Sự nguy hại của rác thải nhựa với đời sống con người

18-08-2022 09:00 | Xã hội
google news

Hiện nay rác thải nhựa đã trở thành một vấn đề gây nhức nhối toàn cầu. Bên cạnh việc gây ảnh hưởng đến môi trường sống, rác thải nhựa đã và đang đe dọa rất lớn đến hệ sinh thái bao gồm người và động thực vật.

Tại Hà Tĩnh hiện nay ở nhiều địa phương vẫn còn diễn ra tình trạng xả rác thải nhựa tràn lan, xử lý không đúng cách gây ô nhiễm môi trường.

Không thể phủ nhận rằng, vật dụng bằng nhựa có nhiều giá trị sử dụng trong cuộc sống con người. Tuy nhiên, hiện nay con người đang quá phụ thuộc vào vật dụng nhựa dùng một lần, từ đó gây ra những hậu quả nghiêm trọng đến môi trường.

Sự nguy hại của rác thải nhựa với đời sống con người - Ảnh 1.

Trong một số loại túi nilon có thể lẫn lưu huỳnh, dầu hỏa nguyên chất, nên khi đốt cháy gặp hơi nước sẽ tạo thành axit sunfuric gây ra mưa axit rất nguy hiểm.

Ảnh hưởng đến sức khỏe con người và môi trường

Theo ước tính và số liệu thống kê chưa đầy đủ của Bộ Tài nguyên và Môi trường, rác thải nhựa chiếm tỷ trọng khoảng 5 - 10% trong rác thải sinh hoạt. Ở Việt Nam, tính trung bình mỗi năm thải ra khoảng 1,8 triệu tấn rác nhựa, trong đó có khoảng hơn 30 tỷ túi nylon. Trung bình, mỗi hộ gia đình tại Việt Nam sử dụng khoảng một kg túi nylon mỗi tháng. Hơn 80% số đó đều bị thải bỏ sau khi dùng một lần.

Rác thải nhựa thường tồn tại dưới các dạng vật thể như: ống hút, vỏ chai, túi nilon... là các vật dụng được tổng hợp từ chất hóa học hữu cơ (như nhựa PE). Hiện tượng ô nhiễm trắng gây ra bởi rác thải nhựa bắt nguồn từ việc xả rác nhựa ra môi trường của con người.

Rác thải nhựa không được xử lý đúng cách sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến không khí và môi trường nước: Khi đốt, rác thải nhựa sẽ sinh ra chất độc đi-ô-xin, furan gây ô nhiễm không khí, gây ngộ độc, ảnh hưởng đến tuyến nội tiết, làm giảm khả năng miễn dịch, gây ung thư,…

Khi chôn lấp, rác thải nhựa sẽ làm cho đất không giữ được nước, dinh dưỡng và ngăn cản quá trình khí oxy đi qua đất, gây tác động xấu đến sự sinh trưởng của cây trồng. Hơn nữa, nó có thể làm ô nhiễm nguồn nước, gây ra cái chết của các vi sinh vật có lợi cho cây ở dưới lòng đất. 

Để phân hủy được rác thải nhựa có thể kéo dài rất lâu từ hàng trăm đến hàng nghìn năm. Chính vì thế, khi tích tụ quá nhiều hoặc nằm rải rác trên các bề mặt nước, đất sẽ gây ra hiện tượng ô nhiễm trắng ảnh hưởng rất lớn đến hàng nghìn sinh vật sống. Trong đó, bao gồm các loài động vật, vi sinh vật và cả con người.

Có thể thấy, tác hại của rác thải nhựa vô cùng nghiêm trọng, ảnh hưởng sâu rộng đến tất cả các sinh vật trong hệ sinh thái của chúng ta.

Tại nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh vẫn đang diễn ra tình trạng người dân vô tư xả rác thải nhựa bừa bãi gây mất mĩ quan. Không những thế người dân còn xử lý rác thải không đúng cách gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.

Theo ghi nhận của chúng tôi, đoạn đê chống lũ ven sông Lam đi qua thị trấn Xuân An (huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh) bên cạnh những bãi rác lớn người dân còn chăn thả trâu bò ngay trên đường đê. Tại đây, người dân ngang nhiên chiếm dụng lòng lề đường làm bãi tập kết rác, thu gom rác thải sinh hoạt (trong đó chủ yếu rác thải nhựa như túi nilon, ống, chai nhựa…), chất đống rồi xử lý bằng cách châm lửa đốt cháy nham nhở, mùi khét lẹt gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.

Sự nguy hại của rác thải nhựa với đời sống con người - Ảnh 2.

Ông Phan Văn Lĩnh – Chủ tịch UBND thị trấn Xuân An cho biết, hiện tại trên địa bàn chưa có điểm tập kết rác nên tạm thời thu gom rác trên đường để để xe môi trường chở đi. Hàng năm địa phương vẫn có văn bản chỉ đạo người dân xử lý rác thải không đúng cách gây ô nhiễm môi trường.

Hay tại nhiều bãi biển đẹp ở Hà Tĩnh cũng ngập tràn rác thải nhựa. Tình trạng rác thải, bao nilon, chai thủy tinh, chai nhựa… bủa vây gây mất mĩ quan, ảnh hưởng đến môi trường. Theo quan sát, bãi biển Xuân Hải (huyện Lộc Hà) có nhiều đoạn rác thải nhựa kết thành những mảnh lớn, dày đặc giữa bãi cát, bị sóng đánh nằm ngổn ngang trên bờ kè, thân đê biển. Một trong những số rác thải này là do người dân ngang nhiên xả ra.

