Sự hy sinh thầm lặng của một nữ cán bộ y tế xã

18-09-2010 09:10 | Xã hội
google news

Đến thôn Bình Nông, xã Xuân Lâm, thị xã Sông Cầu, tỉnh Phú Yên hỏi đến y sĩ Nguyễn Thị Yến - Trưởng trạm y tế xã Xuân Lâm thì cả làng từ già đến trẻ, ai ai cũng đều biết.

Đến thôn Bình Nông, xã Xuân Lâm, thị xã Sông Cầu, tỉnh Phú Yên hỏi đến y sĩ Nguyễn Thị Yến - Trưởng trạm y tế xã Xuân Lâm thì cả làng từ già đến trẻ, ai ai cũng đều biết.

Y sĩ Nguyễn Thị Yến sinh năm 1972, trong một gia đình nông dân nghèo, hoàn cảnh gia đình có nhiều éo le... Gia đình chị có 3 chị em. Tuổi thơ của chị là những ngày tháng vắng bóng cha biền biệt.

Hàng ngày, một mình mẹ chị phải gánh vác mọi việc trong nhà, phải chặt cây, đốn củi, làm thuê... để kiếm tiền chi tiêu và nuôi dưỡng các con bữa đói, bữa no qua ngày. Thế rồi, ngày qua tháng lại, việc đâu cũng vào đấy. Tuy nhọc nhằn, đói khổ nhưng mẹ chị rất thương yêu các con và mong muốn các con của mình học hành thành đạt để dân làng khỏi phải khinh thường là những đứa trẻ thiếu cha.

 Y sĩ Nguyễn Thị Yến.

Khi còn nhỏ chị đã ước mơ cố gắng học tập để lớn lên sẽ trở thành y sĩ chăm sóc sức khỏe cho mẹ và cho dân làng. Chính ước mơ nhỏ bé, bình dị đó là động lực thôi thúc chị băng đèo, trèo dốc, lội suối, vượt sông, vượt qua hàng chục cây số để đến trường học cho bằng được, đã 3 lần suýt chết vì nước lũ cuốn trôi. Có một lần vào mùa mưa, sau giờ sinh hoạt lớp, trời mưa lớn, nước lũ dâng cao. Biết vậy nhưng chị vẫn không chịu ở lại nhà bạn vì sợ mẹ lo và trông đợi. Hơn nữa, chị chưa bao giờ ở lại nhà người khác nên chị đã quyết định ra về. Vì trời tối như mực, ếch nhái kêu vang, đường sá vắng tanh không một bóng người qua lại, không thấy rõ mực nước nên chị lội ra giữa dòng suối, vì nước lũ quá mạnh đã cuốn chị theo dòng nước. Tưởng chị đã vĩnh viễn ra đi, nhưng may chị đã với được ngọn cây và bơi được vào bờ, xe đạp, mũ, dép, sách vở đã bị nước lũ cuốn trôi mất.

Sau ngày hôm đó, những khi rảnh rỗi chị thường xuyên vác cây chuối ra sông kết bè để tập bơi. Với lòng quyết tâm cao, chẳng bao lâu chị đã trở thành tay bơi chuyên nghiệp và là vận động viên đạt giải Nhất bộ môn bơi lội của trường. Tiếng tăm của chị vang lên từ đó.

Thấy chị chăm chỉ học hành, lại ngoan ngoãn, chịu khó nên mẹ chị rất thương chiều và hy vọng. Năm lên lớp 6, chị cả lập gia đình và về nhà chồng; còn anh trai biếng nhác, không muốn cho chị ăn học thường đánh đập chị, nhất là những khi mẹ vắng nhà. Mặc dù đã nhiều lần bị anh trai đánh đập nhưng chị vẫn nhịn nhục chịu đựng và càng cố gắng học tập, giúp đỡ mẹ nhiều hơn vì chị rất thương yêu mẹ và không muốn làm mẹ buồn và thất vọng.

Với tính cần cù, chịu khó nên chị đã được thầy cô yêu thương, bạn bè quý mến.

Thôn chị đang sống là thôn miền núi, đường sá khó đi nhất là vào mùa mưa. Nửa đêm tối lửa tắt đèn, đau bụng, nhức đầu chẳng biết nhờ ai. Huyện đã nhiều lần tìm người tại địa phương cử đi học lớp Trung cấp Y nhưng chẳng có ai đã tốt nghiệp hết cấp 3.

