Nước bọt có vai trò vô cùng quan trọng trong cơ thể. Không chỉ giúp quá trình xử lý thức ăn, nước bọt còn có vai trò giữ vệ sinh răng miệng và ngăn chặn các vi khuẩn. Không những vậy, từ cách đây hơn 2.000 năm, những thầy thuốc của y học cổ truyền Trung Hoa cổ đại đã kết luận nước bọt và máu là “anh em” trong cơ thể và chúng đến từ cùng một nguồn gốc. Người ta tin rằng những thay đổi ở nước bọt chỉ thị cho tình trạng sức khỏe của bệnh nhân. Tiềm năng chẩn đoán bệnh của nước bọt là rất lớn, từ các bệnh lý vùng miệng như sâu răng và nha chu cho đến các bệnh toàn thân như bệnh di truyền, bệnh tự miễn, bệnh chuyển hóa hay ung thư…
Một chất dịch đặc biệt
Nước bọt là một dịch lỏng, trong suốt, không màu, quánh, có nhiều chức năng quan trọng như: tiêu hóa (có enzym thủy phân tinh bột), bôi trơn (giúp cho các hoạt động nhai, nuốt và nói), làm sạch (loại bỏ những mảnh vụn thức ăn ở miệng và răng), tái khoáng hóa (giúp lành sâu răng ở giai đoạn sớm), bảo vệ (như một yếu tố kháng khuẩn chống lại vi sinh vật và trung hòa acid do mảng bám vi khuẩn sinh ra).
Khoa học hiện đại đã chứng minh trong nước bọt có hơn chục loại enzym, nhiều vitamin và các nguyên tố vi lượng, các acid hữu cơ và hormon cần thiết cho cơ thể. Ví dụ, ngoài men amylase tiêu hóa, còn có lysozyme kháng khuẩn, immunoglobulin tăng cường miễn dịch, muccus protein bảo vệ niêm mạc dạ dày...
![]() Lẫy mẫu nước bọt tại nhà để xét nghiệm bệnh.Ảnh: TT |
Nước bọt giúp dự báo tình trạng sức khỏe
Nước bọt trong miệng có vai trò vô cùng quan trọng. Khi nước bọt được tiết ra ít hơn bình thường có thể khiến cho miệng bị khô và là điều kiện thuận lợi dẫn tới nhiều bệnh về răng miệng như: làm gia tăng nguy cơ mắc sâu răng, viêm lợi, nha chu… Tình trạng khô miệng do nước bọt tiết ra ít có thể xuất phát từ một số nguyên nhân phổ biến như do người bệnh bị dị ứng, do cơ thể bị thương, bị cảm, sốt… Ngược lại, khi xuất hiện tình trạng khô miệng, có thể dự báo cơ thể đang có nguy cơ mắc các chứng bệnh nêu trên. Nhiều bậc cha mẹ thường lo lắng khi thấy con mình bị chảy nước dãi mà không hề biết đấy là một hiện tượng bình thường, báo hiệu tình trạng sức khỏe tốt của trẻ.
Khi bị khô miệng, cách khắc phục phổ biến nhất là người bệnh nên uống thật nhiều nước, hoặc nhai kẹo cao su không đường để kích thích tuyến nước bọt hoạt động tích cực. Ngoài ra, cần giữ gìn vệ sinh răng miệng như đánh răng sau khi ăn, đặc biệt là với trẻ nhỏ. Trong các trường hợp đặc biệt, cần đến sự giúp đỡ của các bác sĩ, để kích thích tuyến nước bọt hoạt động, các loại thuốc phổ biến được sử dụng bao gồm: salagen hay evoxac. Tuy nhiên, cần phải dùng theo chỉ định của bác sĩ.
Xét nghiệm nước bọt giúp chẩn đoán HIV/AIDS…
Theo những nghiên cứu mới nhất của Trường Đại học McGill (Canada) vừa thử nghiệm ở 450 cư dân Ấn Độ phương pháp “OraQuick HIV-1/2” giúp chẩn đoán HIV/AIDS bằng cách phân tích nước bọt.
