Hà Nội

Sứ mệnh nhân lên những tấm gương cao đẹp và bình dị của thầy thuốc

29-06-2018 09:00 | Y tế
google news

SKĐS - Tiếp nối những thành công từ Cuộc thi viết “Sự hy sinh thầm lặng” lần I, II, III và IV, viết về những tấm gương thầy thuốc tiêu biểu có nhiều đóng góp cho sự nghiệp chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khỏe nhân dân, đã gây được tiếng vang trong ngành và toàn xã hội, chiều 28/6, tại Hà Nội, báo Sức khỏe&Đời sống tổ chức Lễ phát động Cuộc thi viết “Sự hy sinh thầm lặng” lần thứ V. Cuộc thi như một sứ mệnh để nối tiếp những mạch nguồn cảm xúc, để nhân lên nữa những tấm gương cao đẹp và bình dị “như ngọc trong đá” của người thầy thuốc ở khắp mọi miền đất nước và để những hy sinh lặng thầm không thể bị lãng quên…

Luôn hướng đến mục tiêu thiết thực, bổ ích, giàu tính nhân văn trên trang viết và ngoài xã hội

Lễ phát động cuộc thi viết “Sự hy sinh thầm lặng” lần thứ V được diễn ra vào gần cuối giờ chiều, nhưng từ trước đó đã có rất đông các nhà báo chuyên và không chuyên về lĩnh vực y tế đã đến tham dự. Họ đến mang theo nhiều nụ cười và những lời hứa “anh/chị/em sẽ viết bài tham gia cuộc thi”! Những câu nói của đồng nghiệp như càng minh chứng thêm cho ý nghĩa nhân văn cao đẹp của cuộc thi. Bởi hơn ai hết, chính các nhà báo là những nhân tố phát hiện ra các tấm gương điển hình, các thầy thuốc lặng thầm miệt mài cống hiến cho sự nghiệp chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khỏe nhân dân, từ lĩnh vực dự phòng đến điều trị, từ y tế cơ sở đến bệnh viện tuyến trên…

Báo Sức khỏe&Đời sống phát động Cuộc thi viết “Sự hy sinh thầm lặng” lần thứ VBộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến - Trưởng ban Chỉ đạo Cuộc thi viết "Sự hy sinh thầm lặng" lần thứ V phát biểu tại Lễ phát động. Ảnh: Trần Minh

Trong lời phát biểu tại buổi lễ, Tổng biên tập báo Sức khỏe&Đời sống Trần Sĩ Tuấn - Trưởng ban Tổ chức cuộc thi cho biết, năm 1961, Bộ trưởng Phạm Ngọc Thạch đã ký quyết định thành lập Báo, trải qua 57 năm hình hành và phát triển, Báo luôn nhận được sự quan tâm chăm sóc của các thế hệ Bộ trưởng Bộ Y tế.

Cũng thông qua đây, Tổng biên tập báo Sức khỏe&Đời sống chia sẻ, tình hình báo chí hiện nay gặp rất nhiều khó khăn, nhưng với sự quyết tâm và đoàn kết, báo Sức khỏe&Đời sống với 6 ấn phẩm luôn cố gắng hướng đến mục tiêu thiết thực, bổ ích và giàu tính nhân văn trên những trang viết và ngoài xã hội. Và chương trình cầu truyền hình trực tiếp “Quỹ vòng tay nhân ái” và Trái tim cho em cùng hoạt động xã hội  khác huy động hàng chục tỷ đồng đến các trẻ em nghèo ở vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn. Đặc biệt, “Nồi cháo tình thương” từ năm 2005 của Báo đã triển khai phát cháo miễn phí cho các bệnh nhân nghèo ở BV K, Viện Huyết học và Truyền máu TW, BV Nhi TW... đến bây giờ đã được 500 nghìn suất. Đặc biệt, Cuộc thi viết “Sự hy sinh thầm lặng” đã trải qua đến cuộc thi lần thứ V, một cuộc thi rất giàu tính nhân văn đã góp phần phát hiện những tấm gương thầy thuốc tiêu biểu, những thầy thuốc miệt mài làm công việc nhân văn cao cả cứu người ở khắp mọi miền đất nước…

Báo Sức khỏe&Đời sống phát động Cuộc thi viết “Sự hy sinh thầm lặng” lần thứ VBộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến tặng hoa chúc mừng Hội đồng Giám khảo cuộc thi.

