Trả lời phỏng vấn VTC News, anh Trần Văn Long, Phó chủ tịch Hội thiên văn nghiệp dư Hà Nội, cho biết trong lần nguyệt thực toàn phần lần này, thời gian và góc độ quan sát sẽ thuận lợi hơn rất nhiều so với lần nguyệt thực diễn ra vào tháng 10 năm ngoái.
Vì vậy nếu ai đã từng được chiêm ngưỡng hiện tượng trăng máu vừa qua thì hoàn toàn có thể chờ đợi một buổi quan sát tuyệt vời trong lần này.
Người dân được khuyến cáo chọn một khu vực rộng rãi và trong lành nhất có thể, càng tránh xa khỏi ánh đèn đô thị càng tốt để có thể quan sát hiện tượng kỳ thú này.
Cũng theo anh Trần Văn Long, đây là một hiện tượng thiên văn có thể quan sát được bằng mắt thường nhưng sẽ thú vị hơn nếu bạn có một chiếc ống nhòm hoặc kính thiên văn. Mặt trăng rất tròn và to nhất nên dễ dàng định vị được trong quá trình quan sát.
Anh Long cũng giải thích thêm về hiện tượng "mặt trăng máu" này là do khi mặt trăng đi vào sâu hơn bóng của trái đất, mặt trăng sẽ dần dần thay đổi màu sắc, chuyển từ bạc sang màu cam hoặc đỏ. Nguyên nhân đến từ chính khí quyển của trái đất.
Khí quyển trái đất với mật độ và nhiệt độ khác nhau theo độ cao giống như một lăng kính, tán sắc ánh sáng mặt trời ra thành 7 sắc cầu vồng, trong đó màu đỏ là màu bị bẻ lệch vào vùng trung tâm bóng tối trái đất.
Khi mặt trăng đi vào vùng tối, thực ra nó không tối hoàn toàn mà vùng đó bị những tia sáng đỏ chiếu rọi, kết quả tạo ra một mặt trăng máu . Hiện tượng này về bản chất vật lí cũng giống như việc mặt trời khi hoàng hôn có màu đỏ.
Hiện tượng nguyệt thực toàn phần xảy ra vào ngày 4/4 tới đây tại Việt Nam sẽ có thời gian cchi tiết (theo giờ Hà Nội) như sau:
Mặt trăng đi vào vùng bóng nửa tối lúc 16h01p (bắt đầu)
Bắt đầu pha một phần lúc 17h15p
Bắt đầu pha toàn phần lúc 18h57p
Đạt cực đại lúc 19h00p
Kết thúc pha toàn phần lúc 19h02p
Kết thúc pha một phần lúc 20h44p
Mặt trăng đi ra khỏi vùng bóng nửa tối lúc 21h59p (kết thúc)
Được biết, trong sự kiện này, Hội Thiên văn nghiệp dư Hà Nội tổ chức quan sát hiện tượng nguyệt thực toàn phần cho hàng trăm hội viên và những người yêu thiên văn học, thời gian quan sát bằng kính thiên văn từ 17h - 21h tại địa điểm cột đồng hồ trước Sân vận động quốc gia Mỹ Đình, Hà Nội
Lần nguyệt thực một phần tiếp theo tại khu vực Việt Nam quan sát được sẽ diễn ra vào ngày 8/8/2017, còn để chiêm ngưỡng nguyệt thực toàn phần lần kế tiếp, phải đợi đến 31/1/2018.
Năm 2014, Việt Nam từng có một lần quan sát được nguyệt thực toàn phần vào ngày 8/10/2014, tuy nhiên thời điểm đó là mùa thu sắp sang đông, trời nhiều mây, cộng với thời gian diễn ra nguyệt thực hơi sớm (16h - 19h) nên điều kiện quan sát không thể thuận lợi hơn lần nguyệt thực ngày 4/4 tới đây, cũng là ngày 16 Âm lịch, trăng tròn nhất trong tháng.