Cuối tuần vừa qua, đã có thêm 3 cuộc đời được hồi sinh nhờ ghép tạng: gan và thận từ người cho chết não tại Bệnh viện Việt Đức (Hà Nội). Không giống như nhiều ca ghép tạng trước đó, 3 ca ghép lần này thực sự là chiến thắng vào “phút thứ 89”, giống như là phép màu.
Ê-kíp phẫu thuật 100 người chờ đợi... bệnh nhân
Theo thông tin từ Trung tâm ghép tạng BV Việt Đức, ngày 2/4, tại BV Việt Đức đã tiến hành đồng thời 3 ca ghép tạng. Khoảng 100 thầy thuốc dưới sự chỉ đạo của PGS.TS. Nguyễn Tiến Quyết và GS.TS. Trịnh Hồng Sơn - Phó Giám đốc BV Việt Đức đã thực hiện thành công 3 ca phẫu thuật. Nguồn tạng ghép là từ một cô gái 18 tuổi bị tai nạn giao thông. Gia đình cô gái đã đồng ý hiến tạng để cứu sống nhiều người khác. Thông tin được đưa lên Trung tâm điều phối tạng quốc gia và các Trung tâm ghép tạng trong cả nước để tìm kiếm người nhận phù hợp. Người cho tạng thuộc nhóm máu A là một nhóm máu hiếm, do đó, thật may mắn cho 3 người bệnh đang trong danh sách chờ đợi ghép tạng có cùng nhóm máu và có các chỉ số phù hợp. Hai trong số đó là bệnh nhân suy thận độ 4 ở Hà Nội. Trường hợp thứ 3 là một người bệnh bị viêm gan cấp đã tiến triển xơ gan mất bù, có thể tiến tới hôn mê gan bất cứ lúc nào. Một trở ngại lớn là người mắc bệnh gan lại ở TP. Hồ Chí Minh. Khi được thông báo, gia đình chưa thể đưa bệnh nhân ra ngay được. PGS.TS. Nguyễn Tiến Quyết - nguyên GĐ Bệnh viện Việt Đức, GĐ Trung tâm ghép tạng BV Việt Đức cho biết: Các bác sĩ rất sốt ruột vì thời gian không thể kéo dài, tính từ khi người cho được xác định chết não tới khi phẫu thuật ghép tạng tốt nhất là 13 tiếng đồng hồ, để lâu hơn nữa sẽ ảnh hưởng tới chất lượng của tạng ghép cũng như tăng rủi ro trong phẫu thuật.
TTƯT.BS. Trần Sĩ Tuấn - Ủy viên BCH Hội vận động hiến mô, tạng Việt Nam, Tổng biên tập Báo SK&ĐS (bên phải ảnh) chúc mừng PGS.TS. Nguyễn Tiến Quyết và kíp phẫu thuật BV Việt Đức vừa thực hiện thành công ca ghép tạng. Ảnh: Duy Linh
Sau nhiều giờ chờ đợi, bệnh nhân ghép gan bay ra Hà Nội và nhập viện vào 18h ngày 1/4. Bệnh nhân được khẩn trương làm tất cả các xét nghiệm cần thiết ngay trong đêm. Đến 7h sáng ngày 2/4, kíp mổ đầu tiên bắt đầu mở tạng của người cho. Thật may, tình trạng tạng tốt. 9h cùng ngày, ca ghép gan bắt đầu. Gan của người bệnh được cắt bỏ và chuẩn bị để ghép tạng mới. 14 giờ: bắt đầu ghép gan. 16 giờ, sau 7 tiếng đồng hồ phẫu thuật, các bác sĩ đã hoàn thành ca ghép gan một cách suôn sẻ. Trước đó, vào lúc 13 giờ, hai kíp phẫu thuật ghép thận đã thực hiện ghép thận cho 2 bệnh nhân. Đến 17h, cuộc phẫu thuật ghép đa tạng kết thúc trong niềm vui của gia đình và sự nhẹ nhõm của các thầy thuốc. Bệnh nhân ghép gan được tiên lượng tốt và sức khoẻ khá ổn định. Riêng 2 bệnh nhân ghép thận, ngay sau mổ có biểu hiện rối loạn đông máu và đã được các thầy thuốc tích cực xử lý cũng đã ổn định.
Vậy là sau nhiều giờ chờ đợi trong thấp thỏm, 3 ca phẫu thuật ghép gan và thận đã được tiến hành vào giờ thứ 26 sau khi người cho được xác định là chết não. Theo TS.BS. Nguyễn Quang Nghĩa - Phó GĐ Trung tâm ghép tạng BV Việt Đức, đây có thể nói là giới hạn cuối cùng trong ghép tạng. Vì thế, ngoài áp lực của một ca phẫu thuật ghép tạng, nhất là ghép gan, một phẫu thuật phức tạp và nhiều rủi ro, các thầy thuốc trong các kíp mổ lần này còn phải vượt qua những rủi ro và áp lực vào “phút thứ 89” của trận đấu.
Niềm hạnh phúc được hồi sinh
6 tiếng sau phẫu thuật, 2 bệnh nhân được ghép thận đã tỉnh lại. Hiện tại, họ đã rất tỉnh táo, trò chuyện vui cười: “Sướng nhất là tôi đã đi tiểu được, tôi cảm thấy mình thoải mái và khoẻ mạnh” - anh H., một trong 2 bệnh nhân nói. Còn anh Th. - bệnh nhân ghép thận thứ hai hồ hởi bảo: “Tôi thấy mình thật may mắn! Giống như được sống lại vậy! Họ đều là những người đàn ông mới 40 tuổi đã phải nằm bẹp trên giường do suy thận độ 4, cuộc sống gắn liền với những buổi chạy thận, sức khoẻ suy yếu”. Đó là trước khi được phẫu thuật ghép thận. Giờ đây, cuộc sống của họ đã hoàn toàn thay đổi theo hướng tốt đẹp. BS. Nghĩa cho biết, chức năng thận của họ đều đã được hồi phục. Trường hợp của anh T. - người bệnh từ miền Nam bay ra Hà Nội để phẫu thuật thì đúng là cải tử hoàn sinh. Căn bệnh xơ gan mất bù của anh nếu không được ghép gan thì chỉ có thể chờ thần chết đón đi bất cứ lúc nào. Theo TS. Quyết, trước đây, trường hợp tương tự anh T. thì 100% tử vong, nhưng với ghép gan, tỷ lệ sống là 97-98%. Hiện tại, anh T. cũng đã tỉnh táo, có thể uống sữa, các chỉ số về gan ngày càng tốt hơn. Tiên lượng của cả 3 ca đều tích cực, họ có thể ra viện trong khoảng 10 ngày tới.