Tổng biên tập báo Sức khỏe&Đời sống cũng  gửi lời cảm ơn trân trọng đến TTND, PGS.TS. Nguyễn Thị Kim Tiến - Bộ trưởng Bộ Y tế, Trưởng ban Chỉ đạo cuộc thi, đã dành nhiều công sức để cuộc thi thành công, cảm ơn Hội đồng Giám khảo làm việc công tâm, cảm ơn các cục vụ viện đã ủng hộ, các cơ quan thông tấn đã đồng hành cùng tờ báo.

Đồng thời, Tổng biên tập Trần Sĩ Tuấn cũng cảm ơn nhà tài trợ Công ty cổ phần Dược phẩm ECO và BV Tâm Anh với tâm trong sáng và không hề vụ lợi đã đồng hành qua các cuộc thi. Cảm ơn tác giả cả nước không ngại đường sá xa xôi đã tiếp cận những nhân vật, đem đến những nguyên mẫu cảm động trên trang viết. Đặc biệt, Tổng biên tập Trần Sĩ Tuấn cũng cảm ơn các thầy thuốc trên khắp mọi miền đất nước đã ngày đêm hy sinh, vượt qua nhiều gian khó để tạo nên những chất liệu là những nguyên mẫu cảm động và đầy tính nhân văn cho bài viết...

Báo Sức khỏe&Đời sống phát động Cuộc thi viết “Sự hy sinh thầm lặng” lần thứ VNhà thơ Trần Đăng Khoa - Chủ tịch Hội đồng Giám khảo cuộc thi phát biểu tại Lễ phát động.      Ảnh: TM

Viết về sự hy sinh thầm lặng của thầy thuốc là góp phần củng cố niềm tin của xã hội vào thực tế ngành y

Phát biểu tại Lễ phát động Cuộc thi viết “Sự hy sinh thầm lặng” lần thứ V, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã biểu dương và đánh giá cao báo Sức khỏe&Đời sống đã tổ chức các cuộc thi viết “Sự hy sinh thầm lặng” vô cùng ý nghĩa.

Bộ trưởng chia sẻ: Đêm tổng kết và trao giải Cuộc thi viết “Sự hy sinh thầm lặng” lần thứ IV diễn ra vào tháng 8 năm ngoái vẫn còn đọng lại những ấn tượng sâu sắc và cảm động với cộng đồng. Ngày hôm nay, báo Sức khỏe&Đời sống tổ chức Lễ phát động Cuộc thi viết “Sự hy sinh thầm lặng” lần thứ V như một sứ mệnh để nối tiếp những mạch nguồn cảm xúc, để nhân lên nữa những tấm gương cao đẹp và bình dị của người thầy thuốc và để những hy sinh lặng thầm không thể bị lãng quên...

Báo Sức khỏe&Đời sống phát động Cuộc thi viết “Sự hy sinh thầm lặng” lần thứ VBộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến tặng hoa cho đại diện BVĐK Tâm Anh và Công ty cổ phần Dược phẩm ECO - Nhà tài trợ độc quyền cho cuộc thi.

