Chính sách này hoàn toàn khác với loại hình Bảo hiểm nhân thọ.
Theo quy định của Luật BHXH, người lao động khi làm việc được người sử dụng lao động cùng đóng BHXH để hưởng đủ các chế độ ốm đau, thai sản, tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp, hưu trí, tử tuất; người đủ 15 tuổi mà không thuộc trường hợp được người sử dụng đóng BHXH thì được tham gia BHXH tự nguyện để hưởng chế độ hưu trí và tử tuất.
Việc so sánh thật chi tiết về quyền lợi giữa BHXH và Bảo hiểm nhân thọ là rất khó do Bảo hiểm nhân thọ có nhiều gói quyền lợi khác nhau. Về cơ bản, có một số điểm khác biệt lớn sau:
Sự khác biệt lớn nhất là ở mục đích: BHXH là loại hình bảo hiểm phi lợi nhuận, còn Bảo hiểm nhân thọ nhằm mục đích là sinh lời. Như vậy, khoản lời của Bảo hiểm nhân thọ được lấy từ chính tiền của người tham gia. Cần lưu ý là thù lao cho đại lý của Bảo hiểm nhân thọ rất lớn (từ 20 - 25% trong năm đầu và giảm dần trong các năm về sau nhưng không dưới 5%).
Về điều kiện, mức phí tham gia: Đối tượng tham gia BHXH là công dân Việt Nam từ đủ 15 tuổi trở lên và không thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc với mức đóng xác định trước là 22% vào quỹ hưu trí, tử tuất. Nhưng đối với Bảo hiểm nhân thọ, mặc dù nhìn thoáng qua các gói quyền lợi thì thấy có vẻ hấp dẫn nhưng họ đặt ra điều kiện khá ngặt nghèo về tuổi đời, sức khỏe tại thời điểm giao kết hợp đồng bảo hiểm để giảm thiểu rủi ro.
Về quyền lợi: Tiền đóng vào quỹ BHXH đều được điều chỉnh tăng tương ứng với chỉ số giá tiêu dùng từng năm (CPI) theo quy định của Chính phủ được công bố tại năm mà người tham gia hưởng chế độ (chỉ số CPI tăng bình quân 8,1%/năm, tính từ năm 2008 đến nay). Còn Bảo hiểm nhân thọ thì tính theo lãi suất thị trường.
Người đang tham gia BHXH khi chết hoặc bị thương tật vì bất cứ lý do gì thì thời gian đã đóng BHXH đều được ghi nhận để tính hưởng BHXH. Còn đối với Bảo hiểm nhân thọ có quy định DN không phải trả tiền bảo hiểm trong một số trường hợp (chết do tự tử trong thời hạn 2 năm kể từ ngày nộp khoản phí bảo hiểm đầu tiên hoặc kể từ ngày hợp đồng bảo hiểm tiếp tục có hiệu lực; chết hoặc bị thương tật vĩnh viễn do lỗi cố ý của bên mua bảo hiểm hoặc lỗi cố ý của người thụ hưởng; người được bảo hiểm chết do bị thi hành án tử hình).
Người tham gia BHXH, khi đã hưởng lương hưu thì mức lương hưu được điều chỉnh định kỳ theo chỉ số giá tiêu dùng và mức tăng trưởng kinh tế. Trong thực tế, gần như hàng năm Nhà nước đều điều chỉnh tăng lương hưu. Chỉ tính riêng cho giai đoạn từ năm 2003 đến nay, Chính phủ đã nhiều lần điều chỉnh lương hưu với mức tăng từ khoảng 7,5 - 9,3 lần (tùy theo nhóm đối tượng) so với mức lương hưu tại thời điểm năm 2002.
Ngoài ra, trong toàn bộ thời gian hưởng lương hưu, người lao động được quỹ BHXH trả kinh phí để cấp thẻ BHYT và được hưởng các quyền lợi về khám, chữa bệnh bình đẳng với mọi người khác mà không phụ thuộc vào mức phí tham gia, loại bệnh...
Khi người hưởng qua đời, người lo mai táng còn được hưởng trợ cấp mai táng bằng 10 tháng lương cơ sở tại thời điểm chết, thân nhân được hưởng chế độ tử tuất (trợ cấp hàng tháng hoặc một lần). Đây là ưu điểm vượt trội của BHXH.
Đối với Bảo hiểm nhân thọ, quyền lợi được hưởng theo hợp đồng đã ký kết. Ngoài ra, trong trường hợp rủi ro mà DN bảo hiểm phá sản thì người tham gia có thể mất hết quyền lợi. Ngược lại, khi tham gia BHXH thì quyền lợi của người tham gia được bảo đảm an toàn tuyệt đối. Bởi vì quỹ BHXH được Nhà nước bảo hộ, Nhà nước có chính sách bảo đảm khả năng chi trả bền vững của quỹ BHXH; trong trường hợp bất khả kháng, Nhà nước sẽ điều tiết để bảo đảm quyền an sinh xã hội của người dân.
Như vậy, có thể nói người tham gia BHXH khi hưởng lương hưu được hưởng rất nhiều quyền lợi và chính lương hưu mới là chỗ dựa vững chắc cho người lao động khi về già, khi không còn khả năng để lao động tạo thu nhập. Đây là ưu điểm vượt trội của chính sách BHXH so với Bảo hiểm nhân thọ.