Trao đổi với PV, ông Văn Thành Đô – Chủ tịch UBND thị trấn Lộc Hà cho hay, địa phương đã rất nhiều lần ra quân, huy động máy móc dọn dẹp nhưng cứ có đợt mưa bão là rác thải lại tràn về. 

"Thường thì mỗi khi có gió mùa là rác thải lại tấp vào bờ. Mặc dù chính quyền địa phương đã huy động lực lượng dọn dẹp nhưng do lượng rác quá lớn nên phải mất nhiều thời gian mới xử lý được triệt để. Địa phương cũng thường xuyên tuyên truyền người dân, yêu cầu các chủ nhà hàng kinh doanh chỗ bãi biển Xuân Hải ký cam kết về việc xử lý rác thải nhựa đúng quy định", ông Đô cho hay.

Cần thay đổi nhận thức trong việc sử dụng rác thải nhựa

Sự nguy hại của rác thải nhựa với đời sống con người - Ảnh 3.

Rác thải nhựa sinh ra từ nhiều nguồn khác nhau, trong đó chủ yếu túi nilon, chai nhựa, ống hút nhựa,… của các hộ gia đình.

Tháng 6/2019, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã phát động phong trào "Chống rác thải nhựa" trong toàn dân. Từ đó, hàng loạt địa phương, đơn vị đã ban hành và triển khai hàng loạt chương trình hành động giảm thiểu, nói "không" với rác thải nhựa...

Chỉ sau một năm phát động phong trào chống rác thải nhựa trên phạm vi toàn quốc, những hành động nhỏ khắp nơi đã góp phần thay đổi thói quen, nâng cao nhận thức từ học sinh, người dân đến doanh nghiệp.

Trên hành trình giữ môi trường xanh, chống rác thải nhựa, có nhiều các tổ chức, cá nhân đã có các sáng kiến thiết thực, góp phần làm thay đổi ý thức, thói quen của người dân và toàn xã hội.

Những năm gần đây, thời điểm dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, tại một số địa phương ở Hà Tĩnh lan tỏa mô hình "đổi rác thải nhựa lấy khẩu trang". Đó là một mô hình mới của tuổi trẻ huyện Lộc Hà đang phát động, xuất phát từ chung ý tưởng: "Nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, phòng, chống dịch bệnh cho mỗi nhà cũng như từng người dân".

Vừa qua, Đoàn thanh niên phường Bắc Hà (TP Hà Tĩnh) phối hợp với Hội LHPN phường tổ chức ra mắt mô hình chợ dân sinh giảm thiểu rác thải nhựa. Đoàn viên Thanh niên phường Bắc Hà và cán bộ hội phụ nữ phường đã cùng phát tờ rơi và tuyên truyền về các tiêu chí xây dựng chợ dân sinh hạn chế rác thải nhựa và hướng dẫn cách phân loại, vứt rác đúng quy định cho người dân… Đồng thời tổ chức trao tặng nhiều vật phẩm như làn nhựa, túi giấy, túi thân thiện môi trường...

Mô hình chợ dân sinh giảm thiểu rác thải nhựa nhằm truyền tải thông điệp tới đoàn viên, thanh niên, các hộ tiểu thương và từng người dân  nâng cao ý thức về hạn chế sử dụng túi nilon một cách có trách nhiệm trong mua bán, trao đổi hàng hóa, góp phần xây dựng phường Bắc Hà nói riêng và thành phố Hà Tĩnh nói chung xanh, sạch, đẹp, an toàn.

Mỗi người dân cần nêu cao tinh thần trách nhiệm, tích cực tham gia, tổ chức các hoạt động chống rác thải nhựa bằng các sáng kiến và hành động cụ thể, thiết thực. Thay đổi thói quen, nói không với các sản phẩm nhựa sử dụng một lần, túi ni-lông thông qua việc mua sắm, trong sinh hoạt, làm việc, lao động thường ngày; sử dụng thay thế bằng các loại sản phẩm thân thiện với môi trường.

Chúng ta cần thay đổi thói quen sinh hoạt hàng ngày bằng việc tắt các thiết bị điện khi không sử dụng, nói không với các sản phẩm nhựa sử dụng một lần, túi nylon khó phân hủy, lên án kịp thời những hành vi gây xâm hại đến tài nguyên thiên nhiên, gây ô nhiễm môi trường và thói quen sử dụng lãng phí tài nguyên, năng lượng. Cùng chung tay hành động ngay hôm nay để bảo vệ thiên nhiên, phục hồi hệ sinh thái, bảo vệ môi trường sống của chính chúng ta và để lại một màu xanh bền vững cho thế hệ tương lai.

Ngày 19 tháng 11 năm 2021, Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Tĩnh và Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên tại Việt Nam đã cùng ký Tuyên bố Tham gia Chương trình Đô thị Giảm Nhựa. Sự kiện này chính thức đưa thành phố Hà Tĩnh trở thành đô thị thứ 8 của Việt Nam tham gia vào chương trình mang tính toàn cầu của Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên WWF, cam kết giải quyết vấn đề ô nhiễm rác nhựa hướng tới mục tiêu không còn rác nhựa ngoài thiên nhiên vào năm 2030.



Nguyễn Sơn – Minh Thùy
Ý kiến của bạn