Theo Bộ trưởng, thực tế, ngành y là một ngành thật sự áp lực, đòi hỏi thần kinh và sức khỏe đều phải ở dạng thép mới có thể thích ứng được. Người thầy thuốc phải đối mặt từ tình trạng quá tải bệnh viện, từ dịch bệnh mới nổi ngày càng gia tăng, diễn biến nguy hiểm với nguy cơ lây nhiễm, phơi nhiễm bệnh dịch đến áp lực trong khám chữa bệnh... Người thầy thuốc phải đối mặt với nỗi đau của người bệnh nhưng bản thân nghề thầy thuốc cũng có quá nhiều nỗi đau. Mà cao nhất là nỗi đau của sự bất lực phải chứng kiến cái chết của một con người, của nhiều con người mà chúng ta vẫn quen với cụm từ “y học bó tay”...

Do đó, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến nhấn mạnh, viết về sự hy sinh thầm lặng của thầy thuốc là góp phần củng cố niềm tin của xã hội vào thực tế ngành y, đông đảo y bác sĩ, dược sĩ, cán bộ nhân viên đang thầm lặng làm tốt công việc cứu người trị bệnh của mình, đúng như lương tâm mà họ ấp ủ là tất cả vì bệnh nhân thân yêu. “Cuộc thi viết “Sự hy sinh thầm lặng” mà báo Sức khỏe&Đời sống định kỳ tổ chức 2 năm một lần mang ý nghĩa văn hóa quan trọng, vừa soi sáng những điều tốt đẹp bị che khuất của ngành y, vừa góp phần khôi phục những phẩm chất cao đẹp như tình thương, sự hy sinh, lòng vị tha, nhân ái... đang có nguy cơ mai một trong thời kỳ đổi mới và hội nhập” - Bộ trưởng Bộ Y tế khẳng định.

Báo Sức khỏe&Đời sống phát động Cuộc thi viết “Sự hy sinh thầm lặng” lần thứ VBáo Sức khỏe&Đời sống phát động Cuộc thi viết “Sự hy sinh thầm lặng” lần thứ VThừa ủy quyền của Chủ tịch nước, Bộ trưởng Bộ Y tế trao Huân chương Lao động hạng Nhì cho TTND.BS. Trần Sĩ Tuấn (ảnh trên) và Huân chương Lao động hạng Nhì cho báo SK&ĐS (ảnh dưới).      Ảnh: TM

Cũng tại buổi lễ, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến đã xúc động và biết ơn, tưởng nhớ đến cố nhà báo Hữu Thọ - nguyên Chủ tịch Hội đồng Giám khảo qua các cuộc thi. Ông là người đã gắn bó và dành nhiều tâm huyết tình cảm cho cuộc thi này. Chúng ta luôn trân trọng và nhớ về ông!

Bộ trưởng Bộ Y tế cũng gửi lời cảm ơn đến Công ty cổ phần Dược phẩm ECO và BVĐK Tâm Anh - nhà tài trợ độc quyền cho cuộc thi đã đồng hành làm nên thành công của chương trình.

Báo Sức khỏe&Đời sống phát động Cuộc thi viết “Sự hy sinh thầm lặng” lần thứ VCác cá nhân của báo SK&ĐS nhận Kỷ niệm chương “Vì sức khỏe nhân dân” do Bộ trưởng Bộ Y tế trao tặng. Ảnh: TM

Mong muốn Cuộc thi viết “Sự hy sinh thầm lặng” lần thứ V sẽ phát hiện được nhiều tấm gương thầy thuốc đặc biệt

Thay mặt Hội đồng Giám khảo, phát biểu tại buổi lễ, nhà thơ Trần Đăng Khoa - Chủ tịch Hội đồng Giám khảo chia sẻ: Chúng tôi cảm ơn Bộ Y tế và báo Sức khỏe&Đời sống đã giao cho Hội đồng Giám khảo trọng trách đặc biệt là những người tìm vàng, khẳng định độ vàng để tìm ra những vẻ đẹp của các thầy thuốc qua các tác phẩm tham dự cuộc thi.

Tại buổi Lễ phát động cuộc thi, bà Hoàng Thị Thơm, Phó Vụ trưởng Vụ Truyền thông Thi đua Khen thưởng - Bộ Y tế đã điều hành Lễ trao Huân chương, Kỷ niệm chương cho tập thể, cá nhân báo Sức khỏe &Đời sống.

