Hà Nội

Sự hồi sinh diệu kỳ của cô gái mắc ung thư máu

13-12-2016 10:22 | Tin nóng y tế
google news

SKĐS - Những câu chuyện cảm động về những em bé phải chịu đau đớn để giành giật sự sống từ căn bệnh ung thư hay cô gái trẻ Diệu Thuần đã hồi sinh diệu kỳ từ căn bệnh ung thư máu khiến ai cũng phải rơi lệ.

Chương trình giao lưu nghệ thuật gây quỹ hỗ trợ bệnh nhân ung thư nghèo "Ngày mai tươi sáng" đã diễn ra vào tối qua (12/12) tại Hà Nội. Chương trình nhằm kêu gọi lòng nhân ái của toàn xã hội, chung tay chia sẻ những khó khăn với các bệnh nhân ung thư nghèo.

Soạn tin nhắn cú pháp UT gửi đến tổng đài 1406, với mỗi tin nhắn đóng góp 12 nghìn đồng cho Quỹ hỗ trợ bệnh nhân ung thư Ngày mai tươi sáng chung tay phần nào chia sẻ nỗi đau, nỗi khó khăn của bệnh nhân ung thư.

Chương trình giao lưu nghệ thuật "Ngày mai tươi sáng" ủng hộ bệnh nhân ung thư nghèo có sự góp mặt của Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh; Nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan; Chủ tịch danh dự Quỹ hỗ trợ bệnh nhân ung thư Ngày mai tươi sáng TS. Nguyễn Quốc Triệu; Thứ trưởng Bộ Y tế PGS.TS. Nguyễn Viết Tiến; TS. Nguyễn Thị Xuyên, nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế, Chủ tịch Tổng hội Y học Việt Nam, Chủ tịch Quỹ hỗ trợ bệnh nhân ung thư Ngày mai tươi sáng; PGS.TS. Trần Văn Thuấn, Giám đốc Quỹ Ngày mai tươi sáng, GĐ BV K TW. Chương trình còn có sự góp mặt của các nghệ sĩ nổi tiếng nhằm gây quỹ.

Những câu chuyện được kể trong chương trình đã mang lại sự xúc động cho nhiều khán giả. Đó là quá trình đồng hành của các bác sĩ với gia đình và bệnh nhân trong hành trình chiến thắng bệnh tật; những tấm gương bác sỹ hết lòng vì người bệnh, mang đến sự hồi sinh diệu kỳ cho các bệnh nhân ung thư nghèo. Những câu chuyện xúc động về những em bé phải tiêm truyền, trải qua sự đau đớn để có thể tiếp tục sống, tấm gương của cô gái đã trải qua 7 năm điều trị ung thư máu khi ở ngưỡng cửa của trường Đại học đã để lại những giọt nước mắt cho khán giả về nghị lực sống phi thường,...

Sự đồng cảm, chia sẻ, mang yêu thương đến với người bệnh ung thư cũng là những điều quỹ hỗ trợ bệnh nhân ung thư "Ngày mai tươi sáng" làm trong suốt hơn 5 năm qua. Nhiều nhà quản lý, những thầy thuốc trọn đời cống hiến vì sức khỏe người bệnh, những cá nhân, tổ chức giàu lòng hảo tâm… đã cùng chung tay xây dựng Quỹ Hỗ trợ bệnh nhân ung thư - Ngày mai tươi sáng để hỗ trợ và mang lại sự ấm áp cho bệnh nhân không may mang trong mình căn bệnh hiểm nghèo.

