Sự ngang ngược không có giới hạn

11-05-2013 02:12 | Xã hội
google news

Hết ban hành lệnh cấm đánh bắt cá trên lãnh hải Việt Nam rồi cắt cáp tàu thăm dò của Dầu khí Việt Nam, Trung Quốc ngày càng ngang ngược biến vùng biển chủ quyền của nước láng giềng thành ao nhà của họ khi thành lập cái gọi là thành phố Tam Sa, đặt thủ phủ trên quần đảo Hoàng Sa cướp được từ Việt Nam vốn quản lý từ bao đời nay.

Hết ban hành lệnh cấm đánh bắt cá trên lãnh hải Việt Nam rồi cắt cáp tàu thăm dò của Dầu khí Việt Nam, Trung Quốc ngày càng ngang ngược biến vùng biển chủ quyền của nước láng giềng thành ao nhà của họ khi thành lập cái gọi là thành phố Tam Sa, đặt thủ phủ trên quần đảo Hoàng Sa cướp được từ Việt Nam vốn quản lý từ bao đời nay. Gần đây, họ nào là hung hăng “tập trận” trên biển Đông, nào là đưa người ra Hoàng Sa du lịch rồi mới đây nhất là xua cả đàn tàu đánh cá loại “khủng” gồm 32 chiếc có cả tàu dịch vụ hậu cần đi kèm đánh bắt trái phép trên ngư trường Trường Sa của Việt Nam. Mưu đồ của Trung Quốc đã rõ khi tân Ngoại trưởng Trung Quốc khi đi thăm 4 nước ASEAN luôn rêu rao mong muốn “ổn định”, chia rẽ khối các nước Đông Nam Á và hành động thì lấn chiếm biển nước khác trên thực tế. Phụ họa với phương thức nói một đằng, làm một nẻo, một số báo chính thống của họ áp dụng chiến thuật vừa ăn cướp vừa la làng, mặc sức vu cáo Việt Nam và Phillipines biến nạn nhân thành thủ phạm của những trò gây rối với tham vọng độc chiếm biển Đông.

Dân tộc ta vốn yêu hòa bình luôn lấy sự hòa hiếu làm đầu nhưng không lẽ lòng tốt và sự lương thiện của một dân tộc có thể bị lợi dụng để nước lớn lấn lướt làm sự đã rồi theo kiểu “tằm ăn dâu”, “vết dầu loang”. Một dân tộc yêu hòa bình, chuộng hòa hiếu không có nghĩa là một dân tộc hèn yếu trước những mưu đồ của ngoại bang và lịch sử ông cha ta để lại là bằng chứng hùng hồn.

Hôm nay, những ngư dân Việt vẫn hiên ngang bám biển không hẳn chỉ vì kế sinh nhai mà sâu thẳm trong đó còn là ý chí của dân tộc trước chủ quyền đất nước chính đáng của mình được lịch sử minh chứng và luật pháp quốc tế thừa nhận. Những ngư đội đánh cá của bà con vùng biển miền Trung vẫn tiến ra ngư trường truyền thống để chứng minh “Nước Nam ta có chủ” như lời Hoàng đế Quang Trung xưa hay tuyên ngôn của Anh hùng Lý Thường Kiệt “Sông núi nước Nam Vua Nam ở/Rành rành định phận tại sách trời”. Những con thuyền ra khơi không còn nhỏ lẻ đơn độc mà đã kết thành sức mạnh khi biết dựa vào nhau trong những đội thuyền. Quả thật, ngư dân Việt Nam là những anh hùng.

Tất nhiên, trong cuộc bảo vệ chủ quyền đầy nhạy cảm này, ngư dân ta có phần chịu thiệt thòi vì tàu cá Trung Quốc to, trang bị tốt hơn hẳn, với công cụ đánh bắt hiện đại, công nghệ cao đã hút nguồn cá về phía họ. Cuộc xâm lấn bằng ngư dân của Trung Quốc quả là tinh vi muốn dần dần chiếm biển trên thực tế để thu hẹp ngư trường Việt Nam cùng với việc in bản đồ lưỡi bò trên hộ chiếu, trên các vật dụng để rồi sau này rêu rao về “tính lịch sử” của những việc đã rồi khiến chúng ta không thể không cảnh giác và cần có những đối sách hữu hiệu. Ngư trường của ta bị tàu cá nước ngoài xâm nhập đánh bắt trái phép nếu không bị xua đuổi kiên quyết và kịp thời rất dễ thành lệ để họ lấn tới, vào đông hơn biến thành ngư trường của họ.

Khi lòng tham và sự ngang ngược không có giới hạn thì sự nhún nhường, chịu đựng càng phải có giới hạn để kịp thời chặn đứng những mưu toan. Những lực lượng chấp pháp trên biển của chúng ta thời gian qua đã xua đuổi hàng ngàn lượt tàu cá xâm nhập trái phép của nước ngoài. Đứng trước những mưu tính tinh vi với quyết tâm độc chiếm biển Đông không thay đổi của Trung Quốc, ngư dân và các lực lượng bảo vệ chủ quyền của ta càng cần chỗ dựa vững chắc của cả nước cả về tinh thần và vật chất.

Đó là trách nhiệm và lương tri của mỗi người dân nước Việt.    

 Lê Quý Hiền

 


Ý kiến của bạn