bố tôi. Dân Cát Hải lạ gì tên ông bố tôi và cái thương hiệu nổi tiếng không kém Vạn Vân. Cái nhà này này, anh xem. Nhà cổ đấy, đã hơn 100 năm. Vòm mái gotic, cửa ra vào cong theo lối Pháp. Bây giờ chỉ mỗi nhà tôi là còn cái nhà cổ. Chính vì cái nhà này mà tôi sống dở chết dở. Sau 1954, gia đình tôi bị quy là tư sản. Con cái không được đi học, chúng tôi không được tham gia hoạt động xã hội. Khổ lắm!
4 chữ vàng vua ban trong ngôi nhà cổ ở đảo Cát Hải, Cát Bà, Hải Phòng.
Nhà tôi đến tôi là 5 đời lập nghiệp ở Cát Hải. Gốc là ở Thái Bình ra. Trước khi lập nghiệp làm nước mắm, cụ tôi đã học hành đầy đủ chữ Nho. Khi chữ Nho mạt vận thì cụ mới chuyển Tây học. Cụ học theo Tây rất nhanh mới có căn nhà kiểu Tây này. Cụ lại có tài xem số nữa. Cụ tôi nuôi một ông thầy Tàu 10 năm trong nhà để học chữ Nho và xem tướng số. Ông thầy Tàu không biết tiếng Việt nên cụ tôi lại phải nuôi thêm một ông phiên dịch suốt 10 năm như thế. Cụ nhà tôi trước còn là Chánh tổng ở Cát Hải. Hai câu đối sơn son thếp vàng ở gian chính nhà này là cụ tôi viết và còn đến tận bây giờ. Cụ đã tiên đoán từ hàng trăm năm trước về cái tầm, cái thế của Đảo Cát. Câu đối bên phải là Hải Đông cố quận di lưu viễn, nghĩa là đất Hải Đông này có từ lâu đời.... Câu đối bên trái: Tô Bắc Tân cơ yến rực thâm. Nghĩa là phía Bắc của Cát Hải dựa vào thành phố Hải Phòng. Tân cơ là chờ cơ hội mới để phát triển. Hiện thực mà cụ tiên đoán đã rõ: Cát Hải nay đang vươn xa. Cụ tôi đã có tài tiên đoán hướng phát triển của Cát Hải, từ hàng trăm năm trước, theo sách Nho học, theo phong thủy Đảo Cát, theo tiềm năng của đất này. Giàu có, quyền thế, có thương hiệu nước mắm truyền thống... Nhưng sau cải cách, gia sản nhà tôi bị tịch thu hết, còn mỗi cái nhà này. Mà tôi nói với anh: Cả Hải phòng còn mỗi cái nhà này là cổ kính nhất. Cụ bà tôi được vua Tự Đức phong bốn chữ vàng: Tiết Hạnh khả phong, hiện đang thờ trên bàn thờ, chữ sơn son thếp vàng.
Tôi bị tàn tật từ bé. Hồi 1 tuổi tôi bị một cơn sốt bại liệt. Sau trận ấy tôi bị liệt hai chân và tay phải. Tôi coi như hết về sự nghiệp nhưng cái đầu tôi thì lại vẫn minh mẫn bình thường. Hát hay, học giỏi là hai thế mạnh của tôi. Nhưng khổ nỗi, gia đình thành phần, con cái chả được đi học đâu cả. Đành ở nhà làm nước mắm. Một cô gái xinh nhất Cát Hải đã yêu tôi. Không hiểu vì sao, cô yêu tôi say đắm thế, mà tôi thì không bao giờ nghĩ là mình yêu được cô ta. Tôi đầy những yếu thế. Về xã hội, gia đình tôi tư sản và đã bị tước tất cả gia sản. Thiết bị làm nước mắm đã đưa vào Công ty hợp doanh. Lúc bấy giờ, địa chủ và tư sản là bị coi như cách biệt và tương lai phải là bần cố nông có công với cách mạng. Về thân phận, tôi là kẻ tàn tật. Hát hay, học giỏi không cứu được tôi nhưng có lẽ chính vì thế mà cô ấy yêu tôi, yêu say đắm không hề tính toán. Gia đình cô ấy biết mối tình vụng trộm ấy. Ông anh ruột cô ta khuyên can không được, dùng gậy trúc đánh cô ấy suýt gẫy tay. Ông anh đe dọa: Nếu lấy thằng tàn tật ấy thì nhà này từ em luôn. Nhưng cô ấy vẫn yêu tôi và từ bỏ tất cả để lấy tôi. Tôi rất trân trọng tình cảm ấy nên tìm mọi cách vươn lên kiếm sống để vợ chồng nuôi nhau, để trả nghĩa ấy.
