Nhà báo Hữu Thọ phát biểu tại Lễ Phát động cuộc thi Sự hy sinh thầm lặng lần III. Ảnh: Trần Minh
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến và Tổng biên tập Trần Sĩ Tuấn tại Lễ phát động cuộc thi Sự hy sinh thầm lặng lần thứ III. Ảnh: Trần Minh
Cuộc thi Sự hy sinh thầm lặng - nghĩa cử của báo Sức khỏe&Đời sống với các thầy thuốc
Cuối tháng 6 này, báo Sức khỏe&Đời sống lại một lần nữa tổ chức Lễ phát động Cuộc thi viết Sự hy sinh thầm lặng lần thứ V như một sứ mệnh để nối tiếp những mạch nguồn cảm xúc, để nhân lên nữa những tấm gương cao đẹp và bình dị của người thầy thuốc và để những hy sinh lặng thầm không thể bị lãng quên.
Những đêm tổng kết và trao giải cuộc thi viết Sự hy sinh thầm lặng luôn được truyền hình trực tiếp vào giờ vàng trên sóng VTV1 của Đài Truyền hình Việt Nam, được sự quan tâm tham dự của các đồng chí lãnh đạo cao nhất của Đảng và Nhà nước, tạo hiệu ứng trân trọng, cảm động trong cộng đồng.
Có mấy ai biết được bao nhiêu áp lực mà người bác sĩ phải gánh trên vai khi hành nghề y? Có bao nhiêu bác sĩ được tôn vinh vì những cống hiến cho nền y học, cho sự chữa trị bệnh nhân? Chữa trị hàng ngàn bệnh nhân khỏi bệnh, hồ dễ đã mấy ai nhớ, chỉ cần sơ sẩy, hay do vô ý sơ sẩy là rất có thể sẽ thành mục tiêu... dằn hắt của cộng đồng.
Nhờ sự lan tỏa của cuộc thi Sự hy sinh thầm lặng mà rất nhiều tấm gương đẹp đã được xã hội biết đến và tôn vinh. Hình ảnh của những thầy thuốc áo trắng ngày đêm âm thầm vượt qua khó khăn, gian khổ, chiến đấu với bệnh tật, bảo vệ sức khỏe, tính mạng người dân không còn như cây quế giữa rừng/thơm tho ai biết ngát lừng ai hay, dần trở nên thân thuộc, gần gũi hơn với cộng đồng. Đây thực sự là một nghĩa cử công bằng với các thầy thuốc mà tờ báo của ngành y tế đã làm được.
Đồng chí Võ Văn Thưởng - Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam và Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến trao giải Nhất cuộc thi Sự hy sinh thầm lặng lần thứ IV. Ảnh: Trần Minh
Đại hội thi đua đặc biệt của ngành y
Nhân vật trung tâm của Sự hy sinh thầm lặng dĩ nhiên là các thầy thuốc với những câu chuyện giờ mới kể. Qua đó cũng thấy được bức tranh toàn cảnh của ngành, từ hải đảo muôn trùng đến vùng núi xa xôi, từ vùng dân tộc hẻo lánh đến huyện thị đông đúc. Dù ở đâu, người thầy thuốc cũng xác định trách nhiệm cao cả của mình đó là chăm sóc sức khỏe nhân dân. Rèn luyện và giữ gìn y đức, đó là hành trình chưa bao giờ kết thúc của những người khoác trên mình chiếc áo blouse trắng.
Nếu không có cuộc thi này, làm sao chúng ta được biết về người thầy thuốc quê Thái Bình gần 30 năm xếp lại nỗi nhớ nhà để ở lại với bà con ngư dân. Ca cấp cứu tại đảo Phú Quý - nơi cách đất liền hơn 100 cây số, có khi người lái xe cấp cứu lại chính là Giám đốc bệnh viện. Hàng chục năm ông đã cứu sống hàng ngàn người trên đảo. 3 lần Sở Y tế đồng ý chuyển bác sĩ về đất liền thì 3 lần người dân trên đảo lại viết đơn xin giữ ông ở lại. Có bác sĩ suốt 35 năm bầu bạn trong thế giới người điên, chấp nhận điều kiện sống kham khổ, phòng làm việc cũng chính là phòng ngủ và nơi nấu ăn... Chúng ta cũng chỉ nhờ cuộc thi này mới biết mặt gọi tên Người bác sĩ nơi rừng sâu núi thẳm - BS. Võ Thanh Dũng - Trạm trưởng Trạm y tế xã Yang Reh, huyện KRông Bông, tỉnh Đăk Lăk, người “dám làm ngược lại thần linh” và đã khiến bà con dân bản tin vào y khoa. Là BS. Phạm Thị Ánh Hồng, Phó Giám đốc Trung tâm Cấp cứu 115 Đà Nẵng, một “nữ bác sĩ thép” đã cùng với đồng đội luôn sẵn sàng “lao ra biển” mỗi khi có người gọi cứu hộ, mặc dù trong những chuyến đi đầy hiểm nguy luôn canh cánh trong lòng nỗi lo lắng của người mẹ: “Mình chết thì con mình sẽ ra sao”. Đó còn là bác sĩ của dân bản - Và Bá Tủa, Trạm trưởng Trạm y tế xã Nhôn Mai, huyện biên giới Tương Dương (Nghệ An), người luôn lặn lội tìm đến người bệnh và bằng những hành động của mình chẳng những thu phục được dân làng mà còn chinh phục được cả bố đẻ vốn làm nghề thầy cúng chữa bệnh bằng cách... đuổi ma. Có những điều dưỡng, hộ lý 30 năm vác xác tử thi, suốt bao nhiêu năm chăm sóc những bệnh nhân phong, bệnh nhân ung thư, tâm thần…; Có bác sĩ là khắc tinh của những khối u quái trong khi bản thân cũng là một nạn nhân của những khối u, nhưng vẫn vật lộn với bệnh tật, giành giật sự sống hàng ngày để tiếp tục chăm sóc bệnh nhân... Có những bác sĩ phải ngâm đôi bàn tay trong đá lạnh buốt trong hàng giờ đồng hồ để đảm bảo ca bóc tách và ghép tạng thành công...