Cơn đau quá sức chịu đựng để giành giật sự sống

Ung thư đang và sẽ là vấn đề lớn đối với sức khoẻ cộng đồng. Theo ghi nhận của Tổ chức Ung thư Quốc tế, mỗi năm trên thế giới có khoảng 14 triệu ca mắc mới và 8,2 triệu trường hợp tử vong do ung thư. Tại Việt Nam, theo số liệu của Bộ Y tế và ngành ung thư, số ca mắc mới căn bệnh này đang tăng lên nhanh chóng, cùng với đó là tỷ lệ tử vong cao và gánh nặng tài chính đang đè nặng lên mỗi người bệnh. Ung thư đang trở thành nỗi ám ảnh không chỉ riêng quốc gia nào. Việt Nam là nước có tỷ lệ bệnh nhân ung thư thuộc top đầu khu vực Đông Nam Á.

Tại khoa ung bướu, Bệnh viện Nhi TW, nơi điều trị cho các bệnh nhi bị ung thư, 8h sáng là lúc bác sĩ thực hiện các thủ thuật lấy máu, truyền hóa chất, tiêm tủy. Để khỏi bệnh, được sống, các em phải chấp nhận những cơn đau quá sức chịu đựng.

Những nỗi đau đớn của các em bé khi giành giật sự sống từ căn bệnh ung thư

Bác sĩ Trần Thị Liên Nhi, Khoa Ung bướu, Bệnh viện Nhi TW xúc động kể lại về trường hợp của cô bé Diệu Linh, một cô bé không biết khóc: “Nhiều bạn khóc khi không có bố mẹ, nhưng bạn Linh chưa bao giờ thấy bạn ý khóc cả, kể cả khi bạn ý lấy ven." Diệu Linh bị ung thư máu, bố em mắc bệnh nặng ở nhà, mẹ em đã bỏ đi, chỉ có người chú và ông nội thay phiên nhau xuống Hà Nội trông cháu. Ít được ai dỗ dành, một cô bé 4 tuổi không kêu khóc khi bị đau, và còn biết nhiều hơn thế. “Buổi tối mà đông người đến thăm quá tôi lại phải bế cháu đi ra, vì nhiều khi các cháu khác có người lớn hỏi han, cháu mình thì chẳng ai hỏi cả....”, ông Hà Văn Xảo, ông nội của bé Diệu Linh chia sẻ. Dù đã có bảo hiểm, nhưng những chi phí khác vẫn đè nặng lên vai những gia cảnh nghèo.

Cô bé 4 tuổi dũng cảm "không biết khóc" Diệu Linh

Thanh Huyền là cô bé có mái tóc dài và đẹp hiếm hoi của khoa ung bướu. Em lên đây được hơn 1 tuần vì những cơn sốt kéo dài. Chưa có kết quả nên bố Huyền vẫn mong em chỉ bị bệnh thông thường. Người đàn ông này 3 năm qua đã mất đi cả vợ và 2 con trai vì căn bệnh ung thư. Huyền giờ là đứa con duy nhất của anh. Trong phòng khám bệnh, người cha của cô bé được bác sĩ chấn an tinh thần khi báo tin: “Bố phải bình tĩnh nghe nhé. Con thì chắc chắn bị ung thư rồi, ung thư máu...." Người đàn ông đã 3 lần chứng kiến người thân bị ung thư lặng người sững sờ trước cái tin sét đánh nhưng rồi anh đành phải nén lòng qua một bên để lại tất bật lo tiền chi phí chữa trị cho cô con gái duy nhất.

Bệnh nhân Nguyễn Thị Nơ, Vĩnh Long nghẹn ngào trải lòng trên giường bệnh cũng là chốn nương thân duy nhất của người phụ nữ có tuổi: “Hiện tại không có nhà cửa, nơi ăn chốn ở, ở bệnh viện là bệnh viện lo...”. Bệnh nhân Nguyễn Thị Lan, Can Lộc, Hà Tĩnh cũng đau lòng không kém: “Làm ruộng mà bệnh tật, không có làm cái gì, chỉ có chết đói thôi...”. Ung thư đối với gia đình khá giả cũng là gánh nặng, chưa nói đến các gia đình có hoàn cảnh khó khăn. Theo số liệu thống kê, 55% bệnh nhân ung thư kiệt quệ tài chính sau 1 năm.

