Tôi 24 tuổi, mới kết hôn và quyết định có con ngay. Tôi bị chậm kinh đã ba ngày, dùng que thử thai thì thấy lên một vạch. Hôm rồi, tôi thấy xuất hiện một ít máu. Tôi băn khoăn không biết đó có phải là kinh nguyệt hay không.
Đến hôm nay, lượng máu vẫn ra rất ít không nhiều như kinh nguyệt. Tôi nghe nói, trong trường hợp có thai cũng có thể xuất hiện một ít máu làm nhiều người lầm tưởng là đến ngày "đèn đỏ". Bác sĩ cho tôi hỏi, máu báo có thai và kinh nguyệt khác nhau như thế nào?
Hiền Lan (Nam Định)
Khi trứng được thụ tinh tạo thành phôi và làm tổ trong buồng tử cung, phôi thai làm tổn thương một ít niêm mạc tử cung, gây ra hiện tượng xuất huyết. Nhiều người vẫn gọi đây là máu báo thai. Hiện tượng ra máu này có thể xảy ra trong khoảng 8 ngày sau khi rụng trứng hoặc những ngày đầu chậm kinh.
Trong trường hợp máu báo thai xuất hiện vào cuối kì kinh nguyệt hoặc khi chậm kinh 1- 2 ngày, nhiều người dễ bị nhầm lẫn với kinh nguyệt. Máu kinh nguyệt thường có màu đỏ sậm, không đông gồm máu và các mảnh vụn của niêm mạc tử cung, chất nhầy cổ tử cung. Thông thường máu kinh sẽ ra ồ ạt và kéo dài khoảng 3-5 ngày hoặc lâu hơn tùy từng người.
Máu báo thai thường có dạng đốm nhỏ, là máu tươi và không kèm theo dịch nhầy. Máu báo thai cũng thường xuất hiện khi thai nhi 3-4 tuần tuổi. Lượng máu và thời gian ra máu báo thai có thể không giống nhau ở nhiều phụ nữ. Trong khi có những người không có dấu hiệu nào, thì có những người chỉ ra vài giọt, cũng có người ra một ít nhưng kéo dài 1-2 ngày. Đặc điểm chung của máu báo thai ở hầu hết phụ nữ là ít hơn rất nhiều so với kinh nguyệt.
Tuy nhiên, khi hiện tượng máu báo thai có dấu hiệu bất thường như máu ra nhiều hoặc có kèm theo hiện tượng đau bụng, sốt… mà không phải là kinh nguyệt, bạn cần đi khám ngay vì đó có thể là dấu hiệu cảnh báo mang thai lưu, thai ngoài dạ con...
Trong trường hợp của bạn, chưa thể nhìn vào máu báo thai mà kết luận bạn có thai hay không. Bạn cần theo dõi thêm tình trạng của mình. Để yên tâm hơn, bạn nên đi khám phụ khoa tại các cơ sở y tế có uy tín để được bác sĩ kiểm tra, làm các xét nghiệm nếu cần thiết và để biết bạn mang thai hay là đang mắc bệnh phụ khoa nào đó.
BS Liên Hồng/Báo Gia đình & Xã hội