Hà Nội

Sự kỳ diệu của đậu tương

Theo Y học cổ truyền, đậu tương tính bình, vị ngọt, lợi thủy hạ khí, tránh được nóng lạnh, giải nhiều loại độc. Mùa xuân dùng đậu tương giúp điều hòa âm dương; mùa hè phòng cảm nắng, giải khát; mùa đông giúp giữ ấm dạ dày, bổ dưỡng. Sau đây là một số món ăn bài thuốc từ các sản phẩm của đậu tương.

Đậu tương hay còn được gọi là đỗ tương, đậu nành là loại cây giàu hàm lượng  đạm protein. Hạt đậu nành chứa 8% nước, 5% chất vô cơ, 15 - 25% glucose, 15 - 20% chất béo, 35 - 45% chất đạm với đủ các loại amino acid cần thiết và nhiều sinh tố, khoáng chất. So với thịt động vật, đậu nành có nhiều chất dinh dưỡng hơn: 100g đậu nành có 411 calo; 34 g đạm; 18g béo; 165mg calcium; 11mg sắt; trong khi đó thịt bò loại ngon chỉ có 165 calo, 21g đạm; 9g béo; 10mg calcium và 2.7mg sắt. Quan trọng hơn cả là trong đậu nành có một hóa chất tương tự như kích thích tố nữ estrogen mà nhiều công trình khoa học chứng minh là rất tốt trong việc trị và ngừa một số bệnh.

Theo Y học cổ truyền, đậu tương tính bình, vị ngọt, lợi thủy hạ khí, tránh được nóng lạnh, giải nhiều loại độc. Mùa xuân dùng đậu tương giúp điều hòa âm dương; mùa hè phòng cảm nắng, giải khát; mùa đông giúp giữ ấm dạ dày, bổ dưỡng. Sau đây là một số món ăn bài thuốc  từ các sản phẩm của đậu tương.

Đậu tương có thể chế biến thành nhiều thực phẩm đa dạng.

Bài 1: Hỗ trợ điều trị liệt dương, di tinh: Đậu phụ, thịt dê, tôm, gừng, hành, nấu thành món ăn trong bữa cơm hằng ngày. Mỗi liệu trình từ 5-7 ngày.

Bài 2: Hỗ trợ giúp sản phụ ít sữa: Đậu phụ 500 g, vương bất lưu hành (sao) 30g, thêm nước 3 bát nước, đem đun nhỏ lửa khoảng 1 giờ, ăn đậu, uống nước thuốc, ăn liền 5 ngày.

Bài 3: Hỗ trợ điều trị tăng huyết áp: Đậu phụ 300g, nấm hương 30g, măng tươi 3g, rau cải 10g, dầu thực vật và gia vị vừa đủ, nấu thành món canh ăn trong các bữa cơm. Có thể thay thế bài: Đậu phụ 100g, mộc nhĩ 15g, dầu thực vật, hành gừng tươi và gia vị vừa đủ, nấu thành canh ăn. Cũng có thể lấy đậu phụ 200g, giá đậu tương 250g, cải canh 100g, dầu thực vật và gia vị vừa đủ, nấu canh ăn. Mỗi liệu trình 5 - 7 ngày.

Bài 4: Chữa rối loạn tiêu hoá do nóng: Đậu phụ luộc với dấm, ăn ngày 2-3 lần, mỗi lần 100-150g. Dùng liền 5 ngày.

Bài 5: Chữa tiểu tiện nhiều, phụ nữ nhiều khí hư: Váng sữa đậu nành 50g, bạch quả 10g (bỏ vỏ và lõi), gạo tẻ 30 - 40g, nấu cháo ăn. Ăn liền 7 ngày.

Bài 6: Cai thuốc lá: Đậu phụ sống 20g, khoét một số lỗ, cho đường đỏ vào hấp chín, mỗi lần thèm thuốc thì xúc mấy thìa ăn, dần dần sẽ thấy ác cảm với thuốc lá.

Ngoài ra, uống sữa đậu nành có thể dự phòng bệnh mất trí nhớ tuổi già hoặc chứng hen suyễn. Đối với bệnh nhân thiếu máu, đậu tương giúp cơ thể nâng cao sức đề kháng, cải thiện tình trạng sức khỏe. Những người trẻ tuổi dùng các sản phẩm đậu tương chế biến hàng ngày sẽ tránh được mụn nhọt, nổi mề đay, giữ được làn da luôn tươi trẻ. Tuy nhiên, khi áp dụng bài thuốc trên phải được các thầy thuốc bắt mạch để dùng cho thích hợp.


Bác sĩ Trần Văn Thuấn
Ý kiến của bạn