Tôi là một người không bình thường. Gia đình tư sản đã sạt nghiệp. Xã hội thì thân cô thế cô. Tôi tàn tật, liệt hai chân và tay phải. Nhưng tôi lại tập thể thao rất thường xuyên và có lần giải nhất bóng bàn thành phố Hải Phòng. Tôi ngạc nhiên hỏi: Anh tàn tật thế, tập luyện bóng bàn thế nào, lại còn giải nhất thành phố. Anh Nguyễn Sin mỉm cười: Đó là bí quyết riêng tôi. Bí quyết gì, tôi hỏi: Anh từ tốn trả lời: Nói đùa thôi, bí quyết gì đâu. Tự phấn đấu và làm các phương tiện hỗ trợ. Và anh nói chậm rãi: Cái đầu không chịu khuất phục trước hoàn cảnh là cái mà tôi đã làm được. Tuy tàn tật, nhưng sau khi bố mẹ tôi mất, anh em ra ở riêng, mọi việc trong nhà của các em đều có vai trò của tôi. Có được gia sản sau này cũng là do tôi lo liệu mà ra hết và không đến nỗi xấu hổ với Đảo Cát. Rồi anh nói như rút ra bài học cho mình: Không tự bơi được khi ra biển là chết đuối. Anh còn nói: Tôi được 5 cháu, các cháu đều trưởng thành. Bốn cháu gái, một cháu trai, đều học đại học hết. Cháu lớn nhất là Phó Tổng giám đốc ngành điện lực, nhà riêng ở khu biệt thự Xa La, Hà Nội. Các công trình lớn như công trình cáp ngầm ở Đảo Lý Sơn, cáp ngầm ra đảo Cô Tô, đều do công ty cháu đảm nhiệm. Các con tôi học đến nơi đến chốn là do tôi đã nuôi dưỡng cho các cháu ý chí truyền thống vượt lên hoàn cảnh của tôi để các cháu tự phấn đấu. (Hôm sau về Hà Nội, tôi gặp cháu ruột anh Sin dạy tại Đại học Xây dựng tức con anh Vinh, em út anh Sin. Cháu nói với tôi: Cuộc đời và sự nghiệp của bác Sin cháu là một hình mẫu mà cháu phải học theo. Đó là một câu nói làm tôi khẳng định ý chí phi thường của Nguyễn Sin, một con người bình thường ở Cát Hải). Sau câu chuyện với tôi, anh cao hứng lên nói: Tôi hát cho anh nghe bài hát tôi tự sáng tác. Giọng anh cất lên, du dương, trầm trầm như giọng Opera. Tôi nghĩ: Chị ấy ngày xưa mê cái giọng Opera này rồi.
Tôi bị liệt hai chân và tay phải, nhưng đặc biệt tôi lại rất mê biển. Thích đi bơi biển, một việc rất nguy hiểm cho người tàn tật. Nói thì điên rồ nhưng là thật. Tôi rất thích biển nên mặc dù gia đình cấm nhưng mình lại thích tập bơi. Và rồi tập mãi, tôi bơi được theo cách của mình. Rất thèm đi xe đạp nhưng hai chân tôi bị tật như một thử thách. Đi thế nào. Bây giờ tôi cũng không thể giải thích tại sao tôi đi xe đạp được và không biết tôi đã tập bao lần để đi được. Chính tôi cũng không thể giải thích được thì làm sao tôi giải thích cho người khác hiểu. Tôi ngẫm ra: Trời không lấy của ai tất cả nhưng cũng không cho ai tất cả. Có nghĩa là: Mình không có cái này, trời cho mình cái khác. Đó là một cách giải thích tâm linh hóa. Nhưng để nói với đời thực rằng: Con người ta, có ý chí thì mọi việc đều làm được”.
Lúc không có ai bên cạnh, tôi ghé tai anh hỏi nhỏ: Khả năng chuyện ấy của anh thế nào? Anh tủm tỉm cười: Tôi hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Tôi có 5 con cơ mà. Lúc ấy chưa kế hoạch hóa gia đình. Và vì thế, vợ tôi rất hạnh phúc. Nhưng đó cũng là điều tôi khốn khổ nhất: Thời bao cấp, làm sao kiếm đủ tiền nuôi cho chúng nó ăn học bằng người ở Đảo Cát này là việc cực khó với một người khuyết tật như tôi. Nguồn tài chính do tôi kiếm ra hết. Từ cá ra nước mắm và rồi lại từ nước mắm đến cá, ra tiền và ra nước mắm, cứ luân hồi thế.