Thừa ủy quyền của Chủ tịch nước, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã trao Huân chương Lao động hạng Nhì cho tập thể báo Sức khỏe&Đời sống; Huân chương Lao động hạng Nhì cho TTND.BS. Trần Sĩ Tuấn - Tổng biên tập báo SK&ĐS.

Bộ trưởng cũng trao Kỷ niệm chương “Vì sức khỏe nhân dân” cho các cá nhân của báo Sức khỏe&Đời sống.

“Cuộc thi viết “Sự hy sinh thầm lặng” không phải lần đầu mà đã là lần thứ V. Chúng tôi nhận thấy qua mỗi cuộc thi, công tác tổ chức ngày càng chuyên nghiệp hơn, các bài báo tham gia dự thi cũng đa dạng hơn. Trong những cuộc thi vừa qua, chúng ta đã phát hiện được nhiều tấm gương thầy thuốc tiêu biểu hơn. Chúng tôi đánh giá cao Bộ Y tế và báo Sức khỏe&Đời sống đã tổ chức cuộc thi nhân văn này” - nhà thơ Trần Đăng Khoa nói.

Nhà thơ Trần Đăng Khoa cho biết, ông đã từng được tham gia một cuộc mổ tại Bệnh viện TW Quân đội 108, dù không phải lần đầu tiên nhìn thấy máu, nhưng nhà thơ Trần Đăng Khoa đã “không thể chịu nổi không khí và mùi phòng mổ” nên ông đã vội vã xin ra ngoài. “Thế mới thấy nghề thầy thuốc vất vả lắm, nhưng thầy thuốc của chúng ta quá tài năng” - nhà thơ Trần Đăng Khoa nói.

Ông cũng kể lại ông đi khám và điều trị bệnh ở Nga và Mỹ trong thời gian đi học ở nước ngoài, khi biết ông là người Việt, bác sĩ nước ngoài đánh giá cao bác sĩ Việt Nam chẩn đoán giỏi, mổ giỏi, xử lý sự cố giỏi. “Thực tế cho thấy y tế Việt Nam chỉ kém y tế các nước phát triển ở trang thiết bị. Tuy nhiên, ngành y tế vẫn còn nhiều khó khăn và người dân vẫn gặp không ít khó khăn khi đi khám chữa bệnh. Vấn đề này cần cả hệ thống chính trị, các ban ngành, đoàn thể Trung ương, địa phương cùng chung tay giải quyết” - nhà thơ Trần Đăng Khoa chia sẻ.

Do đó, nhà thơ Trần Đăng Khoa rất mong tăng cường đầu tư cho ngành y hơn nữa, thay bằng xây các khách sạn khang trang, chung cư cực kỳ xa xỉ, hãy xây bệnh viện hiện đại để có thêm giường bệnh và người dân khi đến bệnh viện mỗi người được nằm mỗi người một giường bệnh. Cảm thông với các thầy thuốc trong lúc làm nhiệm vụ cứu người luôn phải đối mặt với nhiều hiểm nguy không lường trước ngoài chuyên môn, nhà thơ Trần Đăng Khoa mong muốn các cơ quan báo chí, các nhà báo, luôn đồng hành, chia sẻ với ngành y tế để cảm thông với các thầy thuốc nhiều hơn…

Trưởng ban Giám khảo cũng bày tỏ mong muốn Cuộc thi viết “Sự hy sinh thầm lặng” lần thứ V sẽ phát hiện được nhiều tấm gương đẹp và đặc biệt các thầy thuốc không phải chỉ đơn thuần tận tụy với bệnh nhân mà phải là thầy thuốc mổ hay, mổ giỏi, phát minh ra thuốc mới, cách điều trị hay để phục vụ người bệnh tốt hơn nữa, đưa ngành y tế phát triển hơn nữa…

Ý kiến các nhà báo và trả lờicủa Ban tổ chức tại Lễ phát động

Nhà báo Thanh Hằng, báo Công an Nhân dân: Năm ngoái tôi đã dự thi rồi thì năm nay có được dự thi nữa không và tác phẩm thì không hạn chế?