Đến tháng 6/1992, chị tốt nghiệp cấp 3 và cũng là lúc mẹ chị bị bệnh glaucom. Chị định ở nhà chăm sóc mẹ nhưng được mẹ động viên an ủi nên chị đã làm hồ sơ thi vào Trường trung cấp Y tế Phú Yên. Nhưng tiếc thay, trường không mở lớp thi tuyển tự do mà chỉ thi tuyển 3 huyện miền núi, còn huyện Sông Cầu nơi chị ở không thuộc diện nên chị đành phải ở nhà.

Năm ấy, cả thôn chỉ mỗi mình chị tốt nghiệp được cấp 3. Được biết chị đã tốt nghiệp xong cấp 3, huyện cử người đến nhà động viên và mời chị theo học lớp Trung cấp Y tế tại tỉnh Phú Yên do huyện gửi học, đồng thời huyện buộc chị phải làm cam đoan là tốt nghiệp xong ngành y phải về địa phương phục vụ cho dân làng, nếu không thực hiện đúng lời cam đoan thì phải hoàn trả lại toàn bộ kinh phí mà huyện đã đầu tư cho chị trong suốt quá trình học. Chị vui vẻ nhận lời và làm đầy đủ thủ tục theo yêu cầu rồi quần áo lên đường vào Trường trung cấp Y tế Phú Yên.

Vào đây, lớp học đã học hơn 2 tháng. Nhà trường không nhận học viên vì đã quá thời gian quy định, nhưng nhờ sự gửi gắm của lãnh đạo huyện và những lời tâm sự, hứa hẹn đầy nghị lực của chị, trường đã nhận và cho chị vào lớp học. Vào đây, chị được làm quen với nhiều bạn mới và nhiều môn học mới. Chị đến thư viện của trường tìm mượn và mua sách, mượn vở của bạn bè về học. Chị nghĩ muốn cứu sống được người bệnh chỉ giỏi lý thuyết thì chẳng được gì, mà cần phải giỏi về thực hành. Nghĩ vậy, ngoài việc học lý thuyết và thực hành trên mô hình ở lớp, những khi rảnh rỗi, thứ bảy, chủ nhật..., chị lên bệnh viện làm quen với các y - bác sĩ ở bệnh viện, xin được các y - bác sĩ chỉ dẫn và cho chị thực hành trên bệnh nhân.

Với tính cần cù, chịu khó nên chị đã được nhiều y, bác sĩ, hộ lý trong khoa cảm tình, tin tưởng, giúp đỡ, chỉ dẫn chị rất nhiệt tình.

Thời gian thấm thoát trôi qua, vào tháng 8/1995, chị đã tốt nghiệp ra trường và về địa phương.

Vào tháng 10/1995, chị được bổ nhiệm công tác tại Trạm y tế thị trấn Sông Cầu, được phân công giữ chức vụ Trưởng trạm y tế thị trấn Sông Cầu thay cho cô Vũ Thị Hạnh - Trưởng trạm cũ nghỉ việc.

Về đây, mặc dù chị phải đối mặt với nhiều việc làm mới mẻ, đặc biệt là công tác lãnh đạo điều hành mọi hoạt động của trạm nhưng chị không hề kêu ca. Hàng ngày, ngoài việc khám chữa bệnh cho nhân dân tại trạm, tại cộng đồng, chị còn triển khai và tham gia các chương trình y tế khác xuống tận thôn, xóm như: tiêm chủng, cân trẻ, uống vitamin A, tuyên truyền phòng chống dịch bệnh... Có những khi bí việc, chị phải lặn lội hàng chục cây số đến các trạm y tế khác trong huyện để học hỏi kinh nghiệm của từng anh chị trưởng trạm đi trước về những kinh nghiệm làm việc và lãnh đạo điều hành, các lớp tập huấn quản lý, nghiệp vụ chuyên môn được sở y tế tổ chức chị đều tham gia đầy đủ. Chẳng bao lâu mọi công việc đã trở thành quen thuộc đối với chị.