Tôi hỏi anh Sin: Duyên cớ nào để anh được về Hà Nội gặp Chủ tịch nước. Anh cười từ tốn: Tôi là người khuyết tật đã vượt lên số phận để làm kinh tế giỏi và đạt thành tích cao về thể thao và nghệ thuật. Tôi đã đoạt huy chương Bạc môn bóng bàn Quốc gia, huy chương Bạc sáng tác và biểu diễn bài hát: Khát vọng Paragame, trong đại hội Văn hóa thể thao toàn quốc năm 2017 cho người khuyết tật tại Huế. Nhiều bài thơ, bài hát tôi sáng tác đã phục vụ tốt cho Đảo Cát và Hải Phòng. Vì thế, tôi là một trong 10 người khuyết tật tiêu biểu nhất cả nước được Chủ tịch nước mời về Hà Nội báo cáo thành tích năm 2017.
Trông anh bình thường như những người bình thường khác của Đảo Cát, nhưng anh đã làm được những điều không bình thường chỉ bằng cái đầu có một trí tuệ phi thường: Lòng kiên trì và chí quyết tâm vượt lên số phận.
Anh tâm sự: Là một người khuyết tật nhưng tôi không muốn mọi người chú ý về mình mỗi khi ra đường. Đi khác người, đứng khác người. Dị hình, dị dạng. Vì thế tôi rất ít khi ra đường. Bây giờ điều kiển từ xa bằng điện thoại là chính. Khi tôi nói là đang viết về anh, anh nhắn tin qua điện thoại: Anh Lộc đừng đăng báo nhé. Tôi không thích khoe khoang vì mình cũng bình thường mà. Có lẽ vì sự khiêm tốn ấy mà anh được hội thơ Cát Hải yêu mến. Nhưng tôi phải viết để rồi cả tôi và bạn đọc cùng suy ngẫm về chính mình, những người không tàn tật.
Nghĩ về Nguyễn Sin, tôi lại nhớ về những gương phi thường của những người khuyết tật mà người đời nói đến. Tôi giải thích được vì sao nhà thơ Đỗ Trọng Khơi, nhà văn Sơn Tùng dù tàn tật vẫn vượt lên số phận để thành đạt trong văn chương nổi tiếng đến như vậy. Nhà văn Sơn Tùng còn được phong tặng Anh hùng Lao động. Họ làm được những thứ mà người bình thường không làm được: Rèn luyện để đi lại và sáng tạo như người bình thường.
Thế rồi anh Sin đọc tôi nghe bài thơ Hoàng hôn biển:
Nhễ nhại hoàng hôn bầm đỏ
con thuyền ghếch bãi vật vờ
Lưng trần xạm màu sương gió
Nhìn nhau ánh mắt hoang sơ
Mắt cá cạn khô vẫn mở
Ngạc nhiên cho đến bây giờ
Anh Sin nhớ lại xưa, một chiều khi bố mua được mớ cá biển để cạnh giếng đợi làm thịt cá. Ông hỏi con: Con có thấy con cá chết rồi mà vẫn mở mắt không. Con trai xem đúng là cá chết mà mắt cá vẫn mở nhưng không biết tại sao. Ông bố giải thích: “Vì nó bị chết bất ngờ con ạ. Chúng nó đang sống vui bơi lội tung tăng tự dưng bị bắt và làm thịt. Đấy là cái chết tức tưởi. Nó ngơ ngác không biết vì sao nó chết”.
Đó là một bài thơ hay. Tôi đã thấy những con cá biển chết nằm trơ trơ mắt trên cát nhưng chưa một ai có được lời giải thích như ông bố Nguyễn Sin giải thích cho con một cách tài hoa vậy, để rồi đời sau, anh có bài thơ hay thế. Bài thơ là một cái nhìn rất nhân thế về con cá để nói đời và một cách giải thích rất thơ. Người Việt Nam có câu hay về một cái chết tức tưởi: Chết không nhắm mắt! Không ngờ con cá lại ứng vào câu này. Ám ảnh và lại... rất thơ. Nguyễn Sin, chỉ một bài thôi đã là thi sĩ. Tại sao anh làm được thơ hay. Sự yêu đời và hồn nhiên trong trẻo đã làm con người phát tiết thơ và rồi thơ bắt buộc phải... hay!
Hà Nội, 2/12/2019