Và còn biết bao câu chuyện về các bác sĩ hết lòng nghiên cứu khoa học tìm ra con đường mới trong y khoa, sự nhiệt thành tâm đức của những tập thể y, bác sĩ đối với người bệnh vẫn còn làm thổn thức bao trái tim đồng cảm…
Trao giải cho các tác giả đoạt giải Nhì cuộc thi Sự hy sinh thầm lặng lần thứ IV. Ảnh: Trần Minh
Cuộc thi báo chí chứ không phải văn chương nghệ thuật
Thầy thuốc phải đối mặt với nỗi đau của người bệnh nhưng bản thân nghề thầy thuốc cũng có quá nhiều nỗi đau. Mà cao nhất là nỗi đau của sự bất lực phải chứng kiến cái chết của một con người, của nhiều con người mà chúng ta vẫn quen với cụm từ “y học bó tay”. Nghề thầy thuốc bấy lâu vẫn được coi là nghề nguy hiểm. Nhưng trong bối cảnh xã hội của ngày hôm nay với nhiều giá trị đạo đức xuống cấp đáng báo động thì môi trường bệnh viện không chỉ đe dọa người thầy thuốc bởi những nguy cơ lây nhiễm bệnh tật mà còn là danh dự, là tính mạng của họ. Không ít thầy thuốc đã bị người nhà bệnh nhân truy sát ngay trong lúc đang làm nhiệm vụ cứu chữa người bệnh, khiến chúng ta đau lòng và căm phẫn. Câu chuyện ở một số bệnh viện, nhân viên/bác sĩ học võ để bảo vệ chính mình là một vấn đề thời sự không thể của riêng ngành y tế.
Với hiện thực phong phú và sống động đó, có thể nói các bệnh viện, các cơ sở y tế chính là môi trường đem đến cho con người nhiều cung bậc cảm xúc nhất. Vì vậy mà cuộc thi viết Sự hy sinh thầm lặng cũng là một cơ hội để cho các cây bút khắc họa được những chân dung thầy thuốc có số phận, mang ý nghĩa triết lý sâu xa. Điều đó rất gần với chức năng của văn chương. Nhưng Sự hy sinh thầm lặng là một cuộc thi báo chí chứ không phải văn chương nghệ thuật. Bởi thế mà tính phát hiện là số 1. Những câu chuyện có thực thông qua ngòi bút của các nhà văn, nhà báo sẽ khiến độc giả có sự cảm thông, chia sẻ sâu sắc với các y bác sĩ. Sự đồng cảm đó sẽ là liều thuốc tiếp sức cho các thầy thuốc trên trận chiến bệnh tật và cả sự cô đơn trong hành trình cứu người hay là bảo vệ chính mình. Thực tế những tác phẩm được giải cao từ cuộc thi này đều là do các tác giả như Phạm Vân Anh, Khánh Ly, Hà Văn Đạo, Trung Việt, Vũ Toàn... đã không quản ngại gian khó vượt hàng chục hải lý ra tận đảo Phú Quý, đảo Lý Sơn, Hoàng Sa...; tìm về trạm y tế ở vùng sâu biên giới Tây Nam; vượt qua chặng đường với nhiều đèo cao dốc đứng, suối sâu vực thẳm để đến vùng sơn cước Mù Cang Chải... nên trong nhiều bài viết đã khắc họa được những nguyên mẫu rất cảm động.
Trong lúc xã hội rất nhiều sự lộn xộn, văn hóa xuống cấp, được tiếp xúc với rất nhiều tấm gương khiến người ta yêu đời hơn. Báo chí mới chỉ đề cập tới sự mệt mỏi của người dân khi đi khám bệnh, nhưng còn ít nhắc tới sự mệt nhọc về cả thể xác lẫn tinh thần của người thầy thuốc khi đối mặt với người bệnh và sự quá tải.
Người thầy thuốc vẫn bị người đời bỏ quên ngay cả khi họ vẫn đang hiện hữu? Vì thế, tôi đánh giá rất cao người có sáng kiến tổ chức cuộc thi Sự hy sinh thầm lặng. Đúng là hy sinh thật. Mà mấy lần hy sinh...