Sự nghiệp thăng trầm và những ca khúc để đời của "Vua nhạc sến" Vinh Sử

10-09-2022 13:34 | Văn hóa – Giải trí
google news

SKĐS - Được mệnh danh là “vua nhạc sến”, tên tuổi nhạc sĩ Vinh Sử đã gắn với hàng loạt nhạc phẩm nổi tiếng qua nhiều thế hệ.

Cuộc đời sự nghiệp trải qua nhiều thăng trầm

Nhạc sĩ Vinh Sử (sinh năm 1944) sinh ra và lớn lên trong gia đình nghèo khó sống bằng nghề làm bún ở quận 4. Bố mẹ ông là người từ Hà Tây lưu lạc về Nam kỳ sau khi đi làm phu đồn điền cao su cho Pháp. Từ nhỏ, ông đã rất đam mê âm nhạc, là người duy nhất trong 4 anh chị em được đi học nên ông có cơ hội để học chữ.

Sự nghiệp thăng trầm và những ca khúc để đời của "Vua nhạc sến" Vinh Sử - Ảnh 1.

Nhạc sĩ Vinh Sử thời trẻ.

Thuở nhỏ, gia đình ông thuộc dạng lao động nghèo khó. Năm 15 tuổi, Vinh Sử bỏ học và bắt đầu sáng tác nhạc. Khi đó, ông đã phải chịu không ít ánh nhìn hoài nghi từ chính gia đình và những người thân quen.

Có sẵn năng khiếu âm nhạc nên ông vừa học nhạc, vừa mua sách hướng dẫn để tự học cách sáng tác, viết ra những bài ca chia ly và mất mát của tình yêu đôi lứa. Tuy nhiên, trong những năm đầu khó khăn thì sáng tác được bài hát là một chuyện, bán được hay không là chuyện khác. Không có nhiều ca sĩ chịu hát bài của một nhạc sĩ trẻ mới tập tành viết nhạc.

Vận may đến với ông khi ca khúc Yêu Người Chung Vách được Chế Linh thu âm, từ đó sự nghiệp sáng tác nhạc của Vinh Sử bắt đầu đi lên. Có thể nói thời điểm đó, âm nhạc đã mang đến cho nhạc sĩ Vinh Sử tất cả, từ danh tiếng đến tiền bạc. Thời hoàng kim trước năm 1975 với tiền tác quyền từ các ca khúc đủ để ông tậu xe hơi, nhà lầu.

Thế nhưng, ông quan niệm có tiền thì phải tiêu, ăn nhậu thì phải linh đình. Có tiền trong tay, vị nhạc sĩ nổi danh lại đổ vào những cuộc ăn chơi để về già, nhạc sĩ gần như trắng tay. Trước gia cảnh nghèo khó của ông, nhiều đồng nghiệp đã từng tổ chức những đêm nhạc Vinh Sử, đồng thời giúp đỡ ông vượt qua bệnh tật, khó khăn.

Nhạc sĩ của tầng lớp lao động bình dân

Lớn lên trong khu phố lao động nghèo ở quận 4, Vinh Sử cảm nhận hết vui buồn từ cuộc sống bình dị của người dân lao động và thể hiện trong những bài hát của mình.

Đó là những ca khúc nhẹ nhàng, giản dị, chân tình về những cuộc tình nơi xóm nghèo bất chấp thử thách của cuộc đời. Ông cũng trải qua thời tuổi trẻ nhiều sóng gió và ghi lại qua những bài ca ông viết, từ lời tỏ tình học trò vụng dại với chiếc nhẫn cỏ ngây ngô tới nỗi buồn sâu thẳm của người bị xã hội kim tiền coi thường.

Sự nghiệp thăng trầm và những ca khúc để đời của "Vua nhạc sến" Vinh Sử - Ảnh 2.

Vinh Sử gắn bó một cách trọn vẹn với dòng nhạc đại chúng.