Các nhà nghiên cứu ghi nhận rằng phương pháp OraQuick HIV có độ chính xác 100% trong khi xét nghiệm máu có thể cho những kết quả dương tính sai (chính xác 99,7%). Phương pháp mới chỉ cần trích nước bọt trong miệng nên rất dễ thực hiện và cho kết quả trong vòng 40 phút, trong khi xét nghiệm máu đòi hỏi phải chờ đến 2 tuần mới có thể thông báo kết quả cho bệnh nhân. Hiện chưa phát hiện đường lây truyền HIV/AIDS qua nước bọt vì lượng virut HIV trong nước bọt không nhiều. Tuy nhiên, các chuyên gia cũng khuyến cáo giữa người lành và người bệnh cũng không nên hôn sâu mà chỉ nên hôn trên bờ môi.
![]() Cần điều trị sớm các bệnh răng miệng để tránh nguy cơ bệnh tật. Ảnh: TL |
… Và độ chính xác cao trong các bệnh di truyền
Ngoài ra, xét nghiệm nước bọt cũng có thể giúp xác định ADN một cách chính xác. Không như các xét nghiệm di truyền truyền thống (cần một mẫu máu cho một bệnh chuyên biệt và việc lấy mẫu được thực hiện tại bệnh viện), các xét nghiệm mới từ nước bọt chỉ cần một lượng nhỏ nước bọt tự lấy tại nhà, gửi mẫu nước bọt đến phòng xét nghiệm và sẽ nhận được kết quả trả lời.
Theo những nghiên cứu mới nhất, từ nước bọt có thể tìm kiếm hơn 400 đột biến của 109 bệnh di truyền khác nhau với độ chính xác 99,9%, trong đó có các bệnh khá phổ biến như các nang u xơ, bệnh hồng cầu hình liềm, bệnh tay-sachs (bệnh đần độn và mù gia đình), bệnh thiếu máu vùng biển (beta thalassaemia), bệnh teo cơ tủy mạn tính...
Chẩn đoán nước bọt có thể tạo ra một thay đổi lớn trong thực hành lâm sàng bằng việc đưa ra các xét nghiệm thuận tiện, chính xác và không gây đau, không làm bệnh nhân sợ, nhất là các bệnh nhi. Một chút nước bọt sẽ giúp việc theo dõi tình trạng sức khỏe, khởi phát, tiến triển bệnh và đánh giá kết quả điều trị có thể thực hiện ngay cả ở vùng xa xôi, hẻo lánh hay vùng nghèo khó.
Mối nguy từ “gia vị” của tình yêu
Nụ hôn là hương vị của tình yêu, khi hôn nhau, tất nhiên có việc nước bọt luân lưu qua lại giữa hai cửa miệng, có thể có thương tích do đụng chạm, cọ sát răng và lưỡi dẫn đến nhiễm khuẩn. Các bà mẹ khi hôn nựng con cũng dễ truyền vi khuẩn Streptococci: S. Mutans và S. Sobrinus vào miệng con và làm hỏng răng, cũng giống như thói quen nhai và mớm cơm cho con của các bà mẹ Việt khi xưa. Vi khuẩn này có nhiều ở dưới lớp vôi đóng cặn tại chân răng người mẹ.
Nhiều bệnh tật khác nữa có thể lây lan khi hai người hôn nhau (thậm chí không cần hôn mà chỉ do ăn uống, sinh hoạt chung cũng có thể lây nhiễm). Vì thế, để vừa thưởng thức vị ngọt ngào của tình yêu mà vẫn tránh được những rủi ro từ bệnh tật, các bác sĩ khuyến cáo: Nên giữ gìn vệ sinh răng miệng, điều trị những bệnh về răng miệng nếu có, giữ hơi thở thơm tho bằng nước súc miệng, một số loại kẹo, dược liệu... Và không hôn nhau khi mắc những bệnh có khả năng truyền nhiễm cao qua đường thở, nước bọt...
Bác sĩ Trần Quốc Ninh