Tại các cuộc họp, hội nghị, giao ban... chị đều tham gia phát biểu ý kiến sôi nổi. Những ý kiến chị nêu ra đều thấu tình đạt lý, mọi người dự họp đều nhất trí cao. Vào tháng 5/1998, chị được đứng vào hàng ngũ của Đảng cộng sản Việt Nam và được bầu làm thành viên Ban chấp hành phụ nữ xã, thành viên Ban công tác Mặt trận của xã.

Đang mải mê với công việc của trạm lại là lúc mẹ chị bị bệnh glaucom tái phát. Chị đành phải nghỉ phép đưa mẹ vào Bệnh viện Quân y 13. Mặc dù được nhiều bác sĩ tận tình cứu chữa nhưng sau một năm đôi mắt của mẹ chị đã bị mù. Chị phải vừa làm việc, vừa chăm sóc thuốc men và lo ăn uống cho mẹ.

Vì đồng lương của chị vốn cũng rất ít ỏi, không đủ thuốc men cho mẹ và chi tiêu hàng ngày nên những khi rảnh việc chị thường vào rừng đốn củi bán kiếm thêm tiền. Thấy vậy, nhiều bà con trong thôn đề nghị chị mở phòng mạch tại gia đình để trước cứu giúp bà con, sau kiếm thêm tiền để chi tiêu nhưng chị từ chối.

Mặc dù kinh tế khó khăn nhưng đầu trên, xóm dưới có người đau bụng, nhức đầu, nhờ tiêm thuốc, thay băng hay cắt chỉ... bất kể ngày đêm chị đều vui vẻ vượt núi, lội sông vài ba cây số để đến giúp họ mà không hề tính một đồng tiền công. Và một điều đáng kính nể ở chị là chị đã lén mẹ thầm lặng vượt trên 50 cây số đến Bệnh viện Sông Cầu và Quy Nhơn hiến 2 đơn vị máu để cứu sống hai bệnh nhân mổ u xơ tử cung. Ngoài ra, chị còn tham gia hiến máu nhân đạo 2 lần nữa do Hội phụ nữ xã và Đoàn thanh niên phát động. Chị thường tâm sự cùng tôi: "Người ta trước cứu người sau kiếm tiền, còn tôi trước cứu người sau kiếm chút đức cho con sau này".

Ngoài tuổi 30 nhưng trông chị lúc nào cũng lo nghĩ về mẹ và lo chăm sóc sức khỏe cho nhân dân trong xã mà không hề có chút đề cập đến việc gia đình, chồng con mặc dù chị cũng được nhiều anh trai làng theo đuổi. Nhiều lần mẹ chị tâm sự và khuyên chị lập gia đình nhưng chị từ chối và hứa với mẹ là chị sẽ không lấy chồng, sống độc thân để chăm sóc sức khỏe cho mẹ và cho dân làng.

Sau này khi chị gái chị trông nom, cơm nước cho mẹ thì chị càng có thêm thời gian để lo công việc cơ quan và giúp đỡ được nhiều người.

Tuyến xã là tuyến lắm bộn bề công việc: nhiều chương trình y tế được triển khai kiểm tra, giám sát chồng chéo. Mặc dù vậy nhưng chị vẫn tranh thủ sự lãnh đạo của Đảng sắp xếp thời giờ và đề ra kế hoạch hoạt động cụ thể cho từng chương trình và tham mưu đề xuất với Đảng ủy, cùng địa phương để triển khai kịp thời nhất là công tác phòng chống dịch bệnh. Mong muốn và cũng là mục tiêu duy nhất của chị là làm thế nào để cán bộ, chính quyền và nhân dân hiểu được, biết được nguyên nhân phát sinh dịch bệnh và cách phòng ngừa một số dịch bệnh thường gặp tại địa phương. Để đạt được điều đó chị xin ý kiến của Đảng ủy và chính quyền địa phương thường xuyên đến gặp trưởng thôn, phụ nữ thôn đăng ký lịch để họp dân tuyên truyền, hướng dẫn, đồng thời chị còn viết bài tuyên truyền rồi xin phép chính quyền địa phương để phát trên đài truyền thanh của xã. Nhờ vậy, nhận thức của người dân về công tác phòng chống dịch bệnh, vệ sinh môi trường... đã có bước chuyển biến tích cực, dịch bệnh giảm rõ rệt. Chị đã được UBND tỉnh tặng Bằng khen trong chiến dịch tiêm phòng sởi mũi 2 năm 2003, Sở Y tế tỉnh tặng Giấy khen về công tác phòng chống suy dinh dưỡng năm 1998 và rất nhiều Giấy khen khác do UBND huyện Sông Cầu và Sở Y tế Phú Yên trao tặng.