Nhà báo Trần Sĩ Tuấn, Trưởng ban Tổ chức cuộc thi: Năm ngoái thi rồi năm nay vẫn tiếp tục dự thi và tác phẩm dự thi không giới hạn.

Nhà báo Trần Ngọc Kha, báo Đại đoàn kết: Cuộc thi viết “Sự hy sinh thầm lặng”, phạm vi đối tượng quan tâm có nhất thiết phải là người của ngành y hay không? Vì nhiều người khác ngành không phải là nhân viên y tế vẫn chăm sóc sức khỏe con người?


Nhà báo Trần Sĩ Tuấn, Trưởng ban Tổ chức cuộc thi: Không nhất thiết phải ngành y, nhưng hướng về con người. Có những vị sư cô, các cơ sở chăm sóc trẻ em khuyết tật chất độc màu da cam cũng đã tham gia cuộc thi. Có những tấm gương cảm động về chăm sóc con người đều được đưa. Tại Cuộc thi viết “Sự hy sinh thầm lặng” lần thứ nhất Báo đã trao giải cho tác phẩm viết về cơ sở Thiện Giao, mặc dù không phải là nhân viên y tế nhưng họ đã chăm sóc các trẻ em bị khuyết tật do chất độc da cam.

Nhà báo Trần Ngọc Kha, báo Đại đoàn kết: Trước đây trong chiến tranh, chúng ta hiểu về hy sinh cao quý và đương nhiên mà con người ta muốn tử tế phải hướng tới. Nhưng hôm nay hòa bình lập lại, sự hy sinh đấy có nên đặt lại không, hy sinh đồng nghĩa với buộc phải chấp nhận một phần nào đó. Và hiện nay còn có liên quan đến thiếu công bằng?

Nhà thơ Trần Đăng Khoa, Chủ tịch Hội đồng Giám khảo cuộc thi: Sự hy sinh giờ rất nhiều, có những hy sinh mà không có tiếng súng, những bác sĩ ở biên giới hải đảo, những người bác sĩ là những người lính quân y ở hải đảo, ở biên phòng họ cũng đang hy sinh thầm lặng là thế.

Nhà báo Trần Ngọc Kha, báo Đại đoàn kết: Báo đã tổ chức cuộc thi đến lần thứ V, vậy có giới hạn nào cho cuộc thi này không?

Nhà báo Trần Sĩ Tuấn, Trưởng ban Tổ chức cuộc thi: Những tấm lòng cao đẹp như ngọc trong đá và chúng ta phải di tìm, phải phát hiện những tấm gương ấy. Khi nào người tốt còn thì vẫn còn cuộc thi.

Nhà báo Quỳnh Hoa, báo Văn hóa: Thầy thuốc chăm sóc nhân dân, nhưng những người vợ người chồng của họ cũng hy sinh thì có nằm trong đối tượng dự thi hay không? Hoặc như những gia đình có người hiến tạng cho y học có là đối tượng không?


Nhà báo Trần Sĩ Tuấn, Trưởng ban Tổ chức cuộc thi: Nếu những người vợ, người chồng của các y bác sĩ cũng hy sinh và đó là sự hy sinh thật sự thì cũng có thể là đối tượng dự thi. Kể cả những gia đình có người hiến tạng cho y học để cứu người. Cuộc thi làn thứ IV đã trao giải 3 cho người mẹ quyết định hiến tạng cho con mình. Vì vậy tất cả những tấm lòng hy sinh cao cả đều được tôn vinh trong cuộc thi này.


Nguyễn Hồng (ghi)

Thái Bình
Ý kiến của bạn