Nhiều người đánh giá rằng nhạc của ông được hầu hết giới bình dân đón nhận vì gần gũi với cuộc sống của họ. Bởi trong nhạc của Vinh Sử thường nói về những thân phận không may mắn, những mối tình trắc trở do không "môn đăng hộ đối" giữa một chàng trai nghèo và một cô gái giàu sang. Công chúng thích nghe nhạc của Vinh Sử vì họ thấy ở đó hình ảnh và tâm sự của chính mình.

Nhạc sĩ Vinh Sử từng chia sẻ: "Nhạc tôi viết là dành cho những người nông dân, những người lao động. Tôi đã gửi hết toàn tâm toàn ý của mình vào đó và cũng nhận được sự hưởng ứng của đông đảo công chúng lao động nghèo. Tôi nghĩ rằng nhạc của mình cũng là tiếng nói của một bộ phận nhân dân."

Để đời những ca khúc bất hủ

Với danh xưng "vua nhạc sến", nhạc sĩ Vinh Sử không chỉ mang nhạc bolero đi sâu vào lòng công chúng mà còn giúp hàng loạt ca sĩ trở thành tên tuổi hàng đầu làng nhạc Việt.

Ông sáng tác với nhiều bút danh như Vinh Sử, Cô Phượng, Hàn Ni, Diễm Nhi, Đức Vượng... "Vua nhạc sến" cũng từng cho biết, cuộc đời ông chỉ trải qua những cuộc tình đơn phương, vì bản thân xấu trai, túng thiếu khiến ông không chạm đến ước mơ tình yêu nào, đây cũng là cảm hứng để ông sáng tác.

Những loạt nhạc phẩm nổi tiếng như "Nhẫn cỏ cho em", "Gõ cửa trái tim", "Người phu kéo mo cau", "Hai bàn tay trắng", "Đêm lang thang", "Chuyến xe lam chiều", "Vòng nhẫn cưới", "Đoạn buồn đêm mưa", "Qua ngõ nhà em", "Hai mái nhà tranh", "Không giờ rồi", "Làm dâu xứ lạ", "Mưa bụi", "Trách người trong mộng", "Quên cây cầu dừa", "Nối lại tình xưa", "Tình đẹp mùa chôm chôm"... đã giúp ông được mệnh danh là "Vua nhạc sến" thời ấy.

Các sáng tác của ông được nhiều thế hệ ca sĩ thể hiện thành công như: Nghệ sĩ Đình Văn, Tài Linh, Chế Thanh, Phương Dung, Trường Vũ, Quang Lê... Bên cạnh đó, các sao trẻ như Đàm Vĩnh Hưng, Lệ Quyên cũng chọn bolero để hát, để ra album. Đây cũng chính là cơ hội khiến bolero phá cách khi có chất của pop, của nhạc sàn, nhạc điện tử... khiến kéo khán giả trẻ lại gần.

Nhạc sĩ Vinh Sử qua đời sáng nay 10/9 sau thời gian chống chọi với bạo bệnh, hưởng thọ 78 tuổi. Tang lễ của nhạc sĩ Vinh Sử được tổ chức tại nhà riêng ở quận Bình Tân, TP.HCM trong 4 ngày (10-14/9). Lễ di quan diễn ra vào sáng 15/9 và an táng tại nghĩa trang Hoa viên Bình Dương.

Tác giả 'Gõ cửa trái tim', 'Nhẫn cỏ cho em' qua đời sau chuỗi ngày bạo bệnhTác giả "Gõ cửa trái tim", "Nhẫn cỏ cho em" qua đời sau chuỗi ngày bạo bệnh

SKĐS - Sáng 19/9, nhạc sĩ Vinh Sử - người được mệnh danh là "vua nhạc sến" vừa qua đời ở tuổi 78 sau nhiều năm bị ung thư.


K.H (T/h)
Ý kiến của bạn