Thấy công việc của chị đã ổn định và đã có người trông nom, chăm sóc mẹ, một lần nữa mẹ chị tiếp tục động viên, khuyên chị lấy chồng.

Tháng 1/2003, chị đã lập gia đình. Gia đình chồng cách gia đình chị trên 15 cây số và cách Trạm y tế xã trên 8 cây số. Chồng chị là một thợ may, hơn chị 2 tuổi và mồ côi cha từ lúc mới lên 3. Cảnh một mẹ hai con cuộc sống cũng lắm vất vả. Hạnh phúc lớn nhất của chị và gia đình bên chồng là vào tháng 2/2004, chị sinh một cháu trai thật dễ thương, bụ bẫm. Chị được chồng và mẹ chồng thương yêu, chiều chuộng đúng mực. Đây là niềm vui và cũng là niềm an ủi lớn nhất từ trước đến nay giúp chị càng có thêm nghị lực để thực hiện tốt mọi nhiệm vụ của mình. Hằng ngày chị phải đi làm, chồng và mẹ ở nhà chăm sóc cháu. Đến tháng 6/2007, chị tiếp tục sinh thêm một cháu gái cũng thật dễ thương và bụ bẫm. Niềm vui của chồng, mẹ chồng và cả mẹ chị được nhân lên gấp bội. Tại thời điểm này, nơi chị đang công tác được tách thành hai đơn vị hành chính la thị trấn Sông Cầu và xã Xuân Lâm. Xã Xuân Lâm là nơi chôn nhau cắt rốn của chị, là nơi mẹ chị đang sống, là nơi dân làng mong muốn chị về để cứu giúp họ những khi tối lửa tắt đèn và cũng là nơi chị từng cam kết tốt nghiệp ngành y ra trường sẽ về đây phục vụ dân làng. Để giữ đúng lời hứa, chị đã bàn với gia đình bên chồng: chuyển hộ khẩu và chuyển công tác về thường trú và công tác tại Trạm y tế xã Xuân Lâm và được UBND huyện Sông Cầu (nay là thị xã Sông Cầu) phê duyệt.

Bé gái ra đời chưa đầy tháng, vào ngày 1/7/2007, chị đã nhận được quyết định và giấy mời về Trạm y tế xã Xuân Lâm nhận công tác và nhận bàn giao trạm mới. Chị phải để bé gái ở nhà cho chồng và mẹ chồng chăm sóc. Nhận bàn giao Trạm y tế xã Xuân Lâm xong, mặc dù chị sinh bé gái chưa đầy tháng, chưa mãn thời gian nghỉ thai sản nhưng với sự hy sinh thầm lặng và cao cả, với tình thương yêu dân làng đúng mực nên hàng ngày chị phải về đây sắp xếp, dự trù mua sắm trang thiết bị vật tư y tế cho trạm để kịp thời chăm sóc sức khỏe cho nhân dân và trực tiếp cầm tay chỉ việc cho tất cả cán bộ công nhân viên của trạm. Chẳng bao lâu cán bộ công nhân viên của chị đã quen biết và làm được mọi việc.

Là một xã miền núi nghèo, được thụ hưởng Chương trình 135 của Chính phủ, đời sống của nhân dân gặp không ít khó khăn, mọi người dân đều được khám chữa bệnh miễn phí. Để thông cảm với nỗi khổ của người dân, chị luôn nhắc nhở và khuyên cán bộ nhân viên của mình là phải thực hiện tốt 12 điều y đức, đặc biệt là phải thương yêu, tôn trọng, tận tâm, tận tình cứu chữa, giúp đỡ chăm sóc và hướng dẫn người bệnh trong điều kiện có thể và không được thu của bệnh nhân bất cứ một khoản tiền nào.

 Chị Yến tiêm thuốc cho bệnh nhân lao tại trạm y tế xã..