Sự hồi sinh kỳ diệu từ căn bệnh tưởng chừng vô phương cứu chữa

Nhưng trên cả nỗi đau vẫn là những điều kỳ diệu ẩn náu nơi đây. Và sự kỳ diệu đó trên hết đến từ sự tận tâm của những người thầy thuốc, những tấm lòng yêu thương mọi người xung quanh và nghị lực phi thường của chính những người bệnh. Cô gái "Hoa Hướng dương" Hoàng Diệu Thuần, một ca sĩ của chương trình đã cất lên những lời ca “Nghe tôi kể này” từ ca khúc của Lê Cát Trọng Lý để thay cho lời tự sự nhắn nhủ đầy yêu thương. Cách đây 11 năm, Diệu Thuần cũng bị mắc ung thư máu khi cánh cửa đại học đang mở ra, và phải 7 năm chống chọi khắc nghiệt, tưởng chừng như đã không thành công, nhưng nhờ vào tình yêu và sự bao bọc của rất nhiều người, điều kỳ diệu đã xảy ra.

Cách đây 4 năm, Diệu Thuần đã được ghép tuỷ thành công tại Viện Huyết học Truyền máu TW. Thuần chia sẻ “mắc bệnh từ năm 18 tuổi” khi vừa đỗ đại học, sau này thì vừa phải điều trị vừa tiếp tục học khá khó khăn, có khó khăn về tinh thần và điều trị quá tốn kém, bên cạnh đó sự giúp đỡ động viên của nhiều người.

Tấm gương nghị lực sống phi thường Diệu Thuần với ca khúc "Nghe tôi kể này"

Trong khoảng thời gian đó Thuần chống chọi với rất nhiều thứ, và lúc nào cũng khóc, khóc rất nhiều, và mong phép màu lại xảy đến với mình. Những ngày trước khi ghép tuỷ tại Viện Huyết học Truyền máu TW, sau mỗi đợt truyền hóa chất, trang nhật ký lại dày thêm. “Dù chuyện gì xảy ra đi nữa, tôi thật sự không hề hối tiếc khi được sinh ra và sống những ngày tháng này. Có những đau đớn và hạnh phúc xen lẫn. Tôi cảm nhận cuộc đời này ý nghĩa hơn.” Trước khi được ghép tủy, có những trang nhật ký còn dang dở, Thuần đã từng ước "giá như căn bệnh ung thư máu không chọn mình...", nhưng rồi chính Thuần là người đã động viên người mẹ đang nước mắt lưng tròng vì thương con bằng những lời mạnh mẽ: "Mẹ đừng khóc..." vì khát vọng sống trong em tin tưởng rằng mình sẽ vượt qua.

7 năm cô gái 26 tuổi gắn bó cuộc sống với giường bệnh, thế nhưng cô vẫn cảm tạ cuộc sống bởi cuộc sống đã cho cô quá nhiều yêu thương, đã khiến cô cảm nhận được ý nghĩa của cuộc sống. Cô vẫn ca ngợi cuộc sống tươi đẹp này qua tiếng đàn, tiếng hát và chiến thắng căn bệnh ung thư máu có lúc tưởng như đã vô phương cứu chữa,... Cô gái ấy vẫn như loài hoa hướng dương luôn hướng về phía mặt trời, và tỏa sáng mạnh mẽ....

Còn rất nhiều nữa những câu chuyện hồi sinh kỳ diệu từ bàn tay tài hoa của người bác sĩ, từ sự tận tâm của những người y tá điều dưỡng, từ tấm lòng yêu thương của những người xung quanh, và có thể còn từ tấm lòng nhân ái của bạn và tôi, của xã hội quanh ta.... Chúng ta hãy sống như loài hoa hướng dương, mang lại mật ngọt và những điều nhân ái đến cho đời, bằng cách sẻ chia với những người bệnh, để phía trước chúng ta luôn là những ánh dương.


Nguyễn Vân
Ý kiến của bạn