Ngày thứ bảy, chủ nhật, ngày lễ, ngày Tết chị phân công cho cán bộ công nhân viên chức của mình được nghỉ, còn chị luôn trực trạm trong những ngày này để cho bệnh nhân lao uống thuốc và tiêm thuốc cho họ mà không hề nghỉ bù. Thấy vậy tôi hỏi chị: "Sao không cho thuốc về nhà để bệnh nhân uống mà bắt họ đến trạm để uống?". Chị kể rằng: "Đưa thuốc về nhà sợ họ không uống hoặc uống không đủ liều lượng mình không kiểm soát được, họ sẽ không khỏi bệnh".

Ngoài việc chăm sóc sức khỏe cho nhân dân tại trạm, chị thường xuyên đến tận thôn xóm để tuyên truyền, hướng dẫn nhân dân về nguyên nhân và cách phòng, chống dịch bệnh thường gặp tại địa phương... và tham gia tốt các công tác do Đảng ủy và địa phương tổ chức. Mặc dù trạm chưa có cán bộ Đông y nhưng với tính tò mò, chịu khó chị đã lập được vườn thuốc Nam gồm 40 cây thuốc. Với tính năng động, chịu khó vươn lên trong mọi lĩnh vực nên vào tháng 1/2009, chị được Đảng ủy xã giới thiệu và Thị ủy Sông Cầu cử chị theo học lớp Trung cấp lý luận chính trị tại Thị ủy sông Cầu. Mặc dù công việc bộn bề nhưng lúc nào chị cũng có kế hoạch sắp xếp nên mọi việc đều hoàn thành một cách xuất sắc.

Từ ngày thành lập trạm đến nay chưa được 3 năm nhưng cơ sở, vật chất trang thiết bị của trạm được trang bị đầy đủ, khang trang... Và chị phấn đấu để đạt trạm chuẩn Quốc gia về y tế xã vào cuối năm 2010. Nhưng không may cơn bão lũ lịch sử vào ngày 2/11/2009 đã cuốn trôi toàn bộ tài sản, cơ sở vật chất, hồ sơ, sổ sách... ra biển cả. Và cũng trong thời gian này chị đã vay vốn từ Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và mượn thêm của bạn bè xây một ngôi nhà nhỏ gần trạm y tế, trong lúc đang xây dựng cũng bị nước lũ ngập làm hư hỏng gần 50 bao xi măng, gạch, ngói, sắt, thép... đều bị mưa lũ cuốn trôi và chôn vùi.

Để khắc phục hậu quả do bão lũ để lại, sau cơn bão chị phải đối đầu với rất nhiều công việc: nào là lo chăm sóc sức khỏe cho nhân dân, nào là lo vệ sinh môi trường, khử trùng giếng nước, tuyên truyền nhân dân phòng chống dịch bệnh, báo cáo thiệt hại do bão lũ, củng cố hồ sơ bệnh án, sổ sách, dự trù mua sắm thuốc men, trang thiết bị... nào lo vay mượn để tiếp tục xây dựng lại nhà cửa thì một tin buồn bất ngờ nữa lại đến với chị, đó là mẹ chồng bị tai biến nặng; chị phải lo tìm thầy cứu chữa và chăm sóc mẹ chu đáo.

Mặc dù chị phải đối đầu với rất nhiều và rất nhiều công việc nhưng trông chị vẫn có nghị lực và sức khỏe lạ thường; giàu lòng thương yêu người bệnh, sẵn sàng hiến máu cứu người bệnh. Cụ thể là vào ngày 3/5/2010, nơi chị cư trú có một bệnh nhân tên Nguyễn Thị Kim Tuyến, 32 tuổi đang phải chạy thận nhân tạo từ bệnh viện thành phố về. Chị liền đến nhà thăm hỏi và giúp đỡ, được biết bệnh nhân Nguyễn Thị Kim Tuyến đang thiếu máu và cần máu để cứu sống, chị đã hiến máu giúp bệnh nhân Tuyến 1 đơn vị máu.

Năm nay chị đã 38 tuổi, chị đã từng trải qua 15 năm công tác, trải qua nhiều gian nan thử thách đầy khắc nghiệt nhưng trông chị vẫn nhanh nhẹn, rắn rỏi và sôi nổi nhiệt huyết như ngày nào. Đó chính là sự hy sinh thầm lặng của một nữ cán bộ y tế xã nhưng cũng dễ dàng nhận thấy tấm gương của chị đáng để cho thế hệ trẻ hôm nay, mà đặc biệt là nhiều thầy thuốc khác phải học tập.    

Lê Thị Hà


Ý kiến của bạn